ĐBQH Trần Du Lịch: “Phải mạnh dạn thoái vốn ở từng tổng công ty”

03/11/2013 08:21
Ngọc Quang
(GDVN) - “Chúng ta mạnh dạn thoái vốn ở từng tổng công ty một, theo tổng công ty chứ không phải công ty con và dùng cái này để làm vốn đối tác trong vấn đề dự án PPP và đầu tư mạnh về một số công trình hạ tầng”.

Đây là quan điểm của TS Trần Du Lịch – ĐBQH đoàn TP.HCM khi Quốc hội thảo luận về dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách 2014.

Ông Trần Du Lịch là người đã rất kiên trì trong các phát biểu của mình khi yêu cầu phải thoái vốn một cách dứt khoát với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Vào kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13, ĐB Trần Du Lịch đặt vấn đề: “Hiện nay, nhà nước còn rất nhiều nguồn lực, cần rà soát lại việc đầu tư công nghiệp nhạ, những ngành không cần thiết như khách sạn, nhà hàng… cần phải thoái vốn. Tại sao chúng ta để hàng trăm nghìn tỷ đồng ở đây, trong khi thiếu tiền làm quốc lộ và nhiều việc khác? Nguồn lực nhà nước đang lãng phí”. 

ĐBQH Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn ĐB TP.HCM
ĐBQH Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn ĐB TP.HCM

Ông Lịch cũng đồng thời đặt ra một câu hỏi khó: Quốc hội và Chính phủ phải làm thế nào để vài ba năm nữa nền kinh tế Việt Nam phục hồi và quay lại thời kỳ vàng son như những năm 1991, 1996, 2001, 2007? Kinh tế Việt Nam nếu không tăng trưởng được 7-8% trong vài thập niên thì không thể đạt được mục tiêu công nghiệp hóa và cũng không có tiền đề vật chất để xử lý vấn đề tiến bộ xã hội.

Lần này, đồng tình với đề xuất nới trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% và phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu của Chính phủ, nhưng ĐB Trần Du Lịch tiếp tục khuyến nghị nên tiến hành thu cổ tức tại các DNNN, mạnh dạn thoái vốn tại các DN tại một số lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ, với hai lý do:

Thống đốc NHNN: VAMC không mua nợ xấu bằng tiền ngân sách

Thống đốc NHNN: VAMC không mua nợ xấu bằng tiền ngân sách

Vì sao Chính phủ báo cáo màu hồng, nhưng nhân dân nói là màu tối?

Vì sao Chính phủ báo cáo màu hồng, nhưng nhân dân nói là màu tối?

Thứ nhất, nếu cộng 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ phát hành thêm thì tổng trái phiếu Chính phủ phát hành năm 2014 lên đến 400 nghìn tỷ đồng. Như vậy, NHNN vừa phải lo cho tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức 14% (tương đương với hơn 400 nghìn tỷ đồng), lại phải cộng thêm 400 nghìn tỷ đồng trái phiếu của Chính phủ nữa mà vẫn bảo đảm được không gây lạm phát. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề.

Thứ hai, có những ý kiến cho rằng nợ công dưới 65% GDP là an toàn, nhưng sau 2015, nước ta sẽ phải dùng 1/3 nguồn thu ngân sách để trả nợ. Đây là vấn đề không còn an toàn.

Vì vậy, ĐB Trần Du Lịch đề nghị nên cổ phần hóa các DN thuộc các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ.

“Quan điểm tôi là phải duy trì DNNN, nhưng chỉ duy trì trong 3 lĩnh vực là công nghiệp quốc phòng, an ninh; các ngành then chốt mà để thúc đẩy nền kinh tế phát triển và các lĩnh vực phục vụ lợi ích công cộng. Còn lại chúng ta mạnh dạn thoái vốn ở từng tổng công ty một, theo tổng công ty chứ không phải công ty con và dùng cái này để làm vốn đối tác trong vấn đề dự án PPP và đầu tư mạnh về một số công trình hạ tầng.

Nếu không làm vậy chúng ta sẽ tiếp tục thâm hụt ngân sách, vấn đề này tôi đã đề nghị tại kỳ họp trước, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo chưa nghiên cứu kỹ. Tôi đề nghị đưa vấn đề này vào nghị quyết tạo cơ sở để thực hiện, đấy là con đường giải quyết, tôi xin thưa rằng không có con đường nào khác để giải quyết bài toán thâm hụt ngân sách và xử lý bài toán thâm thủng ngân sách hiện nay”, ông Lịch nói.

Bên cạnh đó, phân tích những nguyên nhân khiến nước ta rơi vào tình trạng thâm hụt nặng về ngân sách, ĐB Trần Du Lịch đã chỉ ra 5 nguyên nhân:

Thứ nhất là nỗ lực để đầu tư đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – đây là nguyên nhân tích cực nhưng vẫn gây bội chi.

Thứ hai là thực hiện chính sách xã hội nhằm giảm phân hóa giàu, nghèo, cách biệt nông thôn, đô thị... đây cũng là nguyên nhân tích cực, gây bội chi.

Thứ ba là liên quan đến thể chế phân bổ ngân sách, việc duy trì quá lâu một thể chế phân bổ ngân sách theo kiểu xin cho, không rạch ròi, đâu là ngân sách quốc gia, đâu là ngân sách địa phương.

Thứ tư là vung tay quá trán trong chi tiêu. Xây dựng trụ sở cơ quan, mua sắm, phải nhận thức rằng việc chi cho xây dựng cơ quan, trụ sở, mua sắm thiết bị văn phòng bên trong, đó là chi tiêu dùng chứ không phải đầu tư. Nếu nhận thức được như vậy thì sẽ tiết kiệm được. Bộ máy hành chính quá cồng kềnh, kém hiệu quả, đẻ ra quá nhiều ghế, khiến bộ máy nhà nước phình to không ngân sách nào chịu nổi.

Thứ năm là siết lại kỷ cương, kỷ luật trong chi tiêu ngân sách; kiểm soát vấn đề thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản. Thí dụ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu xem xét lại 4 dự án đã bị nâng quy mô lên một cách vô lý, và đã giảm được hơn 15.000 tỷ đồng. Nếu không làm như vậy thì đất nước này phải đóng thuế, phải nai lưng trả nợ cho những điều vô lý đó; tất cả các bộ, ngành, địa phương cần phải tiếp tục rà soát lại các dự án để tránh lãng phí cho ngân sách.

Ngọc Quang