Trung Quốc tái cân bằng chiến lược vào Indonesia, Malaysia và Thái Lan

21/10/2013 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc đã đưa ra một loạt chiến lược tái cân bằng toàn diện nhằm vào ASEAN, trong đó tập trung vào 3 nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Với môi trường chiến lược trong khu vực hiện nay, ASEAN là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh với các nước láng giềng.
Ông Tập Cận Bình thăm Malaysia.
Ông Tập Cận Bình thăm Malaysia.
Nhà báo kỳ cựu Thái Lan Kavi Chongkittavorn ngày 21/10 có bài phân tích trên tờ The Nation nhận xét, Trung Quốc đã đưa ra một loạt chiến lược tái cân bằng toàn diện nhằm vào ASEAN, trong đó tập trung vào 3 nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Với môi trường chiến lược trong khu vực hiện nay, ASEAN là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh với các nước láng giềng. 2 kênh đặc biệt của cuộc tấn công ngoại giao quyến rũ mới nhất của Trung Quốc được xác định, một là tham gia dài hạn các cam kết kinh tế và tăng cường bảo mật. 3 nước ASEAN này lại là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc với cán cân thương mại hai chiều sẽ vượt 500 tỉ USD trong mục tiêu tổng thể kim ngạch thương mại 2 chiều Trung Quốc - ASEAN trị giá 1000 tỉ USD năm 2020. Hơn thế nữa, 3 nước này lại là những thành viên chủ chốt của nhóm có ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới, Malaysia và Indonesia là những nước Hồi giáo ôn hòa hàng đầu thế giới và là thành viên của tổ chức không liên kết. Những chuyến đi đến Đông Nam Á liên quan đến chiến lược liên kết của Trung Quốc với các nước ASEAN diễn ra trong bối cảnh Washington tái cân bằng trục chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương trong khi Tokyo tỏ ra quyết đoán hơn về mặt ngoại giao. Cả 2 đã tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với ASEAN liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Thái Lan.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Thái Lan.
Trên lục địa Đông Nam Á, Thái Lan đã nổi lên như một "đồng minh ảo" của Bắc Kinh. Ngoài việc phát triển sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, Thái Lan và Trung Quốc đã tăng cường hợp tác an ninh truyền thống và phi truyền thống, bao gồm cả liên kết đào tạo các lực lượng đặc nhiệm. Kể từ năm 2011 Thái Lan, Lào và Myanmar đã hợp tác với Trung Quốc trong tuần tra an ninh dọc sông Mê Kông. Trong thập kỷ tới, Bắc Kinh sẽ dựa vào vị trí địa chiến lược của các liên kết Nam Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Trong các chuyến thăm của mình tới Đông Nam Á, cả Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đều cho thấy sẵn  sàng đầu tư vào kế hoạch kết nối, đặc biệt là hành lang Bắc - Nam. Tại Thái Lan, Lý Khắc Cường kêu gọi các chính trị gia Thái Lan ủng hộ dự án tàu cao tốc hàng tỉ USD nối Vân Nam đến Bangkok thông qua Viêng Chăn, trong tương lai tuyến đường có thể kéo dài đến Malaysia và Singapore. Chính sách của Trung Quốc đối với Malaysia đặc biệt do sự hiện diện của rất nhiều Hoa kiều tại quốc gia này và Malaysia là một đối tác thương mại lớn của Trung Quốc. Là một bên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, Malaysia tỏ ra kín đáo trong việc theo đuổi đàm phán song phương với Trung Quốc và duy trì quan hệ thân mật với Bắc Kinh. Trong vấn đề hàng hải Đông Nam Á, Indonesia giữ vai trò như một quốc gia quan trọng nhất đối với Trung Quốc. Khi thăm Jakarta, Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phát biểu trước Quốc hội Indonesia, một thước đo cho thấy mức độ thân thiết trong quan hệ giữa 2 nước. Indonesia cũng không ngần ngại tham gia cam kết với Trung Quốc về các vấn đề an ninh, chiến lược. Jakarta đã đưa ra một số đề xuất phá vỡ bế tắc vấn đề Biển Đông cũng như việc phòng ngừa, quản lý nguy cơ xung đột ở Đông Nam Á.

Hồng Thủy