Nhật Bản sắp có trang mạng 11 thứ tiếng về đảo Senkaku

15/10/2013 10:10
Việt Dũng
(GDVN) - Trang mạng chuyên đề này sẽ tập trung tuyên truyền về chủ quyền đảo Senkaku và Takeshima của Nhật Bản, tăng cường mối quan tâm của các nước.
Đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư
Đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư

Tờ "Nihon Keizai Shimbun" Nhật Bản đưa tin, để tăng cường đối phó với Trung Quốc, Hàn Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, Nhật Bản sẽ lập ra trang mạng tuyên truyền đối ngoại trong thời gian tới, sử dụng 11 thứ tiếng nước ngoài trong đó có tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp để tuyên truyền chủ trương chủ quyền của Nhật Bản đối với những lãnh thổ này. Theo bài báo, đây là sự phản hồi đối với việc Trung Quốc, Hàn Quốc có những động thái tích cực tuyên truyền chủ trương của họ trên trường quốc tế.

Bài báo cho rằng, Nhật Bản từng nhiều lần thông qua thông qua Bộ Ngoại giao chủ trương chủ quyền đối với đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo) và đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), nhưng hiệu quả thực tế không lớn, vì vậy chuyển sang cách làm khác.

Tờ "Nihon Keizai Shimbun" cho biết, một bức thư kiến nghị được tổng hợp vào tháng 7 năm 2013 của "Hội tư vấn chuyên gia tuyên truyền đối  ngoại về lãnh thổ và chủ quyền" cho rằng, xung quanh vấn đề xung đột lãnh thổ, cần thiết phải giới thiệu lập trường và chủ trương của Nhật Bản với bên thứ ba, những nước không phải đương sự. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu tập trung làm công tác chuẩn bị có liên quan.

Bài báo cho biết, là bước đi đầu tiên của hoạt động này, Nhật Bản sẽ công khai một đoạn phim hoạt hình dài 30 giây trên trang mạng này trong thời gian tới. Trong tương lai, ngoài việc tiếp tục sản xuất phim hoạt hình về đảo Senkaku và đảo Takeshima, Nhật Bản còn có kế hoạch xây dựng 12 mẫu phim hoạt hình trong đó có "lãnh thổ Phương Bắc" (quần đảo Nam Kuril do Nga kiểm soát).

Đảo Dokdo do Hàn Quốc kiểm soát, Nhật Bản gọi là đảo Takeshima
Đảo Dokdo do Hàn Quốc kiểm soát, Nhật Bản gọi là đảo Takeshima

Được biết, những phim hoạt hình này sẽ lần lượt được công khai trên trang mạng chuyên đề tuyên truyền đối ngoại sắp được đưa ra, đồng thời còn đưa vào hoạt động tuyên truyền của lãnh sự quán đóng ở các nước.

Trước đây, nội dung tuyên truyền về lãnh thổ của Nhật Bản phần lớn được tiến hành trên trang mạng của Bộ Ngoại giao, có quan chức Chính phủ Nhật Bản cho rằng, "những nội dung này bị các biển thông tin khác làm lu mờ, hiệu quả không tốt". Quan chức này trông đợi thông qua trang mạng riêng để phát thông tin hình ảnh động, "tăng cường mối quan tâm và hiểu biết của nước khác đối với những vấn đề này".

Ngoài ra, cùng với việc lễ tế bái đền Yasukuni tới gần, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có đến thăm ngôi đền này hay không cũng trở thành một vấn đề được dư luận Nhật Bản quan tâm. Tờ "Sankei Shimbun" Nhật Bản ngày 12 cho biết, ông Shinzo Abe đang triển khai chiến thuật "mập mờ" trong vấn đề này, không nói đi cũng không nói không đi.

Quần đảo Kuril do Nga kiểm soát
Quần đảo Kuril do Nga kiểm soát

Khi trả lời phỏng vấn ngày 12 tháng 10 về khả năng thăm đền Yasukuni trong thời gian diễn ra lễ tế bái đền Yasukuni từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 10 năm 2013, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết: "Điều rất đáng tiếc là, trong tình hình (thăm đền Yasukuni) đã trở thành vấn đề ngoại giao, đi hay không đi, tôi không thể trả lời". Ông cho biết thêm: "Tôi muốn bày tỏ lòng thành kính, cảm ơn và chia buồn với anh linh của những người đã hy sinh vì đất nước".

Ngày 12 tháng 10, khi được hỏi về vấn đề tương tự, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng từ chối phát biểu bình luận. Ngày 13 tháng 10, tờ "Hankook Ilbo" Hàn Quốc bình luận, bản thân ông Shinzo Abe nên nhận thức được rằng, thăm đền Yasukuni tuyệt đối không nên sử dụng làm "con bài ngoại giao".

Theo báo Hàn Quốc, gần đây, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến thăm Nhật Bản đều không đến thăm đền Yasukuni, mà đến lễ ở một nơi khác gần đó, hành động đó là để "làm mẫu" cho các nhà chính trị Nhật Bản.

Trên thực tế, Trung Quốc luôn lo ngại, Nhật Bản dùng nhiều cách thức khác nhau để có thể sửa đổi Hiến pháp, tăng cường sức mạnh quân sự, mở rộng xuất khẩu vũ khí trang bị tiên tiến… sẽ thách thức những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở biển Hoa Đông cũng như ở khu vực khác. Vì vậy, Trung Quốc luôn tìm mọi cách gây sức ép với Nhật Bản để Nhật Bản không tiếp tục “hữu khuynh hóa”, không được trở thành quốc gia bình thường như các nước khác.

Thủ tướng Nhật Bản đang tập trung thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp, tăng cường sức mạnh quân sự, thực hiện quyền tự vệ tập thể, tăng cường xuất khẩu vũ khí trang bị, trở thành quốc gia bình thường... Hiện chưa rõ ông Shinzo Abe có đến thăm đền Yasukuni vào thời gian tới hay không.
Thủ tướng Nhật Bản đang tập trung thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp, tăng cường sức mạnh quân sự, thực hiện quyền tự vệ tập thể, tăng cường xuất khẩu vũ khí trang bị, trở thành quốc gia bình thường... Hiện chưa rõ ông Shinzo Abe có đến thăm đền Yasukuni vào thời gian tới hay không.
Việt Dũng