Vụ "tù oan 10 năm": Cơ quan nào phải đền bù cho ông Nguyễn Thanh Chấn?

07/11/2013 10:04
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - "Xử tái thẩm, nghĩa là hủy hai bản án cũ, điều tra bổ sung và xử lại, và nếu khi ông Chấn được tuyên vô tội thì như vậy TAND Tối cao sẽ không đền bù cho ông Nguyễn Thanh Chấn, mà trách nhiệm sẽ được đẩy về Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang", ông Vũ Đức Khiển - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Chiều qua (6/11), Hội đồng thẩm phán TANDTC đã tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại vụ án oan sai với ông Nguyễn Thanh Chấn. Điều đó cũng có nghĩa là anh Chấn còn trong vòng tố tụng vì chưa được tuyên vô tội, và tiếp tục phải chờ đợi, dù đã phải ngồi tù 10 năm trời. 

Báo Giáo dục Việt Nam tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Khiển – Nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, xung quanh nội dung này.

Ông Vũ Đức Khiển - Nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Ông Vũ Đức Khiển - Nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

PV: Thưa ông, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại vụ án oan sai với ông Nguyễn Thanh Chấn. Vậy là vòng tố tụng quay ngược trở lại vị trí ban đầu, trách nhiệm được dồn cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang?

Ông Vũ Đức Khiển: Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang phải điều tra lại vụ án này, trong quá trình hoàn thiện lại kết luận điều tra sau khi đã bổ sung những tình tiết mới về hung thủ Lý Nguyễn Chung thì đương nhiên phải gạt bỏ trường hợp của ông Chấn ra, không đề nghị truy tố nữa. Trong trường hợp này, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang có trách nhiệm trong việc ông Chấn bị ngồi tù oan 10 năm.

Giả sử, trường hợp Cơ quan điều tra vẫn đề nghị VKSND tỉnh Bắc Giang truy tố ông Chấn, và VKS không phê chuẩn mà đình chỉ điều tra với ông Chấn thì phía Cơ quan điều tra vẫn phải đền bù.

PV: Nhưng thưa ông, Cơ quan điều tra cũng có thể phản biện rằng trước đây VKSND tỉnh đã ký phê chuẩn khởi tố ông Chấn, vậy nay cơ quan kiểm sát cũng phải có trách nhiệm?

Ông Vũ Đức Khiển: Vòng quay tố tụng đang theo chiều xuôi, nay đã bị đảo ngược lại, tất cả bắt đầu từ việc cho rằng có tình tiết mới là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, bây giờ trở lại mốc ban đầu. Chỉ có một vấn đề duy nhất ở đây là ông Chấn đã phải ngồi tù 10 năm – nay chắc chắn phải được bồi thường. Vậy nên bài toán cần giải quyết là cơ quan nào phải bồi thường? Và những cá nhân, tập thể nào phải chịu trách nhiệm?

Nói cho đúng, VKSND tỉnh Bắc Giang cũng phải có trách nhiệm trong án oan của ông Chấn, vì họ là cơ quan phê chuẩn lệnh bắt, mà trước khi bắt thì họ có trách nhiệm thẩm định kết quả điều tra có đúng hay không.

Nhưng nói như vậy thì VKS cũng sẽ đẩy trách nhiệm lên TAND tỉnh, rồi cấp Tòa này tiếp tục đổ cho TAND Tối cao (xử phúc thẩm).

Ở ta vẫn có những chuyện như vậy, khi có chuyện xảy ra thì sẽ đổ lỗi loanh quanh để không phải chịu trách nhiệm, mà cái lý họ đưa ra nằm ở đầu nào cũng được, cho nên qua vụ án oan của ông Chấn cũng cần xem xét lại luật để quy định chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng đổ lỗi vòng quanh nữa.

Với thủ tục tái thẩm, TAND Tối cao đã “né” được trách nhiệm?
Với thủ tục tái thẩm, TAND Tối cao đã “né” được trách nhiệm?

PV: Vậy nói thẳng ra, với thủ tục tái thẩm, TAND Tối cao đã “né” được trách nhiệm?

Ông Vũ Đức Khiển: Hủy án điều tra lại thì có nghĩa là ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn còn trong vòng tố tụng, vì chưa được tuyên vô tội, bị oan. Lẽ ra, làm theo thủ tục Giám đốc thẩm thì Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sẽ tuyên bố xét thấy việc điều tra truy tố và kết tội Nguyễn Thanh Chấn có nhiều sai sót vi phạm và có chiều hướng bị oan, trả lại hồ sơ cho Tòa sơ thẩm xét xử lại theo hướng tuyên bố Nguyễn Thanh Chấn không phạm tội. Giám đốc thẩm là bản chất như thế, không trực tiếp xét xử nhưng đưa ra định hướng xét xử.

Bên cạnh đó, VKS Tối cao ra kháng nghị cũng phải theo hướng Giám đốc thẩm, nói rõ vì quá trình điều tra có nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đề nghị Hội đồng thẩm phán xét xử Giám đốc thẩm tuyên hủy bản án và giao cho cấp sơ thẩm xét xử lại, theo hướng Nguyễn Thanh Chấn không có tội.

Nếu làm như vậy, TAND tỉnh Bắc Giang xử lại anh Chấn vô tội, và TAND Tối cao phải đền bù, vì sau khi xử sơ thẩm anh Chấn đã kêu oan và đến cấp xét xử phúc thẩm vẫn bị tuyên y án sơ thẩm (tù chung thân) và bản án có hiệu lực ngay.

Trả lời báo chí vừa qua, chính những người tham gia xét xử sở thẩm vụ án này cũng đã nói trắng ra rằng họ không sai, mà điều đó minh chứng là TAND Tối cao cũng công nhận bản án sơ thẩm đúng. Như vậy, tại phiên phúc thẩm TAND Tối cao việc không phát hiện ra những điểm bất thường và vẫn xử anh Chấn tù chung thân thì đó là lỗi của Tòa Tối cao.

Trân trọng cảm ơn ông!

(Mời độc giả đón đọc kỳ 2, ông Vũ Đức Khiển chia sẻ về sơ hở trong công tác kiểm sát và năng lực của cơ quan điều tra).

Ngọc Quang (Thực hiện)