Điểm nóng ngành Y: Tai biến y khoa, nạn phong bì lót tay, quá tải...

09/11/2013 08:39
Ngọc Quang
(GDVN) - Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Tinh thần thái độ và y đức của cán bộ y tế chậm cải thiện đã tạo tâm lý lo ngại đối với người tham gia BHYT và BHXH”.
Bà Trương Thị Mai đưa ra nhận định này sau khi thực hiện giám sát chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012.
Theo kết quả giám sát của UBTVQH, qua gần 4.500 lượt kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT đã phát hiện nhiều sai phạm, đặc biệt là việc lạm dụng thuốc, lạm dụng xét nghiệm và đã yêu cầu xuất toán 149 tỷ đồng, một số trường hợp vi phạm pháp luật đã bị xem xét xử lý hình sự.
Một số địa phương đã xử lý những trường hợp vi phạm nghiêm trọng như tại thành phố Hồ Chí Minh (vụ việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã được đưa ra xử tại tòa án), Kiên Giang (vụ vi phạm về BHYT tại 8 bệnh viện đã xử lý kỷ luật 7 cán bộ y tế, chuyển cơ quan điều tra vụ việc liên quan tới 3 cán bộ, thu hồi nộp ngân sách trên 192 triệu đồng), Điện Biên (thanh tra trên 200 đơn vị sử dụng lao động và gần 70 cơ sở KCB, đã xử lý kỷ luật 1 bác sỹ và thu hồi gần 270 triệu đồng cho quỹ BHYT)...

Tuy nhiên, những trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT lại chưa được Bộ Y tế, các bộ ngành và UBND các cấp quan tâm xử lý theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, bà Mai nhấn mạnh: “Tinh thần thái độ và y đức của cán bộ y tế chậm cải thiện đã tạo tâm lý lo ngại đối với người tham gia BHYT và BHXH”.

Tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện tuyến trung ương chưa được cải thiện. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện tuyến trung ương chưa được cải thiện. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Đồng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Minh Phương (TP Cần Thơ) cho rằng, hạn chế về chuyên môn, tình trạng chậm cải thiện y đức, thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm và cách ứng xử của một số cán bộ nhân viên y tế đã gây bức xúc cho người dân và dư luận xã hội, đặc biệt một số vụ việc xảy ra gần đây.

"Tai biến y khoa là tai nạn nghề nghiệp không ai mong muốn, nhưng đối với ngành y sai sót này đã là giảm sút lòng tin của nhân dân. Trong lĩnh vực y khoa cần lấy sai xót của một người để làm bài học kinh nghiệm cho nhiều người và cả hệ thống để không mắc phải sai lầm và cẩn trọng hơn trong nghề nghiệp, chứ đừng lấy sai sót mà làm tổn hại đến nền y đức, sự thiêng liêng và uy tín của ngành y, như vậy thực sự không công bằng trong khi còn cả một đội ngũ thầy thuốc chân chính, âm thầm cống hiến cho sự nghiệp y tế nước nhà trong giai đoạn kinh tế còn khó khăn”, ĐB Phương nói. 
Trong khi đó, ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) nhận định, từ chỗ bội chi đến năm 2012 quỹ BHYT đã có kết dư lũy kế gần 13.000 tỷ đồng, tuy nhiên qua giám sát và tiếp xúc cử tri những bức xúc về bảo hiểm y tế luôn là vấn đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm, nổi lên là tình trạng quá tải ở bệnh viện 2-3 người bệnh phải nằm chung 1 giường. Tình trạng công khai minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm còn hạn chế, vấn đề y đức xuống cấp trầm trọng, thủ tục hành chính phiền hà đã trực tiếp đe dọa phá vỡ ý nghĩa nhân văn trong chính sách bảo hiểm y tế của Đảng và nhà nước ta. 
Bên cạnh đó, ĐB Nghĩa cũng chỉ ra một bất cập: “Xã hội hóa y tế là chủ trương lớn mang tính chất nhất quán của Đảng và nhà nước ta. Thời gian qua đã thu hút các nguồn lực xã hội hình thành nhiều bệnh viện tư trong cả nước, trong đó có nhiều bệnh viện được trang bị hiện đại, chất lượng tốt, khá nhiều người dân đến khám, chữa bệnh góp phần giảm tải các bệnh viện công. Tuy bệnh viện tư được tham gia khám, chữa bệnh BHYT chỉ được thanh toán mức kinh phí tương đương bệnh viện công lập hạng 2, bệnh viện tuyến huyện. Từ ngày 1/4/2013 tiền khám bệnh và tiền giường lại chỉ thanh toán tương đương bệnh viện hạng 4 trạm y tế xã. Cho đến nay trên toàn quốc chưa có bệnh viện ngoài công lập nào được xếp hạng gây tâm lý bức xúc cho các nhà đầu tư”.
Còn ĐB Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) thì chỉ ra một khía cạnh khác, về thực tiễn các chi phí gián tiếp của người dân trong khám, chữa bệnh ngày càng có xu hướng tăng cao. Cho dù người bệnh có bảo hiểm y tế hay không thì vẫn phải chi trả những khoản chi phí này như chi phí đi lại, phong bì lót tay; Một số dịch vụ y tế kỹ thuật cao, thuốc đặc trị chưa được đưa vào danh mục thanh toán của BHYT nên người bệnh dù có thẻ BHYT vẫn phải thanh toán khoản chênh lệch này. 
“Xét về ba yếu tố để đảm bảo sự thành công của chính sách bảo hiểm y tế, với yếu tố bao phủ đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhưng còn 2 yếu tố là giảm chi từ tiền túi người bệnh và gói quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT chưa được thực thi đầy đủ. Người dân chưa thấy được quyền lợi giá trị khi tham gia BHYT nên không mặn mà tham gia mà chỉ khi nào ốm đau hoặc mắc bệnh nặng, bệnh nan y cần phải chi phí điều trị cao mới tham gia BHYT”.
Ngọc Quang