DN gian lận giá sữa: Phải xử phạt thật nặng để không "lách luật"

11/10/2013 07:53
Ngọc Quang
(GDVN) - Nhiều ý kiến cho rằng, với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gian lận giá sữa, cần phải xác lập mức phạt thật nặng, đủ để các DN sữa không còn nghĩ tới "lách luật".
Tại buổi họp báo quý 3 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 10/10, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý giá khẳng định, sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 30/2013/TT- BYT ngày 4/10/2013 về việc ban hành danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp liên quan kê khai giá và giải trình việc tăng giảm giá trong thời gian qua.
“Sau khi có yêu cầu kê khai giá, khi nhận thấy có những dấu hiệu bất thường thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành thẩm tra. Trước đây việc xử phạt áp dụng theo Nghị định 84, từ tháng 11 tới đây sẽ xử lý theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

Thí dụ, nếu phát hiện doanh nghiệp không kê khai giá thì sẽ lập tức xử phạt hành vi này, và những sai phạm khác cũng sẽ sử phạt theo các chế tài khác”, ông Tuấn cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xác lập mức phạt thật nặng, đủ để các DN sản xuất kinh doanh sữa không còn nghĩ tới "lách luật".
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xác lập mức phạt thật nặng, đủ để các DN sản xuất kinh doanh sữa không còn nghĩ tới "lách luật".

Vị Cục trưởng Cục quản lý giá thông tin, sau khi có những báo cáo giải trình, Bộ sẽ nghiên cứu đánh giá cụ thể và đề xuất biện pháp tiếp theo nếu có những bất thường và sai phạm đồng thời căn cứ vào hành vi để có mức phạt tương ứng theo quy định. Tuy nhiên, ông Tuấn không đề cập tới việc có yêu cầu giảm giá sữa nếu có sai phạm hay không và không bình luận về những câu hỏi liên quan tới lợi nhuận thực tế của các doanh nghiệp kinh doanh sữa cũng như các nghi vấn về việc các doanh nghiệp này trốn thuế.

Theo tìm hiểu của Giáo dục Việt Nam, tại Điều 5. Hành vi vi phạm quy định về bình ổn giá, Nghị định 109 nói rõ:

Phạt cảnh cáo đối với hành vi chậm báo cáo trong thời hạn dưới 5 ngày làm việc so với yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác bình ổn giá; Phạt tiền từ 1 đến 5 triệu đồng đối với hành vi chậm báo cáo quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn từ 5 ngày làm việc đến 10 ngày làm việc; Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi chậm báo cáo quy định tại Khoản 1 Điều này quá 10 ngày làm việc; Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng một trong những biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện một trong những biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định; Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với hành vi trích lập không đúng hoặc sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định của pháp luật về giá; Phạt tiền từ 40 đến 60 triệu đồng đối với hành vi không trích lập Quỹ bình ổn giá.

Ngoài hình thức áp dụng phạt tiền, doanh nghiệp còn bị buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá toàn bộ số tiền do sử dụng không đúng Quỹ bình ổn giá.

Liên quan đến câu chuyện quản lý giá sữa, một câu hỏi đã đặt ra: Mỗi năm, doanh nghiệp sữa ngoại đóng bao nhiêu tiền thuế cho Việt Nam? Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói: “Rất khó có thể cung cấp được con số này, bởi theo thống kê thì có cập nhật hàng ngày số thu, nhưng khó cập nhật doanh nghiệp sữa, vì có hàng vạn mặt hàng, mà thuế nội địa không thống kê, chỉ có thống kê sản phẩm nhập khẩu”.

Trước đó, tại buổi họp báo quý 3 tại Bộ Công thương, ông Nguyễn Xuân Chiến - Vụ Phó Thị trường trong nước khẳng định thông tin, từ đầu năm tới nay một số hãng sữa tăng giá 10-15% là có thật. Các hãng sữa đã “lách” bằng cách đổi thành những tên gọi khác như “sản phẩm công thức”, “sản phẩm dinh dưỡng”... Do không phải tên gọi là “sữa”, nên không thuộc quy định điều chỉnh của Luật giá, đây cũng chính là nguyên nhân đẩy giá sữa thời gian qua.

Theo ông Chiến, sau khi Bộ Y tế ban hành danh mục sữa và sản phẩm sữa, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra các doanh nghiệp (DN) kinh doanh mặt hàng này. Người tiêu dùng cần phát huy quyền của mình, phản ánh những sản phẩm bán không đúng giá niêm yết, để cơ quan chức năng xử lý. Người tiêu dùng cứ im lặng, còn DN thấy việc tăng giá vẫn bán được thì họ cứ thế lách luật.

Ngọc Quang