Hôm nay, chính thức thông xe cầu Sài Gòn 2

15/10/2013 07:27
Ngọc Luân
(GDVN) -  Kể từ 16 giờ hôm nay, cầu Sài Gòn 2 sẽ chính thức được đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông tại cửa ngõ Đông Bắc của TP. HCM. Là một công trình trọng điểm, cầu Sài Gòn 2 có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển KT-XH của cả khu vực, và cũng là công trình giao thông được người dân thành phố chờ đợi nhất hiện nay.

Tin từ Sở Giao thông vận tải TP. HCM cho biết, vào lúc 16h hôm nay, ngày 15/10/2013, cầu Sài Gòn 2 – công trình giao thông huyết mạch, quan trọng bậc nhất của TP. HCM sẽ được thông xe, chính thức đưa vào khai thác lưu thông.

Cầu Sài Gòn 2 vừa hoàn thành, nhìn từ hướng mặt sông Sài Gòn.
Cầu Sài Gòn 2 vừa hoàn thành, nhìn từ hướng mặt sông Sài Gòn. 

Công trình cầu Sài Gòn 2 do Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) và Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) làm chủ đầu tư với tổng số vốn của dự án là gần 1.500 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức B.T (xây dựng - chuyển giao). Dự án này có thời gian thi công là đúng 18 tháng, tính từ ngày khởi công 14/4/2012, vượt tiến độ kế hoạch hơn 3 tháng.

Cầu Sài Gòn 2 nằm về phía hạ lưu và song song với cầu Sài Gòn hiện hữu. Khoảng cách giữa tim 2 cây cầu này là 26,6m. Theo thiết kế, công trình cầu Sài Gòn 2 có tổng chiều dài 1.450m, trong đó chiều dài thân cầu là 987,32m, gồm 30 nhịp và phần còn lại là đường dẫn lên cầu. Chiều rộng mặt cầu là 23,5m, được chia làm 6 làn xe, bao gồm: 4 làn xe ôtô (rộng 15m) và 2 làn dành cho xe máy và xe thô sơ

Phối cảnh khu vực giao thông cửa ngõ Đông Bắc TP. HCM
Phối cảnh khu vực giao thông cửa ngõ Đông Bắc TP. HCM

Công trình cầu Sài Gòn 2 được thiết kế cho phép các loại xe lưu thông với tốc độ 80 km/giờ, cầu có tải trọng cho phép xe siêu trường, siêu trọng lưu thông. Theo tính toán công trình này sẽ có tuổi thọ 100 năm và chịu được động đất lên đến cấp 7.

Cầu Sài Gòn 2 cũng được thiết kế với kiến trúc mỹ thuật tương ứng so với cầu Sài Gòn hiện hữu, đặc biệt các trụ cầu có kiểu dáng hình chữ Y như cầu hiện hữu nhằm bảo đảm mỹ quan đồng bộ.

Theo ông Bùi Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. HCM, đây là lần đầu tiên TP. HCM tổ chức đấu thầu một dự án thực hiện theo hình thức BT. Việc đấu thầu hay tuyển chọn nhà đầu tư thông qua cạnh tranh sẽ tạo sân chơi công khai, minh bạch, sòng phẳng giữa các nhà đầu tư với nhau và giữa các nhà đầu tư với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Phương án tổ chức giao thông trong khu vực được Sở Giao thông vận tải TP. HCM thông báo như sau: cầu Sài Gòn hiện hữu sẽ cho lưu thông 1 chiều các loại xe theo hướng từ quận 2 đến quận Bình Thạnh, còn cầu Sài Gòn 2 song hành sẽ đón nhận các phương tiện lưu thông ở chiều ngược lại, hướng từ quận Bình Thạnh ra xa lộ Hà Nội đi quận 2, quận 9, Thủ Đức và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Cầu Sài Gòn hiện hữu đã quá già nua và không còn đáp ứng được nhu cầu giao thông ngày càng lớn của TP. HCM
Cầu Sài Gòn hiện hữu đã quá già nua và không còn đáp ứng được nhu cầu giao thông ngày càng lớn của TP. HCM

Được biết, hiện mỗi ngày cầu Sài Gòn hiện hữu phải chịu khoảng 40.000 lượt xe qua lại. Trong khi đó, sức chịu tải của cây cầu là chỉ có thể “gánh” được 50% lưu lượng này.

Do vậy, việc sớm đưa vào khai thác công trình cầu Sài Gòn 2 không những giúp giải tỏa bớt áp lực giao thông trên cây cầu cũ, giải quyết ùn tắc giao thông, mà còn góp phần nâng cao năng lực giao thông cho cửa ngõ Đông Bắc của TP. HCM, đặc biệt là khi xa lộ Hà Nội sẽ được mở rộng trong tương lai.

Công trình cầu Sài Gòn hiện hữu được thi công từ tháng 11/1958 đến ngày 28/6/1961. Phần thân cầu Sài Gòn cũ dài 986,12m, gồm 32 nhịp trong tổng chiều dài 267,45m toàn công trình..

Cầu Sài Gòn đã trải qua 3 lần sữa chữa. Trong đó, lần cuối là vào 1998, cầu được tiến hành nâng cấp và sửa chữa lớn trên mặt cầu, đến tháng 6 năm 2000 thì hoàn thành..

Sau khi nâng cấp, mặt cầu được mở rộng từ 19,63m lên 24m, tổ chức lại thành 4 làn xe, có tải trọng 32 tấn, để đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng cao của TP. HCM.

Ngọc Luân