Sách giáo khoa "bỏ quên" Đại tướng và câu chuyện dạy, học môn lịch sử

24/10/2013 07:44
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Nhà văn Di Li băn khoăn bởi việc đưa tên tuổi, thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào SGK lịch sử phổ thông là việc làm rất đơn giản và ai cũng biết là cần thiết. Nhưng không hiểu vì sao lại có những thiếu sót như vậy?

Trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hàng triệu người Việt Nam, trong đó có các học sinh, sinh viên, thanh niên, thiếu nhi đã dành những tình cảm thiêng liêng đối với Đại tướng. Với họ, ông không chỉ là một vị tướng tài mà còn là một tấm gương về lòng yêu nước, sự giản dị và đức hi sinh. Ông chính là những bài học lịch sử gần gũi và sinh động nhất.

Một tốp học sinh trên đường đi học về, vì đã hết giờ viếng nên đã đứng bên đường nhìn về căn nhà số 30 Hoàng Diệu, chắp tay tỏ lòng thành kính, xót thương sự ra đi củ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Báo Tin Tức)
Một tốp học sinh trên đường đi học về, vì đã hết giờ viếng nên đã đứng bên đường nhìn về căn nhà số 30 Hoàng Diệu, chắp tay tỏ lòng thành kính, xót thương sự ra đi củ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(Ảnh: Báo Tin Tức)

Nhưng điều đáng ngạc nhiên là nhân vật lịch sử rất đặc biệt này lại không hề có mặt trong các sách giáo khoa (SGK) phổ thông. “Lỗ hổng” ấy, xuất phát từ nhiều nguyên nhân lịch sử, cho thấy một lối biên soạn SGK có nhiều thiếu sót và đấy chính là một trong những nguyên nhân khiến học sinh không hứng thú với các bài học lịch sử.

Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, nhà văn Di Li cho rằng, đó thực sự là thiếu sót của ngành giáo dục. Nhà văn Di Li nói: “Ngành giáo dục cần phải bổ sung, chỉnh lí. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhân vật rất quan trọng của lịch sử đương đại, người mà ở Việt Nam từ trẻ nhỏ đến người già ai cũng biết đến công lao to lớn của Người. Rồi thì trên thế giới cũng đã nghiên cứu và bình chọn ông là một trong những vị tướng tài ba nhất. Nếu không đưa thông tin về Đại tướng vào trong SGK lịch sử phổ thông thì quả là một điều đáng tiếc cho bộ môn này...”.

Nhà văn Di Li cũng cho hay, con gái cô mới 10 tuổi nhưng cũng đã biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cháu biết đến Người thông qua các kênh như trên tivi, trên báo đài và được bố mẹ kể lại.

Nhà văn chia sẻ: “Cháu hỏi tôi rất kỹ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi giải thích cho con bằng thái độ vị nể và tôn kính theo cách nói về một người anh hùng. Bởi vì từ lúc còn nhỏ, tôi cũng hay nghe cha mẹ tôi nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng thái độ vị nể và tự hào ấy”.

Cô cũng băn khoăn bởi việc đưa tên tuổi, thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào SGK lịch sử phổ thông là việc làm rất đơn giản và ai cũng biết là cần thiết. Nhưng không hiểu vì sao lại có những thiếu sót như vậy?

Nhà văn Di Li
Nhà văn Di Li

Nhân tiện nói về sự thiếu sót thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong SGK phổ thông, nhà văn Di Li cho rằng, SGK bây giờ nhiều cái cần thiết thì lại không nhắc đến chứ không riêng chuyện Đại tướng. Hệ thống SGK của mình giờ có cái thì thiếu, có cái thì lại thừa, có cái không nên đưa vào thì lại đưa vào và ngược lại.

Bên cạnh đó, SGK hiện nay thông tin rất “cổ lỗ sĩ”, không cập nhật, khô khan và thiếu sinh động. Đặc biệt ở các bộ môn khoa học xã hội như Văn, Sử có nhiều thông tin rất đáng đưa vào nhưng rồi lại không đưa. Các môn Toán, Lý, Hóa thì đặc thù là “1 + 1 = 2” và gần như cả thế giới đều dùng chung công thức như vậy. Còn văn học, lịch sử thì không nước nào giống nước nào nên mình không thể tham khảo của quốc tế được.

“Và có lẽ vì tự làm nên mới dẫn đến nhiều thiếu sót”, nhà văn Di Li nhận định.

Nhà văn cũng cho biết, cô là người rất thích tìm hiểu về lịch sử, đồng thời cũng nắm khá vững kiến thức về lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, cô vẫn thường phải đi mua sách lịch sử bên ngoài về để đọc vì: “Nhìn SGK lịch sử của học sinh mình cũng “hoa đầu chóng mặt”, thông tin trong đó quá khô khan, khó hiểu”, Nhà văn này chia sẻ.

Quan điểm của nhà văn, những kiến thức trong SGK cùng với phương pháp dạy về môn Sử của giáo viên hiện nay chỉ giúp các em thuộc bài nhưng được vài ngày, xong đâu lại vào đấy.

Nhà văn nói: “Giáo viên dạy chủ yếu dựa vào sách, thiếu giáo vụ trực quan. Học sinh về nhà cứ mang sách, mang vở ra đọc ra rả về ông vua này, vị tướng kia như một con vẹt nhưng chỉ để hôm sau kiểm tra, xong là lại quên hết”.

Theo nhà văn, Lịch sử là môn rất hay nhưng qua cách dạy và cách biên soạn lại biến môn này thánh “ác mộng” cho học sinh. “SGK đã chán rồi mà giờ thầy cô giảng bài toàn đọc theo SGK thì học sinh làm sao mà “tiêu hóa” nổi”, nhà văn Di Li nhận xét.

Trong khi đó, việc chỉnh sửa nội dung trong SGK năm nào cũng thực hiện nhưng vẫn còn quá nhiều bất cập. Tiền đầu tư để mỗi năm họp bàn, chỉnh sửa SGK vô cùng lớn còn hiệu quả lại mờ nhạt. Nhà văn bức xúc nói: “Năm thì bàn nhau sửa chữ này thành chữ kia, rồi nên cho học chữ A trước hay chữ Ê trước… rất lằng nhằng, nhưng tóm lại chỗ cần sửa thì không thấy sửa. Những việc đó chỉ đốt tiền, đốt của”.

Cô cho rằng, cái mà ngành giáo dục cần phải nghiên cứu nhiều nhất đó là: “Làm sao cho học sinh hứng thú với môn học hơn là đi nghiên cứu dạy chữ A trước hay chữ E”.

Nhà văn Di Li so sánh, ở một số nước Châu Á, như ở Hàn Quốc. Tại những danh lam thắng cảnh dù lớn hay nhỏ, cả ngày đều thấy nườm nượp các đoàn học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 đến tham quan. Tại những nơi này sẽ có người giới thiệu về địa danh thông qua những câu chuyện rất sinh động, kèm theo đó họ cho học sinh xem những video về người có công lao gắn liền với địa danh đó. Điều này tạo cho trẻ sự hứng thú khi tìm hiểu về lịch sử.

“Ở Việt Nam cũng có những buổi học ngoại khóa, nhưng lại toàn thấy các em ngồi ăn bỏng ngô rồi đánh tá lả với nhau, ít thấy chỗ nào có người giảng cho học sinh về nguồn gốc địa điểm đó một cách thú vị”, nhà văn nêu quan điểm.

Nói về nguyên nhân vì sao học sinh giờ lại “kinh” môn Sử, theo nhà văn Di Li, lỗi này phần lớn thuộc về ngành giáo dục. Nhà văn dẫn chứng: "Ngay từ thời bố mẹ các cháu đã phải học môn Sử với chất lượng kém như vậy thì làm sao có thể tạo cho con cái niềm hứng khởi về môn Lịch sử được. Và cũng vì không hiểu nên thành ra không thích. Bố mẹ đã không thích thì cũng khó biết cách để truyền đạt lại cho con cái làm sao để chúng yêu môn Sử.

Trong khi đó, thường thì ở độ tuổi học sinh là lười, được nghỉ học bao giờ chẳng nhảy lên hò reo phấn khởi, đó là đặc điểm của học sinh trên toàn thế giới rồi nên cũng khó trách được các em".

Đã và đang giảng dạy tại nhiều trường Cao đẳng, Đại học tại Hà Nội, nhà văn Di Li khá hiểu tâm lí chung của học sinh. sinh viên. Cô cho biết, đa phần với học sinh đi học là một hoạt động rất chán. Chính vì chán nên giáo viên phải làm thế nào cho bài giảng được hay và sinh động. Đó là điều rất cần cho môn Sử và cho cả các bộ môn khác.

Nhà văn Di Li chia sẻ: “Khi dạy học sinh kiến thức về lịch sử người giảng phải biết truyền cảm hứng. Bản thân môn Sử đã là môn “buồn ngủ” rồi, giờ giáo viên lại dạy như “cơm nguội” thế làm gì học sinh chả chán. Chúng tôi ở trong ngành giáo dục thường dùng thuật ngữ vui là “Giáo sư gây mê”, cứ nghe giảng là học sinh ngủ li bì”.

NHÀ VĂN DI LI

Nhà văn Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, sinh năm 1978 ở Hà Nội. Tốt nghiệp Cử nhân tiếng Đức và Cử nhân tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), tốt nghiệp Thạc sĩ Quản lý giáo dục Trường đại học Sư phạm Hà Nội.

Từ 2000 đến nay, Di Li là giảng viên văn học Anh-Mỹ, văn hoá Anh-Mỹ của Trường cao đẳng Thương mại & Du lịch Hà Nội, giảng viên PR trường Đại học Hòa Bình, Hà Nội. Chuyên viên tư vấn quảng cáo & PR, viết văn, viết báo và dịch thuật.

Nhà văn Di Li sáng tác chủ đạo thể loại truyện trinh thám kinh dị và hài hước.

Các tác phẩm :

Truyện ngắn: Tầng thứ nhất (NXB Hội nhà văn - 2007), Điệu Valse địa ngục (NXB Hội nhà văn - 2007), 7 ngày trên sa mạc (NXB Văn học - 2009), Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng (NXB Văn học - 2010), Đôi khi tình yêu vẫn hay đi lạc đường (NXB Phụ nữ - 2010), Chiếc gương đồng (NXB Phụ nữ - 2010), San hô đỏ (NXB Văn học - 2012)

Tiểu thuyết: Trại Hoa Đỏ (NXB Công an Nhân dân - 2009)

 Bút ký: Đảo thiên đường (NXB Công an Nhân dân - 2009)

Hồi ký: Nhật ký mùa hạ (NXB Văn học - 2011)

Ký sự chân dung: Chuyện làng văn (NXB Văn học – 2012)

Tản văn: Cocktail thị thành (NXB Phụ nữ - 2011), Adam & Eva (2013)

Sách chuyên ngành: Giáo trình Tiếng Anh chuyên ngành Thương mại (NXB Hà Nội - 2007), Giáo trình Kỹ năng viết trong quan hệ công chúng (NXB Dân trí - 2011), Tôi PR cho PR (NXB Văn hóa Thông tin - 2013)

Truyện dịch sang tiếng Anh: The Black Diamond (NXB Thế giới - 2012). Ngoài ra còn nhiều truyện dịch khác. 

Hiện Di Li đang là Hội viên Hội Nhà văn Châu Á - Thái Bình Dương (từ 2012), Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội (từ 2011), Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 2010).

VIẾT CƯỜNG