Đổi mới SGK 2015: Băn khoăn về "chất" của lực lượng tham gia viết sách

02/11/2013 07:02
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - Quan điểm đổi mới chương trình – sách giáo khoa (SGK) sau 2015 của một số chuyên gia đang ngày một thể hiện đúng định hướng đổi mới. Tuy nhiên, có một số mấu chốt quan trọng mà theo đó lực lượng tham gia viết sách lấy ở đâu để thể hiện đúng được tinh thần của đổi mới.

Liên quan tới chủ đề này, PGS. Nghiêm Đình Vỳ - Chủ tịch Hội đồng bộ môn Lịch sử (Bộ GD&ĐT) đã trả lời phỏng vấn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. PGS. Nghiêm Đình Vỳ băn khoăn: “Sách SGK có thể do nhiều người viết, nhưng số những người đáp ứng được chất lượng đó hiện nay liệu có còn nhiều hay không?”.

Tự do viết sách là tốt, nhưng...!

PV: Thưa PGS. Nghiêm Đình Vỳ, là một người có kinh nghiệm tham gia viết sách đã lâu, trong cuộc đổi mới chương trình SGK lần này có nhiều quan điểm cho rằng không nên giao độc quyền cho một tổ chức của Bộ GD&ĐT đứng ra viết sách, suy nghĩ của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS. Nghiêm Đình Vỳ: Tôi nghĩ làm xong chương trình và đưa ra thảo luận rồi sau đó có định hướng viết nhiều bộ SGK, viết nhiều SGK thì cứ để cho mọi người viết nhưng phải có một Hội đồng thẩm định của quốc gia cho từng môn học. Nếu để tự do cho viết SGK thì đó là cái tốt nhưng sợ lực lượng tham gia viết có nhiều hay không?
SGK sau 2015 sẽ có nhiều thay đổi. Ảnh minh họa Xuân Trung
SGK sau 2015 sẽ có nhiều thay đổi. Ảnh minh họa Xuân Trung

Thựa tế, vì những người có kinh nghiệm viết sách nhiều hiện đã lớn tuổi, không biết số đó có còn sẵn sàng hăng hái tham gia không. Khi tham gia rồi phải định hướng theo chuẩn để người ta viết, và Hội đồng thẩm định phải rất nghiêm túc, sau đó là chọn bộ sách nào cho phù hợp.

Hiện nay Bộ có đứng ra không hay NXB có đứng ra viết sách? Kinh nghiệm của các nước thì NXB đều đứng ra tổ chức viết SGK. Nhưng theo tôi, trước mắt hoặc là NXB, hoặc Bộ GD&ĐT phải đứng ra có một nhóm chính để có một lực lượng viết chính, những người khác vẫn có thể cho viết, những cá nhân, tổ chức nào viết mà thẩm định tốt thì vẫn có thể sử dụng được.

Theo Đề án đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau 2015, các định hướng xây dựng chương trình, SGK mới sẽ tiếp cận theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, đẩy mạnh đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục theo hướng phát triển năng lực cho học sinh, đổi mới đánh giá kết quả giáo dục theo yêu cầu phát triển năng lực, điều chỉnh hài hòa, cân đối giữa dạy chữ, dạy người và từng bước “dạy nghề”. Nội dung giáo dục mang tính cơ bản, hiện đại, thực tiễn giúp hình thành và phát triển năng lực học tập và phẩm chất học sinh.


Tôi nói ngay như môn Lịch sử đứng ra viết thì phải có trách nhiệm, nếu ai hăng hái đứng ra tổ chức một bộ thì lực lượng viết cũng là một vấn đề, để tình trạng nhiều người đã từng viết sách trước đây nói lại đó là một sai lầm lớn nhất trong đời là viết SGK.

Tôi vẫn nghĩ không biết trong thời gian tới chế độ đãi ngộ khi viết SGK có nhiều hay không, như lần trước 320.000đ/tiết thì không thể khuyến khích được.

PV: Chương trình SGK phải mang tính bền vững từ 10-15 năm, người anh học xong có thể em học lại vẫn được, theo PGS sắp tới đổi mới như thế nào để SGK có tính bền vững này?

PGS. Nghiêm Đình Vỳ: Trước hết phải huy động một lực lượng chuyên gia giỏi, chuyên gia giỏi nhưng theo tôi còn phải huy động thêm một tầng lớp trẻ giỏi vì các em tiếp cận được quốc tế rất nhiều, thành thử như môn Sử một số thầy có kinh nghiệm nhưng cũng phải có lớp trẻ để tiếp cận SGK của các nước để ứng dụng được chuẩn chương trình chứ không phải chương trình chuẩn để có thể sử dụng được 5-10 năm và sau đó là kế thừa những cái gì được tiếp tục sử dụng, những cúa gì cần bổ sung. Vì quá trình kinh tế  -  xã hội luôn phát triển. Phải bổ sung cho cập nhật. Đây là phương án rất tiết kiệm.

Hơn nữa quá trình đổi mới cũng phải làm thật khẩn trương, chứ cứ thí điểm vài năm rồi mới đến thời gian dạy thì chương trình lại cũ mất, có thể làm từ lớp 1, lớp 2.

PV: Theo PGS thì môn nào chúng ta đang thiếu lực lượng để viết SGK?

PGS. Nghiêm Đình Vỳ: Tôi khó nắm được con số chính xác nhưng theo tôi, các  môn nên huy động một lực lượng đã từng tham gia, có kinh nghiệm cộng với lực lượng trẻ bây giờ. Lớp trẻ bây giờ tiếp cận được thế giới cả về kiến thức và phương pháp, cả mô hình sách.

PV: Như vậy đổi mới chương trình và SGK là công việc gấp rút nhưng cần có thời gian. Tuy vậy thì học sinh có cần một quá trình để chuyển tiếp hay không?

PGS. Nghiêm Đình Vỳ: Học sinh hiện nay học vẫn học bình thường, nhưng chỉ có điều nếu như có SGK mới thì các bộ môn và Bộ GD&ĐT nên có những hướng dẫn để điều chỉnh. VD: lớp 10 đang học theo chương trình hiện tại nhưng sắp tới có thể học theo chủ đề thì có thể một mặt vẫn học thông sử, nhưng Bộ thấy có những chủ đề hay có thể vẫn lồng ghép vào. VD: Đánh giá các nhân vật lịch sử thế giới và Việt Nam như viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể có những chuyên đề.
PGS. Nghiêm Đình Vỳ. Ảnh Xuân Trung
PGS. Nghiêm Đình Vỳ. Ảnh Xuân Trung

Thứ hai là các sở GD&ĐT cũng phải có trách nhiệm, bên cạnh đó cũng để cho các trường có phần tự chủ 15-20%. Tùy thuộc vào cơ chế quản lí trong đổi mới, do đó không chờ đến hoàn chỉnh, trong khi sách cũ vẫn có thể bổ sung cái mới.

Nghiên cứu mô hình SGK Lịch sử mới

PV: Đổi mới chương trình và SGK là một quy mô lớn, vậy theo PGS con người đã chuẩn bị như thế nào?

PGS. Nghiêm Đình Vỳ:
Cái này phải song song đổi mới chương trình và đào tạo chủ yếu là giữa các trường sư phạm, tôi biết hiện nay các trường sư phạm đang chuẩn bị thành lập một tiểu ban xây dựng chương trình đào tạo mới. Nhưng bên cạnh đó các bộ môn cũng phải có định hướng thay đổi như chuyên đề bổ sung, chương trình bổ sung thì sẽ bảo đảm được có sự chuyển giao. Cái cũ cần cập nhật nhưng cập nhật cũng cần quản lí chặt chẽ để tránh cập nhật cái sai. Tôi nghĩ giáo viên giỏi thì sử dụng SGK ít và ngược lại.

PV: Có quan điểm cho rằng tính bảo thủ của giáo viên luôn dựa vào SGK để “thống lĩnh”chương trình, PGS nghĩ sao?

PGS. Nghiêm Đình Vỳ: Tôi nghĩ không đúng lắm, giáo viên thực ra không bảo thủ nhưng có điều kiện về kinh tế xã hội đủ thì tham khảo được nhiều, còn không có điều kiện thì bảo thủ theo SGK, SGK có như thế nào thì dạy như thế. Nói như vậy không có nghĩa là không có tài liệu, không có phương pháp, không có nghĩa là dạy học theo di sản, kể cả dạy học theo di sản thì vẫn là trình độ giáo viên, cái đào tạo và bồi dưỡng giáo viên rất quan trọng.

Thưa PGS. Nghiêm Đình Vỳ, lần này đổi mới chúng ta có tham  khảo nhiều quan điểm của nước ngoài không?

PGS. Nghiêm Đình Vỳ: Tôi không biết các môn khác nhưng môn Lịch sử hiện nay đang chuẩn bị mặc dù chưa đặt vấn đề chính thức. VD: tham khảo SGK của Nga, của Canada, Úc, hay ở Nhật Bản sẽ có những mô hình SGK như thế nào, Đức cũng vậy. Tôi đang tập hợp đội ngũ để triển khai mô hình. Trước đây SGK Lịch sử có mô hình Lịch sử thế giới riêng, Việt Nam riêng, nhưng bây giờ tôi đang nghĩ có nên viết như vậy nữa hay không, hay là viết sử Việt Nam rồi sử thế giới nằm trong một quyển, thậm chí trong cùng bài, từng chương?

Mô hình dạy sử có thể làm niên biểu, có hình ảnh minh họa ở trên các sự kiện. VD: như Cách mạng tháng 8, Chiến tranh thế giới thứ 2, hình ảnh Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nhìn hình ảnh và tóm tắt sự kiện như vậy học sinh sẽ dễ nhớ hơn. Trong tài liệu tham khảo thì nên tham khảo cái gì, xem phim tài liệu gì...?

Nhưng nói gì thì nói kinh nghiệm nước ngoài nhưng cũng phải có tính truyền thống để giáo dục cho học sinh Việt Nam và để tự hào của người Việt Nam, nhưng cũng không thể quên được giáo dục  trong thời kỳ hội nhập thì phải đào tạo ra công dân thế giới.

Xin cảm ơn PGS.

Trao đổi với phóng viên về việc có nên để cho tổ chức của Bộ GD&ĐT tiếp tục độc quyền tham gia viết sách trong kỳ này, GS. Hoàng Tụy nêu quan điểm, không nên trao độc quyền biên soạn và xuất bản SGK cho một cá nhân hay một  tổ chức nào, kể cả của Bộ GD&ĐT. Mà thay vào đó, cần cho phép bất cứ ai cũng được quyền biên soạn, xuất bản SGK. Tuy nhiên để bảo đảm chất lượng tối thiểu cần thiết, chỉ những SGK nào đã qua sự thẩm định của một Hội đồng có thẩm quyền của Bộ GD&ĐT mới được phép dùng trong trường học.

“Sẽ có nhiều bộ SGK được phép dùng và qua cạnh tranh thực tế các SGK sẽ được cải tiến, sửa chữa những sai sót, nâng cao dần chất lượng về cả nội dung lẫn hình thức trình bày. Kinh nghiệm thực tế ở các nước cho thấy qua quá trình sàng lọc thực tế đó thường chỉ tồn tại vài ba bộ hay 4 - 5 bộ SGK có chất lượng để dùng cho nhiều năm. Những SGK tốt nhất có khi tồn tại qua mấy thế hệ mà chỉ lâu lâu mới có những chỉnh sửa không đáng kể” GS. Hoàng Tụy  nêu ý kiến.






Xuân Trung (thực hiện)