Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP HCM: Nhà thương hay “chợ y tế"?

18/10/2013 07:49
Ngọc Luân
(GDVN) - Người Việt ta có thói quen thường gọi bệnh viện là nhà thương. Bởi, chắc hẳn trong tâm trí nhiều người, bệnh viện là thế giới của lòng nhân ái, hy sinh, cứu chữa và yêu thương nhau. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đã đúng nếu nhìn vào kết quả thanh tra của Sở Y tế tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM.

Với quy mô 450 giường nội trú và 1.000 giường bệnh ngoại trú điều trị chuyên khoa sâu về chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM từ nhiều năm nay luôn được xếp hạng bệnh viện chuyên khoa đầu ngành hạng I tại TP. HCM và là hạt nhân trong mạng lưới ngành Chấn thương chỉnh hình của cả nước.

Vì vậy, lâu nay bệnh viện luôn được xem là chỗ dựa tin cậy của nhân dân thành phố và các tỉnh phía Nam về các hoạt động chuyên môn điều trị với kỹ thuật cao. Tuy nhiên, trong bản kết luận thanh tra mới đây của Thanh tra Sở Y tế TP. HCM vừa công bố đã cho thấy, ẩn đằng sau cái uy danh chuyên môn cao đó là những điều xót lòng về sự xuống cấp đáng buồn của y đức.  

Blouse trắng che chuyện tày đình

Thống kê trong năm 2012 vừa qua, số lượng bệnh nhân đến điều trị nội trú tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM là trên 38.000 bệnh nhân, trong đó có hơn 17.000 bệnh nhân cấp cứu. Bệnh viện cũng đã thực hiện được 34.176 ca phẫu thuật, bao gồm: phẫu thuật loại đặc biệt là 4.017 ca và 26.681 ca phẫu thuật cấp cứu.

Cảnh quá tải thường thấy tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.
Cảnh quá tải thường thấy tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.

Chính vì số lượng bệnh nhân và các ca phẫu thuật cần xử lý luôn “quá tải” như vậy, nên đó là dịp tốt để cho đội ngũ một số y bác sĩ nơi đây có cơ hội trục lợi trên nỗi đau của người bệnh.  

Lợi dụng tâm lý lo lắng khi phải “xếp hàng” chờ phẫu thuật của bệnh nhân, bệnh viện này đã mở ra chương trình “mổ dịch vụ” và tổ chức cho bác sĩ “ăn cắp” giờ công để thu tiền hưởng lợi, bất chấp việc làm của mình vi phạm y đức và pháp luật nghiêm trọng.

Hiện, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình áp dụng 3 chế độ phẫu thuật: cấp cứu, chương trình và yêu cầu. Trong đó chế độ cấp cứu là nghĩa vụ bắt buộc nên không giống 2 chế độ còn lại là có hội chẩn, sắp xếp lịch mổ…

Bệnh viện có 14 phòng phẫu thuật, bao gồm: 5 phòng phẫu thuật ở tầng trệt (3 phòng dành cho cấp cứu, 1 phòng phẫu thuật đặc biệt dành cho ca nhiễm và 1 phòng phẫu thuật chương trình và yêu cầu) và 9 phòng phẫu thuật đặt tại tầng 1 dành cho cả phẫu thuật chương trình và yêu cầu (sau khi kết thúc phẫu thuật chương trình).

Và, vì lợi ích cá nhân, bác sĩ và bệnh viện đã cố tình hướng bệnh nhân sang mổ dịch vụ. Đơn cử, chỉ cần nghe bác sĩ hỏi: “mổ chương trình thì phải chờ đợi, còn mổ dịch vụ thì được mổ ngay, về sớm, chọn loại nào?” hoặc có bác sĩ còn bồi thêm: “bệnh này mà để lâu thì sẽ nguy hiểm hơn…”, thì dẫu rằng người bệnh có nghèo khó đến mấy cũng phải chắc chắn xoay sở nhằm được sớm chữa trị, chấm dứt bệnh tình của mình.

Theo số liệu của bệnh viện cung cấp cho đoàn Thanh tra, số lượng mổ yêu cầu tại bệnh viện luôn cao gấp nhiều lần so với mổ chương trình. Cụ thể, tháng 10/2010 bệnh viện mổ dịch vụ 1.017 ca (trong đó chương trình: 523 ca), tháng 10/2011 mổ dịch vụ 1.279 ca (chương trình: 600 ca); tháng 6/2012 mổ dịch vụ 1.470 ca (chương trình: 670 ca).

Tuy nhiên, số liệu thực tế từ sổ phẫu thuật mà đoàn Thanh tra đã phát hiện thì con số mổ yêu cầu còn cao hơn rất nhiều con số mà bệnh viện đã cung cấp. Cụ thể: trong tháng 10/2010 mổ chương trình chỉ có 523 ca thì mổ dịch vụ lên đến 1.071 ca, tháng 10/2011 mổ chương trình 600 ca trong khi mổ dịch vụ 1.279 ca, tháng 6/2012 mổ chương trình 670 ca, nhưng mổ dịch vụ lên tới 1.470 ca.

Điều đáng nói là mặc dù có sự chênh nhau giữa số liệu bệnh viện cung cấp và số liệu do đoàn Thanh tra tổng hợp nhưng kết quả vẫn cho thấy tỷ lệ phẫu thuật theo yêu cầu (dịch vụ) tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình chiếm tỷ lệ rất cao: khoảng 70% trong tổng số trường hợp phẫu thuật. Đáng nói hơn, số ca phẫu thuật theo yêu cầu này đều được các bác sĩ bệnh viện thực hiện bằng giờ công “ăn cắp” trong ngày làm việc.

Qua kiểm tra hồ sơ, đoàn Thanh tra còn phát hiện nhiều bác sĩ ở các khoa vẫn tham gia phẫu thuật dịch vụ, trong khi họ đã có lịch phân công thường trực theo quy chế và có bảng chấm công trực. Cơ quan Thanh tra đã liệt kê rõ danh sách 9 bác sĩ mổ dịch vụ nhiều nhất của bệnh viện này, trong đó có 2 Phó Giám đốc bệnh viện, còn những người khác là lãnh đạo và bác sĩ thuộc 7 khoa, phòng của bệnh viện.

 “Việc ngành y tế chưa có chế tài trong quy định hoạt động các loại hình dịch vụ, theo yêu cầu tại bệnh viện hiện nay chính là kẽ hở để xuất hiện tình trạng tiêu cực, xuất hiện việc đẩy bệnh nhân mổ “chương trình” sang mổ “dịch vụ”, để thu lợi bất chính”. Bác sĩ Bùi Minh Trạng – Chánh Thanh tra Sở Y tế TP. HCM nhận định.

Thu nhập càng “khủng” – y đức càng thấp

Một điều tra riêng của PV Báo Giáo Dục Việt Nam mới đây cho thấy, lượng bệnh nhân chọn loại hình  mổ dịch vụ hằng ngày tại bệnh viện này lại luôn chiếm từ hơn gấp đôi đến gấp 3 lần lượng bệnh nhân chọn mổ theo chương trình.

Theo số liệu mà PV được một nguồn tin tại bệnh viện này cung cấp, bình quân mỗi ngày số bệnh nhân mổ chương trình vào khoảng 30 ca/ ngày, trong khi lượng bệnh nhân mổ dịch vụ thì luôn đạt từ 50 – 80 ca/ ngày.

Và, tiếng là mổ dịch vụ ngoài giờ hành chính, nhưng không có bác sĩ nào ở đây lại không chiếm dụng giờ công của nhà nước để “tư lợi” riêng cho mình.   

Khi đến bệnh viện, điểm tựa của bệnh nhân là y đức của người thầy thuốc
Khi đến bệnh viện, điểm tựa của bệnh nhân là y đức của người thầy thuốc

“Bác sĩ nào ở đây cũng vậy, cả các bác sĩ trưởng, phó các khoa, thậm chí là bác sĩ trong Ban giám đốc bệnh viện… cũng  tham gia mổ dịch vụ trong giờ hành chính. Chính vì sự thờ ơ với người bệnh chọn mổ chương trình mà cứ đến khoảng 2 - 3 giờ chiều là bác sĩ không muốn mổ chương trình nữa. Từ thời điểm này trở đi, kéo dài đến 21 - 22 giờ đêm là bác sĩ dành hết “tâm huyết” của mình cho việc mổ dịch vụ kiếm tiền.” – nguồn tin cho biết thêm.

Thực tế quan sát tại bệnh viện của PV, không hiếm những bệnh nhân nghèo ở xa đến bệnh viện chữa bệnh, sau khi chạy tiền để mổ dịch vụ đã phải đến xin cơm từ thiện do các nhà hảo tâm cấp phát miễn phí để ăn qua ngày.

Vậy mà, hoàn toàn đối lập với những hình ảnh đó, là bảng danh sách tiền lương mà các bác sĩ của bệnh viện này “thực lãnh” sau mỗi tháng tích cực hướng bệnh nhân vào các phòng mổ dịch vụ.

Theo bảng kế hoạch phân chia tiền mổ dịch vụ mà bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM hiện đang áp dụng, thì bác sĩ - phẫu thuật viên hưởng từ 35 - 40% trên giá tiền của từng loại mổ dịch vụ.

Trong khi đó, việc mổ dịch vụ ở bệnh viện này lại đang có giá bình quân từ 1,5 - 6 triệu đồng/ca. Như vậy, tính ra cứ mỗi ca mổ dịch vụ, phẫu thuật viên sẽ hưởng từ 500.000 đến 2,5 triệu đồng.

Mà với số lượng bệnh nhân luôn “quá tải” thường trực như hiện nay, thì trong một ngày, có khi các sĩ phải mổ từ 5 – 7 ca, thậm chí có ngày lên đến 10 ca. Vị chi, thu nhập của các bác sĩ nơi đây luôn lên đến cả chục triệu đồng/ ngày. Một mức thu nhập cực “khủng” trong bối cảnh xã hội hiện nay. Và chắc chắn, mức thu nhập ấy là quá dị biệt đối với bữa cơm từ thiện miễn phí mà bệnh nhân của họ phải sắp hàng chờ xin mỗi ngày trước cổng bệnh viện.

Người Việt ta có thói quen thường gọi bệnh viện là nhà thương. Bởi, chắc hẳn trong tâm trí nhiều người, bệnh viện là thế giới của lòng nhân ái, hy sinh và yêu thương nhau. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đã đúng nếu nhìn vào kết quả thanh tra của Sở Y tế tại bệnh viện này.

(Còn tiếp…)


Ngọc Luân