"Có người xui thầy bỏ nghề dạy học đi làm ở doanh nghiệp tư nhân"

13/11/2013 07:56
Nguyên Vũ
(GDVN) - Thời gian ở Lóng Sập, tôi được nghe những câu chuyện của thầy cô cắm bản thật buồn. Như chuyện thầy Dũng, quê ở huyện Sông Mã (Sơn La) đã có 13 năm gắn bó với trường, vợ chồng thầy có 1 con trai năm nay 13 tuổi bị bệnh hiểm nghèo, tháng nào cũng phải về Hà Nội chữa bệnh, bao nhiêu tiền nong dành dụm được cũng chỉ đổ vào đứa con yêu dấu. Vất vả là vậy nhưng thầy vẫn không nhụt chí, có người xui thầy bỏ nghề dạy học đi làm ở doanh nghiệp tư nhân của họ, thu nhập khá hơn nhưng thầy từ chối.
Dù sống ở nơi khó khăn đủ thứ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, trời rét 2-3 độ những những đứa trẻ 5-6 tuổi ở bản Buốc Pát xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu ( Sơn La) vẫn chỉ có một bộ quần áo mỏng nhưng những đứa trẻ ấy vẫn hòn nhiên, trong sáng, lúc nào cũng tươi cười.

Và những thầy cô giáo nơi này, có ngày phải đi bộ hàng chục cây số đến điểm trường dạy học, cuộc sống còn nhiều gian khó vẫn tràn đầy nhiệt huyết,  gieo chữ nơi miền sơn cước là thế…
Ngày 20/11 ở nơi không hoa, không quà…

Tháng 11, khi cái lạnh bắt đầu tràn về Mộc Châu, chúng tôi có dịp đến trường tiểu học Lóng Sập để tận mắt thấy được những khó khăn vất vả của giáo viên vùng cao. Điểm trường Buốc Pát nằm cách trung tâm xã Lóng Sập 8 km. Gọi là điểm cho oai chứ thực tế nó chỉ là ngôi nhà trình tường, lợp tấm prô-xi-măng, nằm “tơ hơ” giữa khoảnh đồi, bên con đường dân sinh duy nhất. điểm trường là những ngôi nhà mái prô-xi-măng, nền đất, vách là những tấm bạt ni lông. 

Mỗi lớp ở điểm trường Buốc Pát chỉ có 3-5 học sinh, nên các thầy cô phải dạy ghép, thầy Thành đang giảng bài cho học sinh lớp 3, khí đó lớp 4 lại đang ngồi chờ.
Mỗi lớp ở điểm trường Buốc Pát chỉ có 3-5 học sinh, nên các thầy cô phải dạy ghép,  thầy Thành đang giảng bài cho học sinh lớp 3, khí đó lớp 4 lại đang ngồi chờ. 

Tại nơi này, quanh năm không có điện, mùa đông sương mù dày đặc giăng kín, gió thổi ào ào, lạnh buốt. Các cô giáo ở đây phải dạy cùng lúc 2 lớp trong một phòng học (nói nôm na là dạy lớp ghép), vì mỗi lớp chỉ có 3-5 học sinh, cô giảng bài cho lớp 1 thì lớp 2 lại tập viết, làm toàn và ngược lại.

Bản Buốc Pát có 14 hộ, tất cả đều là dân tộc Mông, sinh sống bằng nghề nương rẫy, chủ yếu là trồng ngô. Nói chung cuộc sống khó khăn. Với 20km đường biên nên tình hình buôn bán ma túy gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân nơi đây. Số người nghiện ở đây lên đến 35% dân số của xã. Nhiều học sinh có bố mẹ mắc nghiện, lại nghèo khiến việc học tập của các em gặp nhiều khó khăn.

Cô giáo Thủy dạy lớp mầm non cho biết, lớp có 6 cháu, từ 3 đến 5 tuổi, hàng ngày cô phải dậy sớm đến từng nhà gọi các em đi học, những ngày mưa gió đi lại rất khó khăn. Thủy năm nay 27 tuổi, nhà ở Phú Thọ, lên Mộc Châu dạy học được 5 năm. Chồng Thủy là lính biên phòng, hiện đang công tác tại 1 đồn biên phòng ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Thủy nhớ nhất là ngày đầu tiên nhận công tác, hăm hở cầm hồ sơ, gấy tờ tới Phòng Giáo dục nhận lệnh điều động, hỏi Buốc Pát ở đâu, một lãnh đạo di ngón tay gầy guộc trên chiếc bản đồ hành chính huyện, chỉ một điểm xa lắc xa lơ rồi nói: Cô sẽ vào chỗ này. 

Sáng, cán bộ xã nhận đưa cô đi chở cô lên chiếc xe máy dã chiến. Xe phụt khói xanh, khói đỏ ọc ạch leo dốc, xé sương và xé gió đi lên. Ngày đó, đường vào điểm trường khó đi lắm, đường đất lầy lội, chỉ có những người lái xe cừ khôi mới dám làm tài xế, còn con gái như cô chỉ có cách cuốc bộ vào điểm trường. Cho nên vào điểm trường là chôn chân ở đó luôn, không dám đi đâu cả, mà biết đi đâu khi bên cạnh chỉ là núi cao và mây mù, chỉ còn cách vui vầy với bọn trẻ. 

Có kinh nghiệm dạy điểm trường nhiều năm, cô giáo Định Thị Ngân, giáo viên  lớp 1 và 2 cho biết,  Buốc Pát là điểm trường khó khăn nhất. Nhà cô Ngân ở thị trấn Mộc Châu, cách trường gần 30 cây, hàng ngày cô phải đến từng nhà để gọi học sinh đến lớp. Các cô giáo, mỗi hôm một người, trước khi đến điểm trường thì rẽ qua đồn biên phòng cửa khẩu (BPCK) Lóng Sập lấy cơm của đồn nấu mang đến trường cho học sinh ăn.

Được biết, từ năm 2013, Ban chỉ huy đồn BPCK Lóng Sập đã tự nguyện hỗ trợ bữa ăn sáng cho học sinh ở điểm trường Buốc Pát. Học sinh từ mầm non đến tiểu học được ăn sáng miễn phí tại trường, Các em đến trường không phải đóng góp gì, sách vở nhà trường mua cho nên các em cũng chăm chỉ đi học. Ngoài giờ lên lớp, nhiều em về giúp gia đình, bẻ ngô, chăm sóc cây, và đi chăn bò...

Những học sinh lớp 4 ngồi chờ các em lớp 3 học trước.
Những học sinh lớp 4 ngồi chờ các em lớp 3 học trước.

Những ngày mưa, đường trơn, các cô giáo đi xe máy rất khó khăn vì đường từ đồn BPCK Lóng Sập đến điểm trường là đường đất, trời mưa các cô lại phải đi bộ hết gần 1 tiếng hoặc nhờ các chiến sĩ biên phòng chở đến trường. Lớp học không có điện, ngầy mưa rét, gió thổi bốn bề, sách vở, giáo án của giáo viên cũng bị ướt hết. Cô giáo đứng ra chắn gió, che mưa cho học sinh.

Cô Ngân là người dân tộc Kinh nhưng dạy học sinh dân tộc Mông, cô phải học thêm tiếng Mông để nói chuyện với các em, khi bảo các con lấy vở lấy sách ra cô cũng phải nói bằng tiếng Mông, có khi nói bằng tiếng Kinh các em không hiểu. “Hàng ngày những gì mình hay nói nhất thì mình phải học để nói với các em học sinh”, cô Ngân cho biết.

Chồng cũng làm ở đồn BPCK Lóng Sập, lại làm trong đội phòng chống ma túy nên cũng đi công tác liên miên, 2 con của cô Ngân, lớn học lớp 10, nhỏ học lớp 1, hàng ngày chị đưa em đến nhà cô giáo học thêm rồi đi học luôn, trưa về nhà tự nấu ăn, đón em về ăn và chiều đưa em đến trường học. Quê ngoại ở Chiềng ve, Mộc Châu, quê chồng ở Thái Bình, một năm cả nhà về quê chồng được 1 lần. 

Trường tiểu học Lóng Sập nằm ngay ở trung tâm xã Lóng Sập, vừa được đầu tư xây lại nên cơ sở vật chất cũng tạm ổn. Hôm chúng tôi đến đúng vào ngày nhà trường tổ chức Đại hội công nhân viên chức, tất cả các thầy cô giáo được về trường, mang tiếng là dạy cùng xã nhưng chi những dịp họp hành, đại hội họ mới có điều kiện gặp gỡ nhau. Bữa cơm trưa ở trường với các cô giáo thật ấm cúng, các thầy cô giáo tự vào bếp làm bữa ăn liên hoan nhân ngày đại hội công nhân viên chức. Cơm có thịt lợn rừng, có rau rừng, xôi nếp nương và canh khoai môn- thứ khoai đặc sản cuả Môc Châu.

Cô giáo Huệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lóng Sập kể: “Bọn mình ở trên này buồn lắm, chỉ có những ngày này mới dược gần gũi nhau nên mọi người rất vui, mọi người ăn uống rồi cùng nhau hát, đến mai lại tiếp tục công viêc, lại đi bộ đến từng nhà gọi bọn trẻ đến diểm trường, cho chúng ăn rồi dạy học”. 

Ngày 20/11 của các cô giáo vùng cao nơi này cũng không có hoa, không có quà, không có phong bì như giáo viên miền xuôi, chỉ có lời ca tiếng hát và những lời động viên chân thành cùng nhau phấn đấu, cùng nhau vươn lên vượt khó vì sự nghiệp trồng người. 
Dù khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó với nghề

Thời gian ở Lóng Sập, tôi được nghe những câu chuyện của thầy cô cắm bản thật buồn. Như chuyện thầy Dũng, quê ở huyện Sông Mã (Sơn La) đã có 13 năm gắn bó với trường, vợ chồng thầy có 1 con trai năm nay 13 tuổi bị bệnh hiểm nghèo, tháng nào cũng phải về Hà Nội chữa bệnh, bao nhiêu tiền nong dành dụm được cũng chỉ đổ vào đứa con yêu dấu. Vất vả là vậy nhưng thầy vẫn không nhụt chí, có người xui thầy bỏ nghề dạy học đi làm ở doanh nghiệp tư nhân của họ, thu nhập khá hơn nhưng thầy từ chối. 

Điểm trường chỉ là ngôi nhà cấp bốn nhỏ nhắn, đường vào đây đi bằng xe máy rất khó khăn.
Điểm trường chỉ là ngôi nhà cấp bốn nhỏ nhắn, đường vào đây đi bằng xe máy rất khó khăn.

Thầy giáo Lê XuânThành quê ở Thanh Hóa có 15 năm kinh nghiệm dạy ở vùng cao cho biết những khó khăn khi dạy ở điểm trường: Điểm trường Buốc Pát được nhà văn hóa cho mượn, học sinh sinh ra trong những gia đình nghèo, giáo viên sáng nào cũng đến mời gọi học sinh đến lớp. Phần lớn các em học 1 buổi, 1 buổi về nhà giúp gia đình, nên nếu hôm trước kiếm chưa đủ ăn thì hôm sau các em không đi học. Trình độ học sinh không cao nên tiếp thu cũng không nhanh. Thầy vẫn phải dạy 2 thứ tiếng: tiếng Mông và tiếng Kinh cho các em. Ngoài ra 1 tuần thầy Thành phải dành 2 buổi chiều để phụ đạo thêm cho các em tại lớp.

Thầy Thành mong muốn nhà trường sớm có điểm dạy ổn định, tốt hơn để mùa rét các em đi học không bị rét, mong muốn những hộ nghèo ở bản được nhà nước hỗ trợ để con họ không phải làm thuê nữa, các em được đến lớp đầy đủ mà không bận tâm nhiều đến việc kiếm ăn.  

Đáp lại công lao của thầy cô giáo, học sinh ở bản Buốc Pát cũng rất thương thầy cô mà đến lớp đầy đủ. Dù hoàn cảnh khó khăn các em cũng cố gắng dến lớp. Có em cả bố và mẹ đều ở trại cải tạo, phải ở với bà nhưng vẫn không bỏ học buổi nào. 15 năm gắn bó với học trò xã Lóng Sập, nhìn nhưng em học sinh chăm chỉ học tập và tiến bộ dần lên, thầy Thành không còn ý định trở về quê nữa. 

Niềm vui và động lực lớn nhất để thầy Thành và đồng nghiệp không ngại khó khăn tiếp tục “chở” những con chữ đi xa hơn khi thấy sự tin tưởng của bà con dân bản, niềm vinh dự khi các em học sinh được lên tỉnh tiếp tục học tập để về cống hiến cho quê hương. 

Mấy năm gần đây, nhà nước cũng đã chú trọng đầu tư cho giáo dục, chính sách đối giáo viên dạy học vùng cao, ngoài lương cũng được hỗ trợ thêm tiền phụ cấp khu vực, nên đời sống cũng đỡ vất vả hơn nhiều nhưng để sánh kịp với miền xuôi, các thầy co giáo vùng cao vẫn rất cần sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa của nhiều ngành chức năng. 
Nguyên Vũ