Máy bay săn ngầm Trung Quốc ra đến vùng biển quốc tế là bị Mỹ theo dõi

01/11/2013 06:36
Đông Bình
(GDVN) - Chỉ đến khi trang bị hàng loạt máy bay săn ngầm GX-6, TQ mới có thể tự tin cho tàu chiến ra khơi, vươn ra ngoài chuỗi đảo thứ hai...
Trung Quốc đang phát triển máy bay tuần tra săn ngầm tầm xa GX-6
Trung Quốc đang phát triển máy bay tuần tra săn ngầm tầm xa GX-6

Ra khỏi cửa nhà là bị theo dõi

Trang "Strategy Page" Mỹ ngày 28 tháng 10 cho biết, sau khi Mỹ sử dụng máy bay săn ngầm được 60 năm, Trung Quốc bắt đầu nhanh chóng đuổi theo, một trong những tiêu chí là nước này luôn cho bay thử máy bay săn ngầm mới Cao Tân-6 (GX-6) trong 3 năm qua.

Máy bay này có ngoại hình và trang bị rất giống với máy by P-3C của Mỹ, nhưng tính năng giữa chúng có giống nhau hay không còn phải đợi đến khi quan sát GX-6 sau khi đưa vào sử dụng mới có thể biết được. GX-6 đã tiến hành bay hoàn thiện lần đầu tiên vào năm 2012, rõ ràng là muốn sớm đưa vào hoạt động.

Mặc dù Trung Quốc đang nhanh chóng đuổi theo, nhưng Mỹ vẫn có ưu thế rõ rệt. Cho dù Trung Quốc có thể dùng hoạt động gián điệp để có được các tài liệu chi tiết về trang bị máy bay săn ngầm của Mỹ, nhưng họ không thể đánh cắp được kinh nghiệm phong phú sử dụng lâu dài máy bay săn ngầm của Mỹ.

Ngoài ra, nếu Trung Quốc sử dụng máy bay săn ngầm ở vùng biển quốc tế để tìm kiếm tàu ngầm của của Mỹ và các nước khác (nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc), máy bay và tàu do thám Mỹ sẽ có thể tiến hành bám theo, giám sát, theo dõi chúng.

GX-6 được nghiên cứu chế tạo trên nền tảng máy bay Y-8GX6, trang bị 4 động cơ phản lực cánh quạt, dài 38 m, nặng 61 tấn, tốc độ hành trình 660 km/giờ. Việc nghiên cứu chế tạo máy bay Y-8 đã tham khảo thiết kế của An-12 Nga và C-130 Mỹ. Trên nền tảng Y-8, Trung Quốc lại nghiên cứu chế tạo ra máy bay vận tải Y-9 trọng lượng 7 tấn, tương tự máy bay vận tải C-130J của Mỹ. Có tin cho biết, GX-6 cũng sẽ phát triển trên nền tảng này.

Máy bay tuần tra săn ngầm GX-6 (KQ-200) Trung Quốc
Máy bay tuần tra săn ngầm GX-6 (KQ-200) Trung Quốc

Liên quan đến vấn đề này, báo “Hoàn Cầu” Trung Quốc cũng cho biết, máy bay vận tải Y-8 và Y-9 của Trung Quốc có nguồn gốc từ thiết kế của máy bay vận tải An-12 Nga. Từ đầu thập niên 80 thế kỷ 20 đến nay, Trung Quốc luôn chế tạo máy bay vận tải Y-8. Máy bay này có tải trọng 20 tấn.

30 năm trước, Trung Quốc chỉ sản xuất khoảng 130 máy bay vận tải Y-8, một số bán cho Sri Lanka, Myanmar và Sudan. Loại máy bay này không ngừng được nâng cấp, Trung Quốc đang nâng cao sản lượng và sử dụng loại máy bay cũ này, đồng thời cũng đang sản xuất loại máy bay mới: máy bay vận tải Y-9.

Mạng sina cho rằng, trước khi máy bay GX-6 được đưa vào trang bị quy mô lớn, Trung Quốc sẽ ở vào thế yếu trên phương diện săn ngầm. Tàu ngầm Trung Quốc thường bị máy bay săn ngầm nước khác theo dõi, giám sát, nhưng lực lượng săn ngầm của Trung Quốc lại rất mỏng yếu, hiện nay Trung Quốc chỉ có thể dựa vào tàu chiến (có tốc độ tương đối chậm chạp) trang bị thiết bị săn ngầm để chống lại tàu ngầm nước ngoài. Số lượng máy bay trực thăng săn ngầm của Trung Quốc ít hơn một cách đáng thương.

Đứng vào hàng ngũ những nước sở hữu máy bay săn ngầm cánh cố định cỡ lớn

Theo tờ "Liên hợp báo" Đài Loan, nếu máy bay săn ngầm GX-6 được đưa vào sử dụng thuận lợi, sẽ giúp Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 6 nghiên cứu phát triển máy bay săn ngầm cánh cố định cỡ lớn, kế tiếp Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Nhật Bản.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Mỹ

Mỹ có máy bay săn ngầm P-3C và P-8 Poseidon. Có khoảng 200 máy bay săn ngầm P-3C và máy bay săn ngầm cỡ nhỏ do Mỹ chế tạo thực hiện nhiệm vụ ở khu vực Tây Thái Bình Dương, thuộc trang bị của các nước có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc như Nhật Bản (Nhật Bản có khoảng 100 chiếc).

Do đó, trừ phi Mỹ đưa máy bay săn ngầm GX-6 vào sử dụng quy mô lớn, nếu không Trung Quốc sẽ ở vào thế yếu nghiêm trọng ở khu vực này.

Máy bay săn ngầm P-3C đang dược máy bay săn ngầm P-8A thay thế. Máy bay P-8A có nguồn gốc từ máy bay chở khách Boeing-737 2 động cơ. Dự kiến, Hải quân Mỹ sẽ trang bị 117 chiếc máy bay săn ngầm P-8A. Máy bay P-8A tuy sử dụng động cơ phản lực, nhưng lượng tiêu hao nhiên liệu tương đương máy bay phản lực cánh quạt.

Khi săn ngầm, P-8A có thể giám sát 64 phao sonar bị động, 32 phao sonar chủ động, hiệu quả săn ngầm hơn 3 máy bay P-3C. Theo kế hoạch, Mỹ sắp triển khai máy bay săn ngầm kiểu mới này ở Nhật Bản.

Nhật Bản đã nghiên cứu chế tạo được máy bay săn ngầm mới P-1, có kế hoạch trang bị 70 máy bay loại này để thay thế cho máy bay săn ngầm P-3C.

Máy bay P-1 là máy bay quân sự lần đầu tiên trên thế giới áp dụng hệ thống điều khiển truyền quang, có năng lực đa dạng như chống hạm, tấn công đối đất, tác chiến điện tử, trinh sát.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon, Hải quân Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon, Hải quân Mỹ

Về trình độ công nghệ, máy bay săn ngầm P-1 và P-8 đều có ưu thế hơn GX-6. Ở góc độ này, rõ ràng Trung Quốc phải tập trung vào phát triển máy bay tuần tra săn ngầm động cơ phản lực.

Ở Trung Quốc có quan điểm cho rằng, có thể lấy máy bay cỡ lớn C919 (tương tự như Boeing-737, máy bay mẹ của P-8A) làm nền tảng để nghiên cứu chế tạo máy bay săn ngầm bờ biển thế hệ mới.

Ngoài các nước trên, Nga sở hữu máy bay săn ngầm IL-38 và Tu-142; Pháp có máy bay săn ngầm Atalantic, còn Anh có máy bay săn ngầm Nimrod MR2.

Liên quan đến vấn đề này, tờ "Liên hợp buổi sáng" Singapore đánh giá, máy bay săn ngầm GX-6 có tốc độ tối đa, trọng lượng cất cánh tương đương P-3C, sử dụng động cơ phản lực cánh quạt, công suất đạt 5.200 mã lực, có thể cất cánh từ sân bay dã ngoại.

Nhưng hành trình của GX-6 chỉ trên 5.000 km, có khoảng cách rất rõ so với 8.000 km của máy bay P-3C. Giống như P-3C, GX-6 lắp radar và bộ cảm biến khác, vài tấn phao sonar, bom phá tàu ngầm và ngư lôi.

Nhìn vào hình ảnh, máy bay săn ngầm GX-6 dài hơn so với P-3C, có thể mang theo 100 thiết bị định vị thủy âm, trong khi đó, máy bay săn ngầm P-3C chỉ có thể trang bị 48 thiết bị tương tự.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Bài báo phỏng đoán, GX-6 và P-3C đều đã áp dụng hệ thống xử lý âm thanh dựa trên công nghệ xử lý tín hiệu số hóa, máy thăm dò điện từ lạ, về phần cứng hệ thống cơ bản không có khoảng cách công nghệ.

GX-6 có thể được đặt tên là KQ-200

Theo tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc tuyên truyền, máy bay săn ngầm GX-6 có tính năng đạt trình độ thậm chí vượt máy bay săn ngầm P-3C của Quân đội Mỹ!?, đây là một bước nhảy quan trọng đối với năng lực săn ngầm khu vực rộng của Quân đội Trung Quốc. Nếu GX-6 được đưa vào trang bị, sẽ giúp cho Quân đội Trung Quốc đạt được đột phá quan trọng trong lĩnh vực săn ngầm.

Hiện nay, mặc dù Hải quân Trung Quốc phát triển rất nhanh, nhưng năng lực săn ngầm không đứng trong hàng ngũ các nước dẫn đầu như các cường quốc trên thế giới. Năng lực săn ngầm trên không luôn là một điểm yếu của Trung Quốc, điểm yếu lớn nhất là số lượng máy bay tuần tra săn ngầm cánh cố định trên biển không đủ, chỉ có khoảng 10 chiếc, trong đó phần lớn không phải là cũ kỹ, mà là năng lực săn ngầm đã lạc hậu nhiều so với các bước đi của thời đại.

Thực tiễn chứng minh, thủ đoạn săn ngầm hiệu quả nhất chính là săn ngầm trên không, mà máy bay tuần tra săn ngầm cánh cố định chính là chủ lực săn ngầm của một lực lượng hải quân tiên tiến nhất, vì vậy các nước lớn hải quân lấy tăng cường máy bay tuần săn săn ngầm cánh cố định làm một phần quan trọng của lực lượng hải quân.

Trung Quốc đang phát triển máy bay tuần tra săn ngầm tầm xa GX-6
Trung Quốc đang phát triển máy bay tuần tra săn ngầm tầm xa GX-6

Trong một loạt máy bay chiến đấu mới do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo, máy bay GX-5 sau này đã được đặt tên là máy bay cảnh báo sớm KJ-200, do đó máy bay GX-6 thực hiện nhiệm vụ săn ngầm có khả năng được đặt tên là máy bay tuần tra săn ngầm KQ-200.

Trung Quốc bị tàu ngầm các nước “mai phục” khắp nơi

Theo bài báo, Trung Quốc là nước bị tàu ngầm các nước đe dọa kinh nhất, ngoài lượng lớn tàu ngầm hạt nhân tấn công và tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Hải quân Mỹ, những năm gần đây, quân Mỹ còn cải tạo tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình lớp Ohio, có thể mang theo 154 quả tên lửa hành trình Tomahawk, mai phục ở duyên hải Trung Quốc, tiến hành tấn công tên lửa đối với các mục tiêu chiến lược trong đất liền Trung Quốc bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, Nhật Bản là nước có tàu ngầm thông thường tiên tiến nhất thế giới, mặc dù họ chỉ có hơn 20 tàu ngầm, nhưng chất lượng dẫn trước Trung Quốc rất nhiều, có thực lực phong tỏa tàu chiến Hải quân Trung Quốc trong chuỗi đảo thứ nhất.

Máy bay tuần tra săn ngầm mới P-1 do Nhật Bản chế tạo
Máy bay tuần tra săn ngầm mới P-1 do Nhật Bản chế tạo

Cùng với việc tranh chấp quyền lợi biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ngày càng quyết liệt, châu Á-Thái Bình Dương đang diễn ra cuộc chạy đua tàu ngầm, có xu thế "vũ bão", kể cả nước lớn cũng như nước vừa và nhỏ.

Điều này cho thấy, tàu ngầm hạt nhân của Mỹ là "mối đe dọa lớn nhất", tàu ngầm hạt nhân tấn công hay tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Mỹ đều đã coi mai phục ở duyên hải Trung Quốc là một nhiệm vụ thường lệ.

Theo bài báo, đây chính là do Hải quân Trung Quốc thiếu máy bay tác chiến săn ngầm cánh cố định cỡ lớn. Trong tác chiến săn ngầm, ưu thế chính của máy bay tuần trên biển là tính cơ động cao, thời gian bay dài, tải trọng lớn và không dễ bị vũ khí của tàu ngầm tấn công, đặc biệt là khu vực tìm kiếm của nó rất lớn.

Được biết, một máy bay săn ngầm cánh cố định cỡ lớn có thể tiến hành tìm kiếm ở vùng biển trên vài chục, thậm chí vài trăm km2 trong thời gian ngắn, hiệu suất gấp gần 100 lần so với hoạt động săn ngầm của máy bay trực thăng.

Trong khi máy bay trực thăng săn ngầm tiến hành hoạt động "điểm" (hẹp) thì máy bay săn ngầm cánh cố định tiến hành săn ngầm "diện" (rộng). Do đó, phát triển máy bay tuần tra săn ngầm cánh cố định cỡ lớn luôn là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất của Hải quân Trung Quốc.

Tàu ngầm AIP tiên tiến lớp Soryu Nhật Bản
Tàu ngầm AIP tiên tiến lớp Soryu Nhật Bản

Khi máy bay săn ngầm GX-6 được đưa vào hoạt động, máy bay này có thể bay đến khu vực săn ngầm trong thời gian ngắn nhất, tiến hành tìm kiếm săn ngầm nhanh và có hiệu quả đối với vùng biển khả nghi. Đồng thời, do Y-9 có khoang lớn hơn, nên có thể lắp được nhiều thiết bị săn ngầm hơn, có thể mang theo vũ khí săn ngầm nhiều hơn, do đó năng lực săn ngầm sẽ mạnh hơn.

Bài báo cho rằng, nếu Quân đội Trung Quốc được trang bị 30 máy bay săn ngầm cỡ lớn loại này, có thể đáp trả hiệu quả tàu ngầm của Mỹ và Nhật Bản, "ngăn chặn ý đồ dùng tàu ngầm chống Trung Quốc" của các nước Đông Nam Á.

Cũng luận điệu trên, báo TQ viết, sau khi GX-6 "dọn sạch tàu ngầm" ở những vùng biển nói trên, tàu ngầm, tàu chiến mặt nước và biên đội tàu sân bay tương lai của Hải quân Trung Quốc mới có thể thoải mái, tự tin, thuận lợi đột phá sự phong tỏa chuỗi đảo, vươn ra biển xa rộng lớn hơn thực hiện nhiệm vụ tác chiến. Vì vậy, Trung Quốc có nhu cầu cấp bách đưa GX-6 vào sản xuất hàng loạt để đối phó với tàu ngầm của các nước xung quanh.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio của Hải quân Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio của Hải quân Mỹ
Đông Bình