Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước khẩn trương thoái vốn ngoài ngành

09/11/2013 07:49
LIỄU PHẠM (TỔNG HỢP)
(GDVN) - Các tập đoàn Nhà nước lớn như VNPT, EVN và Vinatex... liên tục thực hiện bán vốn ngoài ngành chỉ trong một thời gian ngắn.
Tập đoàn Viễn Thông Việt Nam (VNPT)

Theo thống kê, Tập đoàn Viễn Thông Việt Nam (VNPT) đang góp vốn đầu tư vào 85 công ty cổ phần, công ty TNHH, nhưng không phải tất cả các công ty này đều có kết quả kinh doanh tốt trong thời gian qua, nhất là năm 2011 và nửa đầu năm 2012.

Ngày 6/11 vừa qua, VNPT công bố đã hoàn tất thoái vốn khỏi Sonadezi Long Thành. Cụ thể, 692.100 cổ phiếu SZL mà VNPT nắm giữ đã được giao dịch khớp lệnh từ 24/10 đến 1/11/2013, sớm hơn 20 ngày so với dự kiến. 

Trước đó, vào giữa tháng 9, VNPT từng đăng ký bán toàn bộ hơn 1 triệu cổ phiếu SZL, chiếm 5,3% vốn, tuy nhiên thời điểm đó chỉ bán được 373.500 cổ phiếu.

Sau giao dịch, VNPT không còn là cổ đông của SZL. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Viễn thông Đồng Nai vẫn là ủy viên Hội đồng quản trị của SZL. Trước đây, ông Thắng là đại diện phần vốn góp của VNPT tại SZL.

VNPT công bố đã hoàn tất thoái vốn khỏi Sonadezi Long Thành.
VNPT công bố đã hoàn tất thoái vốn khỏi Sonadezi Long Thành. 

Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, công tác thoái vốn đầu tư khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành đang được doanh nghiệp này khẩn trương tiến hành. 

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, EVN đang tập trung thực hiện các phương án thoái vốn tại Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực, Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung…

Trong ngày 6/11, EVN thông báo thoái hết vốn khỏi nhiệt điện Bà Rịa (Mã CK: BTP) với tổng giá trị vốn chuyển nhượng đạt khoảng 635 tỷ đồng.

Theo tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, ngày 14/10 vừa qua, EVN đã chuyển giao toàn bộ 48,123.557 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa và không còn là cổ đông lớn tại công ty này.

EVN thông báo thoái hết vốn khỏi nhiệt điện Bà Rịa (Mã CK: BTP)
EVN thông báo thoái hết vốn khỏi nhiệt điện Bà Rịa (Mã CK: BTP)

Trước khi bàn giao, với tỉ lệ sở hữu 79,56% vốn, EVN là cổ đông lớn duy nhất tại BTP. Hiện EVN chưa công bố đối tác nhận chuyển nhượng số cổ phần trên.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) 


Theo dự kiến Vinatex phải thoái 100% vốn tại 37 doanh nghiệp, hiện nay đã hoàn thành tại 5 doanh nghiệp, dự kiến hết năm 2013 sẽ hoàn thành thêm 9 doanh nghiệp, các doanh nghiệp còn lại sẽ thực hiện theo lộ trình đến hết năm 2015.

Mới đây, Vinatex đăng ký bán đấu giá toàn bộ 1,3 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư An Phát, tương ứng chiếm 20% vốn điều lệ. Thời gian tổ chức đấu giá bắt đầu từ 29/11 tới. Mức giá khởi điểm mà Vinatex đưa ra là 11.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn mệnh giá cổ phiếu.

Vinatex dự kiến cuối quý IV/2013, chậm nhất đầu quý I/2014, Vinatex sẽ hoàn thành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và bắt đầu từ quý II/2014, sẽ chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần. Đến nay, Tập đoàn đã thoái 70% vốn đầu tư ngoài ngành.

Vinatex đăng ký bán đấu giá toàn bộ 1,3 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư An Phát.
Vinatex đăng ký bán đấu giá toàn bộ 1,3 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư An Phát.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)

Vietnam Airlines cho biết, ngày 2/12 tới đây sẽ tiếp tục chào bán cổ phiếu tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) ra công chúng, tiếp tục lộ trình thoái toàn bộ vốn ngoài ngành của Tổng công ty. Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo đấu giá bán trái phiếu chuyển đổi và cổ phiếu của Ngân hàng Techcombank do Vietnam Airlines nắm giữ.

Theo Vietnam Airlines, sau khi chào bán lần 1 vào ngày 26/9, Vietnam Airlines đã bán hết toàn bộ 827.847 trái phiếu chuyển đổi Techcombank. Đây là loại trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, kỳ hạn 10 năm với giá khởi điểm là 132.700 đồng/trái phiếu. 

Trong ngày 2/12 tới Vietnam Airlines tiếp tục thực hiện chào bán lần hai toàn bộ số lượng 24.033.426 cổ phiếu do Vietnam Airlines sở hữu tại Techcombank để kết thúc việc thoái vốn tại ngân hàng này với giá khởi điểm là 12.100 đồng/cổ phiếu.

Việc rút toàn bộ phần vốn khỏi Techcombank là một phần trong lộ trình thoái vốn ngoài ngành của Vietnam Airlines.
Việc rút toàn bộ phần vốn khỏi Techcombank là một phần trong lộ trình thoái vốn ngoài ngành của Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines là một trong những cổ đông sáng lập của Techcombank, với tỷ lệ nắm giữ ban đầu đến gần 20% vốn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2011 đến nay, Vietnam Airlines chỉ còn nắm giữ 2,7% vốn điều lệ của Techcombank, tương đương hơn 24 triệu cổ phiếu.

Cũng trong lộ trình thoái vốn ngoài ngành của một số doanh nghiệp ( DN) nhà nước khác, việc thực hiện đang gặp nhiều khó khăn và tiến hành một cách ì ạch. Cụ thể: Tổng công ty Thép đặt kế hoạch 2 bước để đến năm 2015 hoàn thành thoái vốn tại 7 DN, nhưng mới hoàn thành được 2 DN. Tập đoàn Cao su Việt Nam phải thoái vốn tại 23 DN nhưng mới thoái vốn từng phần tại 2 DN, sáp nhập 2 DN. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam dự kiến đến năm 2015 sẽ phải thoái vốn đầu tư tại 37 DN, mới thoái vốn tại 6 DN, đang làm thủ tục để thoái vốn tại 8 DN khác...

LIỄU PHẠM (TỔNG HỢP)