Sữa Aptamil ở VN có chứa nhôm trong mức an toàn

17/10/2013 16:10
LIỄU PHẠM
(GDVN) - Kết quả kiểm nghiệm hàm lượng nhôm đối với các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ Aptamil có xuất xứ từ Anh đang lưu thông trên thị trường Việt Nam cho thấy, hàm lượng nhôm trong sản phẩm dao động từ 3,0 - 3,44 mg/kg.
Những ngày qua, thông tin về việc sữa bột của một loạt thương hiệu danh tiếng như Aptamil, Cow&Gate và Hipp tại Vương quốc Anh có chứa nồng độ nhôm cao hơn 100 lần trong sữa mẹ, gấp 3 lần nồng độ nhôm trong nước máy đã thu hút sự chú ý lớn trong dư luận.

Các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ sơ sinh và tập đi của Aptamil, Cow & Gate và Hipp tại Anh được tìm thấy có lượng nhôm cao gấp 100 lần trong sữa mẹ, gấp 3 lần trong nước máy.
Các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ sơ sinh và tập đi của Aptamil, Cow & Gate
và Hipp tại Anh được tìm thấy có lượng nhôm cao gấp 100 lần trong sữa mẹ,
gấp 3 lần trong nước máy.

Ngay sau khi có thông tin này, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế Việt Nam đã tiến hành kiểm tra, rà soát các sản phẩm dinh dưỡng công thức nhập khẩu từ Anh đã công bố sản phẩm tại Cục đồng thời yêu cầu Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành lấy mẫu, kiểm nghiệm hàm lượng nhôm đối với các sản phẩm Aptamil có xuất xứ từ Vương quốc Anh đang lưu thông trên thị trường Việt Nam.

Kết quả kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cung cấp cho thấy: trong các mẫu kiểm nghiệm, hàm lượng nhôm trong sản phẩm dao động từ 3,0 - 3,44 mg/kg. Tuy nhiên, liên quan đến mức giới hạn tối đa an toàn của nhôm trong thực phẩm, Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm của quốc tế (CODEX) và các quốc gia (trong đó có Việt Nam) chưa quy định, ngay cả đối với các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ.

Năm 2011, trên cơ sở các nghiên cứu về độc học, Ủy ban hỗn hợp chuyên gia của FAO và WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA) đã thiết lập mức ăn vào hằng tuần có thể chấp nhận được (Provisional Tolerable Weekly Intake) đối với phơi nhiễm nhôm qua thực phẩm là 2 mg/kg thể trọng/tuần.
 
Căn cứ theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và lượng ăn vào của trẻ, Cục đã ước tính lượng nhôm phơi nhiễm tối đa có thể có đối với trẻ nhỏ khi sử dụng hoàn toàn sản phẩm dinh dưỡng (0,49 - 0,56 mg/kg thể trọng/tuần) là thấp hơn so với ngưỡng an toàn của JECFA nêu trên.
 
Theo Cục An toàn thực phẩm, trẻ dưới 1 tuổi thường ăn sữa mẹ là chủ yếu và một số trẻ có thể sử dụng thêm sản phẩm dinh dưỡng công thức khi không đủ sữa mẹ. Do vậy, trong trường hợp này, mức phơi nhiễm nhôm vào cơ thể trẻ sẽ thấp hơn mức ước tính nêu trên.
 
Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục chỉ đạo các cơ quan kiểm nghiệm tiến hành lấy mẫu trên diện rộng để kiểm nghiệm hàm lượng nhôm đối với các sản phẩm Aptamil xuất xứ Anh đang lưu thông trên thị trường.

Trước đó, tờ Malta ngày 13/10 cho biết, Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh đã lên tiếng trấn an dư luận khi nghiên cứu trên của Đại học Keele đã không chứng minh được rằng lượng nhôm trong trên đặt ra mối đe dọa cho sức khỏe trẻ nhỏ.

Tất cả các kết quả nghiên cứu cho thấy, nồng độ nhôm trong sữa vẫn ở mức quy định về an toàn với sức khỏe và đánh giá hiện tại của Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh là "mức hiện tại của nhôm trong sữa bột trẻ em là an toàn".

Hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết được nhôm đã nhiễm vào sữa theo cách nào, ảnh hưởng của chúng với sức khỏe trẻ em ngay lập tức và lâu dài ra sao. Nhưng các nghiên cứu trước đó cho thấy chúng có liên quan tới bệnh Alzheimer và các bệnh thần kinh khác cũng như ảnh hưởng tới sự hình thành của xương. 



LIỄU PHẠM