Quốc hội nên giảm thời gian họp để chống lãng phí?

05/11/2013 07:34
Ngọc Quang (ghi)
(GDVN) - Tại phiên thảo luật về dự thảo sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí sáng nay, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đánh giá: Kỳ họp Quốc hội hàng năm của chúng ta hiện nay thời gian kéo dài hơn so với nội dung thực chất trong chương trình chúng ta cần giải quyết; Các hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên đề có liên quan đến các hoạt động của Quốc hội còn có hiện tượng lãng phí.

Báo Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả phát biểu của ĐBQH Trần Quốc Tuấn:

Trong Chương III của dự thảo luật có quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ Điều 67 đến Điều 75 trong chương này có nêu trách nhiệm của Bộ Tài chính, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Tôi thấy trong chương này chưa nêu trách nhiệm của Quốc hội. Tôi đặt vấn đề này bởi vì tôi có tiếp cận với nhiều ĐBQH và các đại biểu đều có ý kiến cho rằng hiện nay trong Quốc hội chúng ta còn nhiều vấn đề chúng ta cần phải xem xét, có thể dẫn đến lãng phí. Điển hình là 2 vấn đề:

Thứ nhất, kỳ họp Quốc hội hàng năm của chúng ta hiện nay thời gian kéo dài hơn so với nội dung thực chất trong chương trình chúng ta cần giải quyết.

Thứ hai, các hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên đề có liên quan đến các hoạt động của Quốc hội còn có hiện tượng lãng phí.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn - đoàn Trà Vinh.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn - đoàn Trà Vinh.

Tôi xin lần lượt phân tích 2 vấn đề trên như sau: Đối với hoạt động thứ nhất đó là kỳ họp Quốc hội hàng năm kéo dài hơn so với các nội dung thực chất chúng ta cần giải quyết, đặc biệt kỳ họp cuối năm. Qua nghiên cứu nội dung kỳ họp, tôi và nhiều ĐBQH thấy chúng ta có thể rút ngắn thời gian của mỗi kỳ họp xuống từ 5 - 10 ngày, điển hình như tại kỳ họp này chúng ta có thể thay vì chúng ta họp 41 ngày chúng ta có thể rút ngắn xuống còn trên dưới 30 ngày. Có như vậy thì chúng ta sẽ tiết kiệm vừa về thời gian, ngân sách của nhà nước bằng cách chúng ta có thể sắp xếp, bố tri thời gian một cách hiệu quả hơn. Đặc biệt là trước mỗi kỳ họp chúng ta có thể phát huy quyền và trách nhiệm của các cơ quan tham mưu cho Quốc hội.

Tôi xin nêu thí dụ điển hình đối với các dự án luật được nêu ở trong các kỳ họp, hoặc những vấn đề mang tính chất không quan trọng lắm thì chúng ta có thể giao quyền mạnh hơn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp vào giữa các kỳ họp Quốc hội; hoặc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đại biểu chuyên trách ở địa phương hay là các cơ quan chuyên trách của Quốc hội. Chúng ta chỉ đưa ra Quốc hội bàn những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau hoặc những vấn đề mang tính chất cực kỳ quan trọng có ảnh hưởng đến quốc gia, còn những vấn đề khác có thể giao, ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có như vậy, chúng ta sẽ rút ngắn được thời gian họp tại mỗi kỳ họp đặc biệt là kỳ họp cuối năm.

Cách đây 1 năm trong một buổi tập huấn tôi có được nghe một chuyên gia cung cấp một thông tin rằng nếu mỗi một phút chúng ta ngồi tại hội trường này thì nhà nước phải bỏ ra khoảng 2 triệu đồng để chi cho hoạt động của chúng ta. Bình quân mỗi một kỳ họp như thế một ngày chúng ta mất khoảng 1 tỷ đồng. Một tỷ đồng nó không phải là lớn nếu chúng ta ngồi đây chúng ta đưa ra thảo luận và đi đến quyết định, giải quyết các vấn đề quan trọng mang lại lợi ích cho nhân dân, mang lại lợi ích cho quốc gia. Nhưng 1 tỷ đồng cho một ngày họp nó rất lớn nếu chúng ta không làm được những việc đó.

Chúng tôi chưa kể đến vấn đề là trong số các ĐBQH ngồi đây có rất nhiều người đang giữ những vai trò trọng trách của các tỉnh, thành phố và cuối mỗi năm có công việc rất quan trọng. Nếu tham gia kỳ họp kéo dài như thế này thì công việc ở nhà rất khó giải quyết, nếu về thì phải tốn rất nhiều chi phí, vé máy bay, xe đưa, xe đón. Còn nếu ở lại thì công việc sẽ bị đình trệ.

Vấn đề thứ hai, hiện nay trong các tổ chức hội nghị, hội thảo, các chuyên đề liên quan đến Quốc hội tôi thấy chúng ta còn lãng phí. Tôi rất đồng tình với ý kiến của đại biểu Kim Chi ở Phú Yên. Thực chất có những hội nghị, hội thảo bị hoãn hoặc những nội dung chúng ta tổ chức cũng không đi sát, không phù hợp lắm với nhu cầu của đại biểu nhưng các đại biểu cũng phải tốn thời gian, tốn chi phí để chúng ta đi tham dự các buổi này.

Với thực tế diễn ra như vậy thì những nguy cơ có thể gây lãng phí đang diễn ra, vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Có phải là của Quốc hội chúng ta không? Nếu là của Quốc hội thì chúng ta có phải đưa Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội vào đối tượng cần điều chỉnh trong luật này hay không? Cho dù có thuộc hay không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này thì tôi cũng rất mong Quốc hội xem xét đưa ra các giải pháp thực hiện hiệu quả hơn để rút ngắn thời gian của mọi kỳ họp có như vậy kỳ họp Quốc hội của chúng ta sẽ chất lượng và hiệu quả hơn.

Ngọc Quang (ghi)