Trung Quốc sẽ chế được trực thăng như Apache của Mỹ?

16/10/2013 09:19
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc sẽ phát triển máy bay trực thăng hạng nặng, chế tạo thành công tua bin chạy ga hạng nặng, mua động cơ RD33 từ Đông Âu...
Máy bay trực thăng vũ trang Z-10 Trung Quốc
Máy bay trực thăng vũ trang Z-10 Trung Quốc

Tờ "Nhân Dân" ngày 14 tháng 10 cho biết, sự phát triển máy bay trực thăng vũ trang của Trung Quốc với đại diện là Z-10, Z-19 luôn gây chú ý cho dư luận. Về vấn đề này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, Z-10 chỉ là khởi điểm, trong tương lai Trung Quốc sẽ phát triển máy bay trực thăng vũ trang hạng nặng.

Về trình độ của máy bay trực thăng vũ trang Trung Quốc, Đỗ Văn Long cho rằng, Z-10, Z-19 là một cuộc cách mạng của máy bay trực thăng vũ trang chuyên dụng của Trung Quốc. Trước dây, Trung Quốc cũng có máy bay trực thăng vũ trang, nhưng đó là một loại máy bay trực thăng vũ trang kiểu thông dụng.

Chẳng hạn máy bay trực thăng Z-9 vừa có thể vận tải, vừa có thể tấn công, đồng thời còn có thể thực hiện nhiệm vụ trên không khác. Nhưng do nó được cải tiến trên nền tảng kiểu thông dụng, cho nên, các phương diện như tấn công, phòng thủ, điện tử chưa đạt được yêu cầu chuyên dụng.

Đỗ Văn Long cho rằng, hình ảnh Z-10 tại triển lãm hàng không cho thấy, thân máy bay Z-10 rất hẹp, tỷ lệ bị đối phương bắn trúng thấp hơn. Ngoài ra, Z-10 trong một lần được điều động có thể mang theo 8 quả tên lửa, có thể tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất của đối phương.

Máy bay trực thăng tấn công Z-19 Trung Quốc
Máy bay trực thăng tấn công Z-19 Trung Quốc

Đỗ Văn Long cho rằng, so với lực lượng hàng không Lục quân nước khác, Trung Quốc đã có sự đột phá về máy bay trực thăng vũ trang, trong tương lai Trung Quốc cũng sẽ có máy bay trực thăng vũ trang hạng nặng của họ, giống như Apache của Mỹ, Ka-50, K-52 của Nga. Do đó, Z-10 chỉ là một điểm khởi đầu.

Trung Quốc xuất khẩu máy bay chiến đấu giá rẻ như bèo

Tờ "Hoàn Cầu"Trung Quốc ngày 15 tháng 10 đưa tin, trong bảng xếp hạng số lượng xuất khẩu máy bay chiến đấu, ném bom thế giới, Trung Quốc đứng thứ ba, sau Nga và Mỹ. Trong giai đoạn 2009-2012, ba nước này đã xuất khẩu tổng cộng trên 900 máy bay tiêm kích đa năng, tổng trị giá 52,4 tỷ USD.

Trong 3 năm qua, Nga vượt Mỹ về số lượng tiêu thụ máy bay tác chiến, xuất khẩu được 384 máy bay tiêm kích, chủ yếu là dòng Sukhoi, trị giá 17,1 tỷ USD (đơn giá 44,5 triệu USD). Trong khi đó, Mỹ bán được 339 máy bay tiêm kích, trị giá 31,4 tỷ USD (đơn giá 92,6 triệu USD). Còn Trung Quốc bán được 187 máy bay tiêm kích, trị giá 3,7 tỷ USD (đơn giá 19,7 triệu USD).

Nhìn vào hợp đồng cung ứng máy bay tiêm kích đã ký hiện nay, trong 3 năm tới (2013-2015), lượng xuất khẩu máy bay tiêm kích sẽ giảm, dự kiến là 529 chiếc, tổng trị giá là 41,4 tỷ USD, bàn giao trước năm 2016.

Nguyên nhân tiêu thụ máy bay tiêm kích sẽ giảm là do: Nga, Mỹ và Trung Quốc không thể cung ứng máy bay tiêm kích thế hệ mới trước năm 2020; chi tiêu quân sự của các nước trên thế giới tiếp tục giảm đi; không quân rất nhiều quốc gia ngày càng coi trọng mua sắm các loại tên lửa.

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 của Không quân Pakistan,do Trung Quốc chế tạo.
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 của Không quân Pakistan,do Trung Quốc chế tạo.

Động thái lạ: Trung Quốc mua động cơ do Nga chế tạo từ châu Âu

Tờ "Kanwa Defense Review" Canada đưa tin, gần đây Trung Quốc đã nhập khẩu một lô động cơ RD33 từ các nước "Khối hiệp ước Vacsava". Bài viết cho rằng, lô động cơ này và linh kiện của chúng rất có thể là dành cho Pakistan.

Bài viết dẫn nguồn tin từ giới công nghiệp hàng không châu Âu cho biết, Trung Quốc đã nhập khẩu mô lô động cơ kiểu cũ RD33 của các nước thuộc "Khối hiệp ước Vacsava". Trung Quốc rất có thể mua lô động cơ này hoặc linh kiện của nó để giúp Pakistan. Điều tương đối kỳ lạ là sản xuất máy bay chiến đấu JF-17 Thunder (FC-1 Kiêu Long).

Hiện nay, Pakistan chỉ có 2 phi đội đã trang bị máy bay chiến đấu Kiêu Long, năm 2012 không có phi đội mới nào trang bị máy bay chiến đấu Kiêu Long, có nghĩa là năm tài khóa này có sản xuất máy bay chiến đấu Kiêu Long hay không là điều đáng nghi ngờ. Nói chung, Không quân Pakistan hầu như không vội vàng đổi sang trang bị Kiêu Long, trái lại tích cực chào bán Kiêu Long cho nước thứ ba.

Vì vậy, có thể thấy, trọng điểm đổi trang bị của Không quân Pakistan rất có thể là ưu tiên cho máy bay chiến đấu F-16. Trong tình hình thiếu tiền, Pakistan hoàn toàn không tham gia công tác nghiên cứu chế tạo phiên bản hai chỗ ngồi của máy bay chiến đấu Kiêu Long.

Kiêu Long 2 chỗ ngồi đã tiến hành trưng bày lần đầu tiên tại Triển lãm hàng không Pakistan, trên thực tế đã tiến hành cải tiến tương đối lớn kết cấu thân máy bay, đã tăng dung tích thùng dầu cho máy bay.

Máy bay chiến đấu JF-17 Thunder (hay còn gọi là FC-1 Kiêu Long)
Máy bay chiến đấu JF-17 Thunder (hay còn gọi là FC-1 Kiêu Long)

Một khả năng khác là Không quân Pakistan có thể thiếu tài chính, vì vậy công tác đổi sang trang bị Kiêu Long tương đối chậm, trong khi đó Trung Quốc nhập khẩu động cơ cũ RD33 hầu như là do Pakistan có nhu cầu linh kiện động cơ.

Linh kiện cũ tương đối rẻ, trên thực tế là rất nguy hiểm. Điều này có nghĩa là nhà máy vốn có sẽ không bảo đảm bảo trì cho động cơ sử dụng linh kiện cũ. Không quân Pakistan luôn sử dụng cách làm tương tự, lấy linh kiện cũ để sửa chữa máy bay chiến đấu Mirage.

Chế tua-bin chạy ga hạng nặng

Tờ "Hàng không Trung Quốc" ngày 14 tháng 10 đưa tin, Công ty động cơ hàng không Lê Minh của Công nghiệp hàng không Trung Quốc là nơi sản xuất động cơ hàng không cỡ lớn của Trung Quốc, động cơ phản lực hàng không đầu tiên ra đời ở đây, Công ty Lê Minh được coi là "cái nôi của động cơ hàng không phản lực" Trung Quốc.

Nhiều năm qua, cùng với việc đáp ứng bàn giao sản phẩm hàng không, Công ty Lê Minh đã phát triển mạnh, kiên trì chính sách phát triển "kết hợp quân-dân, ngụ binh ư nông", không ngừng thách thức công nghệ động lực tiên tiến thế giới, dẫn đầu Trung Quốc về phát triển tua-bin chạy ga.

Tua bin chạy ga R0110 của Công ty Lê Minh, Trung Quốc (ảnh minh họa)
Tua bin chạy ga R0110 của Công ty Lê Minh, Trung Quốc (ảnh minh họa)

Hiện nay, sản phẩm tua-bin chạy ga của công ty này đã được sản xuất hàng loạt theo các dòng, bao gồm các tua-bin chạy ga hạng nặng như QD70, QD128, QD168, QD185 và R0110. Trải qua vài năm cố gắng, tua-bin chạy ga của Công ty Lê Minh được cho là đã có sự đột phá quan trọng, đã xâm nhập được thị trường trong và ngoài nước.

Sở dĩ Công ty Lê Minh giành được những kết quả như vậy là do họ đã thực hiện tư tưởng phát triển mới, chẳng hạn "kết hợp quân sự-dân sự, ngụ binh ư nông", xem xét thời thế, đưa ra chiến lược phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp, tập trung vào "công nghiệp chế tạo cơ khí turbine", coi tua-bin chạy ga là sản phẩm chính trong phát triển công nghệ, tăng cường phát triển từ tầm cao chiến lược, xác lập con đường và mục tiêu phát triển là "thị trrường dẫn dắt, quân dụng-dân dụng tương tác với nhau, tuần hoàn tốt đẹp, thương mại thành công".

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng do quyết sách mạnh dạn, tự bỏ vốn lớn phát triển tua-bin chạy ga QD-128. Sau đó, Công ty Lê Minh còn tranh thủ sự ủng hộ của Nhà nước, tỉnh, thành và Công nghiệp hàng không Trung Quốc, triển khai hợp tác trong và ngoài ngành, trước sau đã phát triển nhiều loại tua-bin chạy ga.


Đông Bình