Toyota Việt Nam phản hồi vì bị tố “xâm phạm bí mật thư tín”

07/09/2011 06:32
Tư Khương
(GDVN) - "Không nên nặng nề chuyện này, bởi TMV coi email đã cấp cho nhân viên là tài sản của công ty chứ không phải tài sản cá nhân", ông Hưng cho hay.

Ông Trần Quốc Hưng, Tổng trưởng ban Kiểm soát và sản phẩm - Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) cho biết: không nên nặng nề chuyện này, bởi TMV coi email đã cấp cho nhân viên là tài sản của công ty chứ không phải tài sản cá nhân.

Liên quan đến bài viết “Tổng giám đốc Toyota Việt Nam bị tố xâm hại bí mật thư tín” mà báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải trong những ngày qua, ông Trần Quốc Hưng, cho biết: Nội quy lao động của TMV không quy định cụ thể, chi tiết về việc kiểm soát email đã cấp cho nhân viên.

“Theo nhu cầu thực tế, chúng tôi có thể đưa ra các quy định, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật không nhất thiết phải đưa tất cả vào Nội quy lao động của TMV”, ông Hưng nói.

Trong chính sách IT (công nghệ thông tin - PV) của mình, TMV coi email là tài sản cấp cho nhân viên sử dụng vào mục đích công việc; nghiêm cấm sử dụng vào những mục đích khác. Ông Hưng cho biết các quy định về chính sách IT đều được phổ biến rộng rãi tới cán bộ, nhân viên trong công ty, tuy nhiên cũng có nhân viên cố tình không nắm được (?!).

Nhưng khi phóng viên báo chí đặt câu hỏi: “Quy định về việc lãnh đạo TMV có thể vào email của nhân viên và lấy các thông tin trong đó có thể vi phạm Bộ Luật dân sự và Bộ luật Hình sự về xâm phạm bí mật thư tín?”. Ông Trần Quốc Hưng cho rằng không nên nặng nề chuyện này, bởi TMV coi email đã cấp cho nhân viên là tài sản của công ty chứ không phải tài sản cá nhân.

Trong khi đó đại diện pháp lý cho kỹ sư Lê Văn Tạch - luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng luật An Phát Phạm (Hà Nội) - cho biết sau 3 ngày nhận được Đơn hòa giải nếu TMV không tiến hành buổi gặp gỡ, xem xét thì kỹ sư Lê Văn Tạch sẽ xem xét gửi đơn đề nghị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc làm rõ trách nhiệm của Tổng giám đốc TMV và các cá nhân liên quan trong vụ việc “xâm phạm bí mật thư tín” và gây ảnh hưởng tới uy tín cá nhân, hạnh phúc gia đình của người khác.

Luật sư Phất cho biết thêm về việc kiểm soát thư tín của cá nhân chỉ được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Email được TMV cấp cho nhân viên thì nó thuộc quyền quản lý riêng tư và khi nhân viên đó không làm ở TMV nữa thì công ty mới được phép thu hồi, kiểm soát. Việc họ lợi dụng quyền hạn, chức vụ để tự động vào email của kỹ sư Tạch (khi chưa có sự đồng ý của kỹ sư Tạch-PV) để lấy thông tin cá nhân rồi coi đó là bằng chứng để đưa ra hình thức kỷ luật và bêu riếu là vi phạm quy định trong Bộ Luật Dân sự và Bộ luật Hình sự, có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can”, luật sư Phất nói.

Mail nội bộ cũng được bảo vệ bí mật

TS Lê Minh Hùng, giảng viên khoa Luật dân sự (ĐH Luật TP.HCM), cho biết theo Điều 38 BLDS, quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Khoản 3 Điều 38 BLDS nêu rất rõ: “Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Trong trường hợp của kỹ sư Lê Văn Tạch, mặc dù TMV cho rằng địa chỉ email của kỹ sư Tạch do TMV cấp (mail nội bộ) nên phải xem đó là tài sản của công ty nhưng TMV cũng không có quyền xâm phạm nội dung của từng thư điện tử đã gửi hoặc nhận từ hộp thư này, trừ những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định. Tuy nhiên, vì là mail nội bộ nên địa chỉ mail sẽ được thu hồi nếu người lao động chấm dứt làm việc ở công ty đó (khi ấy họ có quyền xóa tất cả những email có trong hộp thư). “Nếu những trình bày của kỹ sư Tạch là đúng thì TMV đã có dấu hiệu vi phạm quyền bí mật thư tín của kỹ sư Tạch. Việc lãnh đạo TMV công bố nội dung thư điện tử trong mail nội bộ của anh Tạch tại cuộc họp mà không được sự đồng ý của anh Tạch cũng là hành vi vi phạm pháp luật dân sự về quyền bí mật đời tư” - TS Lê Minh Hùng nhận định.

Có thể kiện dân sự

Vậy, liệu hành vi của lãnh đạo TMV có thể bị xử lý hình sự như kỹ sư Tạch đang cân nhắc kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét? Thạc sĩ Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự (ĐH Luật TP.HCM), khẳng định ngay là không thể. “Bởi vì theo Điều 125 BLHS, một người chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác khi và chỉ khi trước đó họ đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật về hành vi trên mà còn tiếp tục vi phạm. Ông tổng giám đốc TMV và những người có liên quan chưa ai bị xử phạt hành chính hay xử lý kỷ luật về hành vi này nên không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - ông Tuấn phân tích.

Theo TS Lê Minh Hùng, trong trường hợp này, căn cứ vào quy định tại Điều 25 BLDS về bảo vệ quyền nhân thân, anh Tạch có quyền yêu cầu TMV và các cá nhân có liên quan chấm dứt ngay hành vi vi phạm, yêu cầu phải xin lỗi công khai. Nếu bị từ chối, anh Tạch có thể khởi kiện, yêu cầu tòa án có thẩm quyền buộc TMV và những người có liên quan chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai nếu việc xâm phạm bí mật đời tư đó ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình. 

Trong trường hợp có thiệt hại thực tế xảy ra, anh Tạch có quyền yêu cầu tòa buộc ông tổng giám đốc TMV và những người có liên quan bồi thường.

Theo Pháp luật TPHCM

Tư Khương