Vẫn có nạn bảo kê cho các vi phạm về thuế

28/10/2013 10:38
Theo báo Hải quan
Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục cảnh sát kinh tế- Bộ Công an, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn tội phạm trong lĩnh vực thuế. Một phần là do tình trạng này đang diễn ra hết sức đa dạng, tăng mạnh, xảy ra trên các tỉnh, thành phố, cơ quan, DN, các lĩnh vực với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả xấu đến tình hình kinh tế. Mặt khác, đã có một số ít cán bộ thoái hoá, biến chất, suy thoái về đạo đức, sách nhiễu, tiếp tay cho DN vi phạm pháp luật hoặc hoạt động dưới dạng bảo kê cho DN.

Cơ quan tố tụng đang xem xét dấu hiệu trốn thuế của "ông bầu" Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: Internet.
Cơ quan tố tụng đang xem xét dấu hiệu trốn thuế của
"ông bầu" Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: Internet.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh cũng chỉ ra, ở Việt Nam, tiền đóng thuế chiếm hơn 70% NSNN, giữ vai trò chủ đạo, chi phối toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, nếu trốn thuế càng nhiều thì nguồn ngân sách giảm càng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế đất nước.


Đặc biệt, chính sách thuế trong điều kiện hội nhập có độ nhạy cảm cao về kinh tế- xã hội của mỗi quốc gia. Trong điều kiện của Việt Nam, nền kinh tế chuyển đổi và đẩy mạnh hội nhập quốc tế,  thực hiện cam kết với WTO về thuế đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức.

Các mâu thuẫn thường xuyên nảy sinh trong xử lý các lợi ích khác nhau trong nền kinh tế. Trong khi đó, các văn bản pháp luật về thuế còn thiếu đồng bộ, có những sơ hở, thiếu sót, cơ chế quản lý thu thuế còn nhiều bất cập...

Mặt khác, thực tế trong qua 5 năm thực hiện công tác phối hợp giữa ngành Thuế và Công an trong đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực thuế còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quy chế phối hợp như: Chính sách pháp luật thường xuyên sửa đổi, bổ sung; hành vi trốn thuế, gian lận ngày càng tinh vi, phức tạp, đòi hỏi phải tập trung nhiều lực lượng, nhiều thời gian. Trong khi đó, kinh phí phục vụ cho công tác xác minh, điều tra không được bố trí nên gặp nhiều khó khăn.

Hiện tội phạm về thuế hoạt động có tổ chức, liên quan đến nhiều địa phương, trong khi đó sự phối hợp giữa các địa phương chưa chặt chẽ nên khó trong việc điều tra, xử lý... Một số cán bộ chiến sỹ, công chức của hai lực lượng chưa qua đào tạo, trình độ nhận thức chưa đáp ứng được yêu cầu công tác, tạo sự chậm trễ trong công việc, gây phiền hà không đáng có đối với hoạt động sản xuất của cơ quan, DN.  

Liên quan về vấn đề này, tại Hội nghị  sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) trong đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực thuế vừa diễn ra tại Hà Nội, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã chỉ ra những rào cản gây khó khăn cho công tác đấu tranh ngăn chặn các vi phạm chính sách thuế như: Tình hình chính sách pháp luật thường xuyên sửa đổi, bổ sung. Hành vi trốn thuế, gian lận ngày càng tinh vi phức tạp. Hiện nay, tội phạm về thuế hoạt động có tổ chức, liên quan đến nhiều địa phương, trong khi đó sự phối hợp giữa các địa phương chưa chặt chẽ nên việc điều tra, xử lý rất khó khăn...

"Đó cũng là nguyên nhân, thời gian qua, lực lượng Thuế và Công an mới tập trung đấu tranh vào lĩnh vực thuế GTGT, còn các lĩnh vực khác chưa đề cập sâu như thuế xuất nhập khẩu, thuế nhà đất. Ví dụ, các thủ đoạn lợi dụng tạm nhập tái xuất, buôn bán tiểu ngạch qua biên giới, tội phạm lợi dụng việc giao dịch điện tử hoặc thanh toán qua ngân hàng để thanh toán, khấu trừ, hoàn thuế. Đặc biệt, hiện tượng chuyển giá trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài, để nghi ngờ DN chuyển giá trốn thuế thì dễ, nhưng để tìm được bằng chứng thì không đơn giản"- Thứ trưởng Lê Quý Vương nhận định.

Điều đó dẫn tới số vụ việc được khởi tố, điều tra không nhiều và tiến độ điều tra chậm làm giảm tác dụng răn đe và giảm hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế. Đặc biệt các vụ dây dưa nợ thuế là hành vi vi phạm pháp luật phổ biến hiện nay của các DN nhưng chưa được xử lý triệt để. Mặt khác, đối với những DN có dấu hiệu tội phạm cần thiết phải kiểm tra ngay để phát hiện thu thập tài liệu chứng cứ, điều này rất cần sự có mặt của lực lượng Công an nhưng không thể thực hiện ngay được. Do đó, đến khi ban hành quyết định kiểm tra thì DN đã tẩu tán tài liệu, chứng cứ và kịp đối phó với cơ quan chức năng.

Do vậy, nhiệm vụ đặt ra là 2 ngành cần tăng cường trao đổi thông tin về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, thông tin về thuế, hải quan như: Tình trạng mua bán hoá đơn, hoàn thuế, DN mất tích, bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, thanh toán qua ngân hàng, DN đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá... để xây dựng phướng án phòng ngừa. Nhiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thuế như: Quy định về cơ chế hạch toán, thủ tục hoàn thuế, quy định về kiểm soát hàng xuất nhập khẩu tại cửa khẩu...

Trong 5 năm (2007-2013), ngành Thuế và Công an đã phối hợp trao đổi 27.516 công văn, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế. Kết quả, cơ quan Công an đã khám phá và phối hợp với cơ quan Thuế xử lý hình sự 218 vụ; xử lý hành chính 10.155 vụ vi phạm trong lĩnh vực thuế. Hai đơn vị đã xử lý, thu hồi nộp ngân sách 782,6 tỷ đồng tiền thuế trốn, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, con số phát hiện ra vi phạm về thuế mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thực trạng vi phạm trong lĩnh vực thuế và hải quan rất cao, nhiều lĩnh vực, bộ phận khá nghiêm trọng. Thực tế hiện nay, trong tổng số 460 nghìn DN cấp phép đăng ký kinh doanh nhưng cũng có trên dưới 50 nghìn DN có đăng ký kinh doanh nhưng không có kê khai thuế, đây cũng là nhóm có nhiều rủi ro. Còn qua công tác thanh, kiểm tra của ngành Thuế cho thấy, trung bình 1 năm ngành Thuế thanh tra khoảng 18 đến 20% DN (tương đương 11 đến 12 nghìn DN) nhưng có đến 92% DN có vi phạm về thuế. Và mỗi năm qua công tác thanh tra đã góp phần làm tăng thu ngân sách 12.600 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2013 đã thu được 8.500 tỷ.



Theo báo Hải quan