Bão số 11 đổ bộ vào đất liền: Đà Nẵng tơi tả, biển Mỹ Khê dậy sóng

15/10/2013 08:21
Theo Tuổi Trẻ
(GDVN) - 7g45 - 8g sáng 15-10, giữa vùng bão dữ dội đang tấn công Đà Nẵng, ba PV Việt Hùng, Đăng Nam, Thuận Thắng thở dồn dập báo tin: Đất tròi Đà Nẵng mịt mù trong mưa bão. Sóng biển Mỹ Khê ngày thường hiền hòa giờ đã hung hãn đẩy cát tràn lên đường Hoàng Sa.

Vài chục nhà hàng phục vụ khách du lịch dọc đường Hoàng Sa, Trường Sa đã tốc mái, xiêu vẹo.

7g46. CTV Đoàn Cường báo: Những cơn cuồng phong từ cơn bão số 11 đã biến phố phường thành đại cảnh tan hoang. Dọc từ đường Trần Cao Vân, Dũng Sỹ Thanh Khê, Nguyễn Tất Thành…, cây cối đổ rạp giữa đường. Nhiều nhà dân quận Thanh Khê đã bị tốc mái, một số quán xá đã bị bão giật sập. Nhiều khu vực đã bắt đầu bị ngập lụt, người dân đang khẩn trương di dời. Hệ thống điện, nước ngưng trệ.

Hàng loạt ngôi nhà tại Quận Liên Chiểu, Đà Nẵng đã tốc mái - Ảnh Viễn Sự
Hàng loạt ngôi nhà tại Quận Liên Chiểu, Đà Nẵng đã tốc mái - Ảnh Viễn Sự

7g30. Tại khu vực cầu Rồng trên sông Hàn (TP Đà Nẵng), toàn bộ cây cối vài mười năm tuổi khu vực này đã gãy đổ, một đoạn lan can bờ tây sông Hàn gãy sụp xuống sông. Nước sông Hàn ngầu đỏ, lấp liếm bờ kè đường Bạch Đằng.

7g15. sáng 15-10, trên đường phố Đà Nẵng hầu như không một bóng người, các PV cho biết: Cây cối, tôn... ngã đổ ngổn ngang trên các tuyến đường Trần Phú, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Nguyễn Chí Thanh... Đã Nẵng vẫn tiếp tục mất điện (từ 20g tối 14-10).

Vào thời điểm này, từ khu vực của hầm phía nam đèo Hải Vân (Q. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), PV Viễn Sự thông tin gấp gáp: Gió dữ dội. Các cây trái vườn nhà dân bị nghiến sạch trong mưa gió. Rừng Bạch Đàn ven đường gãy đổ quá nửa. Đất đá taluy dương trên tuyến đường tránh đã sạt lở. Nhiều nhà dân đã tốc mái.

Ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, khu vực gần cửa hầm Hải Vân, khoảng 1/3 nhà dân, và nhà máy xí nghiệp tại đây bị bay mái tôn. Cây cối khu vực này cũng gãy, đổ hàng loạt. Trên đường nhiều tôn bay, rất nguy hiểm.

Trước đó 15 phút, lúc 6g45, PV Tấn Vũ thông tin khẩn cấp: Gió bão tiếp tục tấn công dữ dội những khu dân cư dưới chân đèo Hải Vân. Ở Đà Nẵng, 6g30, PV tại Đà Nẵng cho biết bão đang dồn dập đổ vào TP.Đà Nẵng.

Gió giật rất mạnh. Nhiều ngôi nhà mái tôn đã tốc mái. Dọc tuyến đường Trần Phú, cây cối ngã đổ hàng loạt. Một mảng tường dài đã đổ sập xuống đường.
Hàng loạt ngôi nhà tại Quận Liên Chiểu, Đà Nẵng đã tốc mái - Ảnh Viễn Sự
Hàng loạt ngôi nhà tại Quận Liên Chiểu, Đà Nẵng đã tốc mái - Ảnh Viễn Sự

Cùng lúc, PV Tuổi Trẻ khu vực Lăng Cô cho biết khu vực này đang có gió giật cấp 9, cấp 10. Cây cối ngã đổ ngổn ngang. Nước dưới khu vực đầm Lập An đã dâng cao thêm hơn 3m, bắt đầu tràn qua mặt đường, ngập vào một số nhà dân xung quanh. Nhiều nhà dân bị gió xô xiêu vẹo.

Tan nát dưới chân đèo Hải Vân

5g30 sáng, gió quật, mưa gào. Phía nam đèo Hải Vân khu vực sát biển Nam Ô mọi thứ đã tan tành trong bão. Gió rít liên tục khiến cây gãy đổ, trụ điện ngả nghiêng, tôn từ các mái nhà bay tung tóe dưới làn mưa. Sóng biển không còn ầm ào mà đánh vào bờ bằng những tiếng nổ đì đùng hung dữ. Hàng trăm người nằm co ro trong căn nhà tránh bão chống chọi thâu đêm. Nhiều người không thể chợp mắt, nhiều người chui xuống cầu thang để tránh bão. Thanh niên, đàn ông, ngồi chờ gió rít trắng đêm, không ai dám chợp mắt trước diễn biến kinh hoàng của trận gió.

Gió vẫn chưa có dấu hiệu giảm cường độ, tiếng cây xé cành rắc rắc, tiếng mái tôn bay, tiếng sóng nổ ầm ầm vẫn ám ảnh. Toàn bộ điện bị cúp, liên lạc hơi bị ngắt quãng do sóng điện thoại tại khu vực còn rất yếu. Ông Nguyễn Ba, bí thư chi bộ thôn Kim Liên, cùng chúng tôi thức trắng đêm với người dân, nhận định trận bão này có sức công phá không khác nào bão Xangsane năm 2006, có khi thiệt hại còn lớn hơn bỡi chưa ai biết tâm bão vào hay chưa, gió quá mạnh đã làm tan nát tất cả.

Trời vừa hừng sáng, gió quật có thể thấy rõ những cành cây cúi đầu sát mặt đất, những cây dừa vững chãi cũng cong mình trước gió. Nhà tốc mái, tôn bay, người lo sợ…

5g. Huế: Một người bị thương do tôn chém

Từ chiều tối qua (14-10), PV Nguyên Linh đã “cắm” ở vùng biển Chân Mây – nơi dự báo tâm bão sẽ đổ bộ vào. Hơn 350 hộ dân sống ở gần mép nước của xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) đã di dời khẩn cấp trong đêm lên trú ẩn ở các trường học trong xã. Từ 4g sáng 15-5, mưa lớn, gió thổi rất mạnh, giật liên hồi. Nhiều cây xanh gần khu vực trụ sở UBND xã Lộc Vĩnh đã bị gió bão vặn gãy, rạp đổ, khung cửa kín của xã bị gió bão giật rung lên liên hồi. Gió bão đánh vào mái tôn giật rầm rầm, một số tấm tôn đã cuốn phăng trong đêm tối. Thông tin bước đầu ở xã Lộc Vĩnh có một người đàn ông khoảng 25 tuổi ở thôn Bình An 1 đã bị tồn chém bị thương ở chân khi cố gắng chằng chống lại nhà cửa. 

Toàn bộ khu vực này đã mất điện từ tối hôm qua, gió bão rít liên hồi tạo thành âm thanh nghe ghê rợn trong đêm tối.

5g sáng, ông Nguyễn Ngọc Dũng, chủ tịch UBND xã Vinh Hải (Phú Lộc) cho biết sóng cao 5-6m đã chồm qua dãi cát và rừng phòng hộ ven biển, nước biển đang tràn vào các khu dân cư, 300 người dân sống ở đây đã được di dời từ trước. Hiện gió giật mạnh, không ai dám đi ra ngoài. 

Bão đổ bộ trong đêm, phố cổ Hội An nổi cuồng phong

CTV Thanh Ba của báo Tuổi Trẻ ghi lại tình hình cơn bão số 11 tại phố cổ Hội An (Quảng Nam): Từ đêm 14-10 đến rạn sáng 15-10, trời đổ mưa to và gió liên tục giật mạnh khu phố cổ Hội An.

Gió thổi rít từng cơn như nổi trận cuồng phong quét qua các dãy nhà cổ, quật ngã nhiều cây xanh phố cổ và ngoài tuyến đường ven biển.

Trao đổi qua điện thoại lúc 4g sáng 15-10, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban phòng chống lụt bão thành phố Hội An, cho biết đến thời điểm này, bão đang có gió mạnh cấp 9, vùng ven biển An Bàng – Cửa Đại gió mạnh đến cấp 10. Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn và lực lượng công an các xã phường đang phối hợp với công an thành phố trực chiến liên tục tại những địa điểm có nguy cơ bị bão tàn phá cao như 2 phường Cửa Đại và Cẩm An.

Cũng theo ông Dũng, qua báo cáo sơ bộ từ địa phương các phường xã trên địa bàn thành phố thì gió giật mạnh đã cuốn phăng rất nhiều mái nhà bằng tôn chằng chống không vững chắc.

Những hộ dân khu phố cổ đang hết sức lo lắng trước tình hình mưa gió mỗi lúc một mạnh dần và nước từ dưới sông Hoài càng lúc càng lên cao.

Kể từ chiều tối qua, người dân phố cổ phải bì bõm lội nước về nhà bởi mực nước tại một số tuyến đường ngập sâu gần 1m. Nặng nhất là con đường Bạch Đằng chạy dọc theo bờ sông Hoài và 2 trục đường chính trong phố cổ là Trần Phú và Nguyễn Thái Học.

Theo thông tin từ UBND phường Cửa Đại, một số hộ dân đã phải lánh nạn nhà hàng xóm vì mái nhà bị gió thổi bay. Ông Lê Công Sỹ - Phó chủ tịch UBND phường Cửa Đại, trưởng ban PCLB phường, cho biết: “Nhận được tin báo của các hộ dân thông báo đang gặp nguy hiểm do nhà tốc mái, chúng tôi đã đề nghị những hộ này nhanh chóng di dời sang những hộ lân cận tạm trú. Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình diễn tiến của cơn bão để thông tin cho người dân”.

Theo Tuổi Trẻ