Không chịu kém Trung - Nhật, Hàn Quốc muốn sở hữu 2 tàu sân bay

17/10/2013 07:52
Việt Dũng
(GDVN) - Hải quân Hàn Quốc muốn sở hữu ít nhất 2 tàu sân bay hạng nhẹ kiêm chức năng đổ bộ, có thể nhanh chóng tấn công và bảo vệ lãnh hải, răn đe chiến lược.
Tàu tấn công đổ bộ Dokdo, Hải quân Hàn Quốc
Tàu tấn công đổ bộ Dokdo, Hải quân Hàn Quốc

Cùng với việc tàu sân bay của Trung Quốc và Nhật Bản lần lượt đi vào hoạt động, Hàn Quốc - một nước luôn không cam chịu lạc hậu so với nước khác trong xây dựng hải quân - đã không còn kiềm chế được nữa.

Theo tờ "Chosun Ilbo" Hàn Quốc ngày 14 tháng 10, cấp cao Hải quân Hàn Quốc đề xuất quy hoạch "Ba bước đi" xây dựng cụm tấn công tàu sân bay, muốn trở thành quốc gia Đông Á thứ ba sở hữu tàu sân bay, sau Trung Quốc và Nhật Bản, nhằm duy trì thế cân bằng trên biển.

Cải tiến trước-chế tạo sau, từng bước tiến lên

Theo bài báo, ngày 11 tháng 10, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Kim Sung-chan đã công bố kế hoạch nghiên cứu về việc Hàn Quốc có cần phải sở hữu tàu sân bay hay không, kế hoạch nghiên cứu này được Hải quân Hàn Quốc ủy thác cho cơ quan nghiên cứu tư nhân chịu trách nhiệm vào năm 2012, nội dung là phân tích ảnh hưởng của Trung Quốc và Nhật Bản đối với quyền lợi biển ở Đông Á sau khi hai nước này đều sở hữu tàu sân bay, nghiên cứu Hàn Quốc có cần phải sở hữu tàu sân bay hay không.

Chung Hee-soo, nghị sĩ đảng Saenuri của Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Hàn Quốc cho biết, căn cứ vào nội dung báo cáo mà ông nắm được, "giới hạn" của Hải quân Hàn Quốc là tàu sân bay hạng nhẹ kiêm chức năng đổ bộ, hơn nữa số lượng không ít hơn 2 chiếc, để khi "có sự" nhanh chóng tấn công và bảo vệ lãnh hải, đồng thời tối đa hóa hiệu quả răn đe chiến lược đối với các nước xung quanh.

Hải quân Hàn Quốc chuẩn bị cải tạo tàu đổ bộ Dokdo để tàu này có năng lực cất/hạ cánh máy bay chiến đấu.
Hải quân Hàn Quốc chuẩn bị cải tạo tàu đổ bộ Dokdo để tàu này có năng lực cất/hạ cánh máy bay chiến đấu.

Báo cáo đề nghị sửa chữa thiết kế tàu số 2 của tàu đổ bộ lớp Dokdo thành tàu sân bay hạng nhẹ, đồng thời tăng cường kết cấu của tàu số 1 Dokdo hiện có, làm cho nó có khả năng mang theo máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng.

Có nguồn tin cho biết, Hải quân Hàn Quốc đã nghiên cứu kế hoạch "Ba bước đi" sở hữu tàu sân bay, đó là: Bước thứ nhất cải tạo tàu Dokdo, bước thứ hai cải tạo tàu số hai lớp Dokdo mang tên Marado thành tàu sân bay hạng nhẹ, bước thứ ba là sở hữu 2 tàu sân bay hạng nhẹ 30.000 tấn trong giai đoạn 2028-2036.

Động thái mới chế tạo tàu sân bay đánh dấu Hàn Quốc tái khởi động xây dựng "hải quân đại dương". Lấy sự kiện "Tàu Cheonan" năm 2010 làm tiêu chí, Hải quân Hàn Quốc tập trung mối quan tâm đối với bán đảo Triều Tiên. Đến nay, sự chuyển biến thái độ của Hàn Quốc ở mức độ rất lớn là do Trung Quốc và Nhật Bản có tiến triển nhanh chóng trong lĩnh vực chế tạo tàu sân bay.

Nguồn tin từ Quân đội Hàn Quốc cho biết, khi xảy ra tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng, máy bay chiến đấu cất cánh từ đất liền có phản ứng ít nhất cần 30-40 phút, trong khi đó điều động máy bay chiến đấu trang bị trên tàu sân bay chỉ cần mất 2 phút.

Tàu tấn công đổ bộ Dokdo
Tàu tấn công đổ bộ Dokdo

Từng quan tâm đến tàu sân bay cũ Liên Xô

Thực ra Hàn Quốc luôn rất quan tâm đến phát triển tàu sân bay. Năm 1993, Hạm đội Thái Bình Dương Nga cho tàu sân bay Novorossiysk và Minsk nghỉ hưu, một công ty tháo dỡ tàu nổi tiếng của Hàn Quốc đã đề nghị mua với giá 35 triệu USD.

Tàu Novorossiysk được tháo rời tại nhà máy của quân đội tại cảng Pohang, giúp Quân đội Hàn Quốc hiểu rõ kết cấu bên trong của tàu sân bay. Còn tàu Minsk có tình trạng tốt hơn một chút, Hải quân Hàn Quốc rất muốn giữ lại.

Khi đó, tờ "Nhật báo phố Wall" Mỹ dẫn lời quan chức ngoại giao Mỹ tại Seoul cho biết: "Mua sắm tàu sân bay nghỉ hưu Nga sẽ tăng cường năng lực tác chiến khá lớn cho Hải quân Hàn Quốc... Hàn Quốc mua tàu sân bay Nga thực ra là một phần của chiến lược xây dựng 'hải quân tầm xa' của Hàn Quốc".

Theo tiết lộ, Quân đội Hàn Quốc thực sự đã tiến hành khảo sát công nghệ tập trung 2 tàu sân bay sau khi chúng đến Hàn Quốc, thậm chí còn mời đại diện quân Mỹ đóng tại Hàn Quốc lập Nhóm khảo sát chung, tập trung tiến hành kiểm tra các chi tiết của tàu sân bay do Nga chế tạo. Nhưng, kế hoạch cải tạo tàu sân bay cũ của Liên Xô cuối cùng phải từ bỏ do các nguyên nhân như khủng hoảng tài chính châu Á.

Trong "Kế hoạch quốc phòng trung hạn 2000-2004", Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã đưa vào nội dung chế tạo tàu tấn công đổ bộ "kiểu tàu sân bay", đó là lớp Dokdo hiện nay. Năm 2007, Quân đội Hàn Quốc tuyên bố cho biết, lớp Dokdo có thể cải tạo thành tàu sân bay hạng nhẹ. Lớp Dokdo áp dụng thiết kế đường băng nối thẳng tương tự tàu sân bay, lượng giãn nước đầy đạt 18.000 tấn, dài 199 m, rộng 31 m, còn lớn hơn tàu sân bay hạng nhẹ Garibaldi của Italy.

Hàn Quốc từng có ý định cải tạo tàu sân bay Minsk do Liên Xô cũ chế tạo
Hàn Quốc từng có ý định cải tạo tàu sân bay Minsk do Liên Xô cũ chế tạo

Nhưng, tạp chí "Tình hình Hàng không" Nhật Bản nghi ngờ, lớp Dokdo nếu muốn cất/hạ cánh máy bay chiến đấu như F-35B của Mỹ hoàn toàn là "thảm họa", vì lớp Dokdo tồn tại vấn đề tương đồng với tàu khu trục trực thăng lớp Hyuga của Nhật Bản, đường băng của nó không thể chịu được sức ép khi F-35 hạ cánh và luồng khí nhiệt độ cao của ống phun đuôi máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng.

Không có ý định "cạnh tranh tàu sân bay lớn" với Trung Quốc

Tờ "Chosun Ilbo" cho biết, Hải quân Hàn Quốc chưa xem xét đến siêu tàu sân bay lớp 100.000 tấn của Mỹ hoặc tàu sân bay hạng trung lớp 60.000 tấn của Trung Quốc, hơn nữa nguyên nhân lựa chọn tàu sân bay hạng nhẹ ở chỗ, tỷ lệ giữa hiệu suất và giá của tàu sân bay cỡ lớn và vừa không thích hợp với Hàn Quốc.

Bài báo cho rằng, chi phí chế tạo tàu sân bay lớp Nimitz Mỹ là 5.000-7.000 tỷ won (1 USD tương đương 1.070 won), còn chi phí hoạt động hàng năm (cả máy bay trang bị trên tàu) sẽ lên tới trên 800 tỷ won; trong khi đó chi phí chế tạo tàu sân bay hạng nhẹ lớp 20.000-30.000 tấn chỉ là 1.000-15.000 tỷ won, chi phí hoạt động hàng năm chỉ từ 30-40 tỷ won.

Hạm đội tàu sân bay Mỹ
Hạm đội tàu sân bay Mỹ

Báo cáo của Hải quân Hàn Quốc cho biết, đối với Hàn Quốc, chế tạo tàu sân bay “có thể so với Trung Quốc” là một lựa chọn quá mức, cho dù là tàu sân bay hạng nhẹ, trên phương diện bảo đảm ngân sách và tính hiệu quả vẫn có rất nhiều vấn đề nan giải cần giải quyết.

Nguồn lực chủ yếu của Hải quân Hàn Quốc vẫn tập trung vào kế hoạch thành lập 3 cụm chiến đấu cơ động. Có phân tích cho rằng, xét tới sức chiến đấu liên hợp Hàn-Mỹ, đối với Hàn Quốc, tàu ngầm mới là vũ khí thích hợp hơn cho ứng phó với tàu sân bay.

Việt Dũng