Vượt đỉnh triều lịch sử: Người Sài Gòn tiếp tục méo mặt vì ngập lụt

22/10/2013 07:24
Ngọc Luân
(GDVN) - Nếu như người dân tại nhiều khu vực thấp trũng của TP. HCM đang thấp thỏm hàng giờ mong chờ nước lụt từ triều cường rút xuống , thì thông tin từ các cơ quan dự báo cho biết, chiều 21/10, mức nước triều cường sẽ một lần nữa tiếp tục dâng cao. Đã có thảm cảnh xảy ra cho người dân trong dòng nước lụt.

Hồ thủy điện xã lũ – dân vùng trũng tiếp tục lao đao

Theo thông tin mới nhất từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ,  thì chiều 21/10, mực nước đỉnh triều cao nhất tại hạ lưu sông Đồng Nai ở trạm Biên Hòa có khả năng vượt mức báo động II (1,80m) đến khoảng 0,1m, tức đạt mức 1,90m. Thời gian xuất hiện đỉnh triều này sẽ từ 18h – 20h.

Trong khi  đó, thông  tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai báo về lại cho hay nước ở khu vực hạ lưu sông Đồng Nai đang dâng cao do triều cường kết hợp với lượng xả nước từ các hồ chứa ở thượng nguồn.

Sinh hoạt đình trệ vì triều cường
Sinh hoạt đình trệ vì triều cường

Hiện mực nước ở trạm TP. Biên Hòa trên sông Đồng Nai đã xuất hiện trị số mực nước đỉnh triều là 1,87m, cao hơn mức báo động II (1,80m) là 0,07m.

Bên cạnh đó, do áp lực nước đổ về từ thượng nguồn mỗi lúc mỗi lớn (bình quân 1.060m3/giây), nên từ sáng nay, công ty thủy điện Trị An đã quyết định cho xả lũ nhằm bảo vệ an toàn cho hồ chứa. Cụ thể, hồ thủy điện Trị An sẽ xả nước qua đập tràn với lưu lượng bình quân 240m3/giây, qua tuôcbin phát điện 840m3/giây.

Do đó, người dân ở vùng trũng hạ lưu như TP. HCM bị ngập lụt rất nặng vào chiều tối qua và có thể kéo dài tình trạng trên đến rạng sáng nay 21/10.

Trả lời phỏng vấn của PV Báo Giáo Dục Việt Nam,  ông Nguyễn Minh Giám - Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, đỉnh triều thực đo tối ngày 20/10, tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn là cao bất thường, lên đến 1,68m (cao hơn dự báo 4cm) - vượt đỉnh triều lịch sử năm 2012 đến 6cm và là đỉnh triều cao nhất từ trước đến nay.

Sống chung với lũ
Sống chung với lũ

Ông Nguyễn Minh Giám nhận định: “Trong khi mực nước thủy triều ở biển Vũng Tàu còn thấp, gió mùa Đông Bắc hiện đã suy yếu, và quan trọng là hồ Dầu Tiếng chưa thông báo xả lũ, nhưng triều cường tại trạm Phú An lại cao một cách bất thường như vậy là một điều mà chúng tôi hiện chưa thể lý giải được. Rất có thể là do các cơn mưa lớn bất thường từ đầu nguồn gây nên.”

Như Giáo Dục Việt Nam đã thông tin, suốt trong chiều tối hôm qua đến tận sáng hôm nay, mực nước triều cường đạt đỉnh lịch sử, tràn qua bờ bao gây ngập úng nặng nề trên diện rộng tại các vùng trũng  của TP. HCM, đã gây nên biết bao khốn đốn cho sinh hoạt của đại bộ phận dân cư nơi đây.

Thì dự báo, chiều tối và đêm nay, một lần nữa bà con phải vật lộn cùng dòng nước lũ.

Điều đáng nói là, khi nước triều dâng cao, các dòng nước thải sinh hoạt và một lượng lớn nước thải công nghiệp đổ ra lén lút của các cơ sở kinh doanh, không tiêu thoát được đã kết hợp với nhau, cùng hành hạ đời sống người dân thành phố.

Tát nước lũ, một người bị điện giật chết

Không chỉ bị hành hạ bởi nước lũ triều cường và nước thải công nghiệp, những tai nạn trong mùa triều cường năm nay đã xảy ra.

Chiều qua, trong lúc tát nước triều cường ngập trong nhà, anh Lê Thanh Tuấn (22 tuổi) trên đường Trường Lưu – phường Long Trường – quận 9 – TP. HCM, thì anh đã bất ngờ bị điện giật bất tỉnh.

Em gái anh Tuấn đau đớn trước cái chết thương tâm của anh trai mình trong dòng nước lũ
Em gái anh Tuấn đau đớn trước cái chết thương tâm của anh trai mình trong dòng nước lũ 

Thấy anh Tuấn bị điện giật, người thân anh nhanh chóng đưa anh đến bệnh viện cấp cứu, nhưng các bác sĩ xác định nạn nhân đã tử vong trước đó.

Cái chết đột ngột khiến cả gia đình đau đớn, em gái anh Thanh đã ngất xỉu tại bệnh viện.

Theo các nhân chứng trong xóm, gia đình anh Thanh thuộc diện nghèo của địa phương và anh này mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về lại địa phương.


Ngọc Luân