Việt Nam xếp hạng 99/189 môi trường kinh doanh

29/10/2013 13:59
Đỗ Tuyết
(GDVN) - Sáng nay (29/10), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính thế giới (IFC) đã tổ chức công bố báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2014.
Theo báo cáo thường niên về Môi trường Kinh doanh của Việt Nam và thế giới 2014 vừa được công bố, trong đợt khảo sát năm nay, WB và IFC đã tiến hành đánh giá tại 189 nền kinh tế, thay vì 183 như năm ngoái.

Trong khi các nước Đông Nam Á có những bước tiến xa, Việt Nam tiếp tục “trụ hạng” ở vị trí trí thứ  99/189 nền kinh tế, thấp hơn một bậc so với hồi 2011. Theo bà Wendy Werner, Giám đốc chương trình tư vấn môi trường đầu tư khu vực Đông Á-Thái bình dương của Tập đoàn Tài chính quốc tế (thành viên nhóm WB), Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa để duy trì năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong các quy định về hoạt động của doanh nghiệp.

Từ năm 2006 tới nay, chưa khi nào Việt Nam có xếp hạng Doing Business thấp hơn mức hiện nay. Năm 2006, Việt Nam rớt xuống vị trí thứ 104 của xếp hạng.
Bản báo cáo của WB đưa ra 10 tiêu chí để đánh giá về mức độ dễ chịu của môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, bao gồm thành lập doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, cấp điện, đăng ký tài sản, vay vốn tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, đóng thuế, thương mại quốc tế, thực thi hợp đồng và giải quyết doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.


Trong thời gian 1 năm tính đến tháng 6/2013, Việt Nam được ghi nhận đã có sự cải cách ở các vấn đề về vay vốn tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, đóng thuế, và tuyển dụng lao động. Trong đó, theo WB, các cải cách về vay vốn tín dụng và bảo vệ nhà đầu tư là những cải cách mang tính hỗ trợ cho môi trường kinh doanh. 

Dự án và báo cáo chung về môi trường kinh doanh của WB bắt đầu được triển khai vào năm 2003 với việc công bố báo cáo môi trường kinh doanh 2004. Báo cáo năm nay là báo cáo thứ 11 được thực hiện.

Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2014 xem xét mức độ cải thiện các quy định về kinh doanh, đầu tư trên văn bản, luật  pháp trong khoảng thời gian từ tháng 7/2012 đến 6/2013.

Báo cáo nêu rõ, Việt Nam đã cải thiện hệ thống thông tin tín dụng thông qua một nghị định thiết lập khung pháp lý cho việc thành lập các trung tâm thông tin tín dụng tư nhân. Việt Nam cũng đã tăng cường bảo vệ nhà đầu tư bằng cách đưa ra những yêu cầu chặt chẽ hơn về công bố thông tin đối với các công ty đại chúng. 

Tuy nhiên, Việt Nam nhận được đánh giá rất thấp ở nhiều tiêu chí của xếp hạng. Chẳng hạn, xếp thứ 109/189 về tiêu chí thành lập doanh nghiệp, 156/189 về cấp điện, 157/189 về bảo vệ nhà đầu tư, 149/189 về đóng thuế, và 149 về giải quyết doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng đứng sau một loạt quốc gia, bao gồm Singapore (vị trí số 1), Malaysia (6), Thái Lan (18) và Brunei (59). Các quốc gia cùng khu vực đứng sau Việt Nam trong xếp hạng này bao gồm Philippines (108), Indonesia (120), Campuchia (137), Lào (159), Timor-Leste (172), và Myanmar (182). Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 96.

Điển hình của khu vực Đông Nam Á trong báo cáo năm nay là Malaysia. Từ vị trí thứ 12 trong xếp hạng Doing Business 2013, Malaysia đã nhảy lên vị trí thứ 6 trong xếp hạng 2014.

Trên phạm vi toàn cầu, Singapore vẫn là quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất theo xếp hạng của WB. Các quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại trong top 10 bao gồm Hồng Kông (2), New Zealand (3), Mỹ (4), Đan Mạch (5), Malaysia (6), Hàn Quốc (7), Georgia (8), Nauy (9), và Anh (10).

Nước “đội sổ” trong xếp hạng này là Chad, quốc gia ở châu Phi. Đứng thứ nhì thế giới về độ tệ hại của môi trường kinh doanh theo xếp hạng của WB là một quốc gia khác ở “lục địa đen”, Cộng hòa Trung Phi.
Đỗ Tuyết