“Không lạc quan về môi trường làm việc của giới trí thức hiện nay”

15/11/2013 06:57
Xuân Trung
(GDVN) - Một trong những nội dung đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo là xác định mục tiêu cho từng cấp học, trong đó bậc đại học cấp thiết phải tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao…
Tuy nhiên, mục tiêu là vậy nhưng để thực hiện còn rất nhiều khó khăn phía  trước mà đòi hỏi không chỉ ngành giáo dục mà cả xã hội cùng chung tay xây dựng. Với một quan điểm riêng về hướng phát triển bậc đại học, ông Trần Đức Cảnh - thành viên sáng lập Trường ĐH Phan Châu Trinh, đồng thời là người có kinh nghiệm trong việc tuyển sinh cho trường đại học Havard (Mỹ) đã lo rằng, chúng ta hiện nay có nhiều người được đào tạo bài bản từ nước ngoài về làm việc, phần lớn đều tha thán về môi trường và điều kiện, và một số đã bỏ đi. Và ông Cảnh cũng nhấn mạnh, đối với người trí thức, môi trường tự do, thông thoáng, sáng tạo và điều kiện làm việc hợp lý là điều tối cần.  

Xác lập lại cấu trúc các trường đại học

PV: Thưa ông Trần Đức Cảnh, vừa qua Trung ương đã ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, trong đó có xác định mục tiêu cho giáo dục đại học là phải: Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia; trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Mục tiêu rất rõ ràng nhưng để đạt được ta cần có điều kiện gì thưa ông? 

Ông Trần Đức Cảnh: Nếu theo mô hình của các nước tiên tiến thì việc tái cấu trúc mô hình đại học, cao đẳng nước ta là điều nên làm. Theo tôi việc tái cấu trúc, tổ chức nên chia ra thành các nhóm trường như sau:

Nhóm A: Phân loại khoảng 10 ĐH công lớn trong nước thành ĐH nghiên cứu (research university), làm cả hai công tác nghiên cứu và giảng dạy, các ĐH nằm ở các vùng trung tâm, có điều kiện thuận lợi như Cần Thơ, Tp.HCM, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Hải Phòng. ĐH nghiên cứu không nhất thiết là tất cả các ngành học đều tham gia nghiên cứu, mà nên tập trung vào lĩnh vực có thế mạnh, ví dụ như ĐH Nha Trang có thể kết hợp với Viện Hải Dương Học nghiên cứu sâu về biển và ngành hải sản, ĐH Cần Thơ đã có lợi thế về nông nghiệp và công nghiệp chế biến, ĐH Đà Lạt kết hợp với Viện Cây cảnh ĐL...  
Ông Trần Đức Cảnh từng có nhiều năm gắn bó với công tác giáo dục tại nước ngoài.
Ông Trần Đức Cảnh từng có nhiều năm gắn bó với công tác giáo dục tại nước ngoài.

Đã có phương án đầu tư nâng cấp số 2-4 ĐH lớn trong nước để ngang tầm với khu vực và quốc tế, như Thái Lan hiện nay có 3 trong số 100 trường hàng đầu của Á Châu và 2 trong 300 trường hàng đầu của thế giới; nhưng theo tôi cách nhanh và ít tốn kém nhất là đầu tư phát triển ngành mũi nhọn, khai thác có lợi thế có sẵn của một số trường ĐH nghiên cứu, từ đó sẽ kéo theo và san bằng dần sự khác biệt của các ngành khác cùng trường. 

Nhóm B: Các ĐH công (cấp vùng và tỉnh) còn lại, nhiệm vụ chính là giảng dạy, và phát triển các ngành mang tính quản lý, công nghệ ứng dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành nghề cấp vùng hay địa phương.

Nhóm C: Các trường CĐ thì nên rút ngắn thời gian từ 3 năm xuống 2 năm, tập trung vào 2 chức năng: chương trình tương đương 2 năm đầu ĐH và đào tạo nghành nghề thích ứng với nhu cầu nhân lực của địa phương.   

Nhóm D: Hệ thống trường ĐH, CĐ ngoài công lập, dù còn non trẻ, nhưng là tác nhân của sự linh hoạt, sáng tạo và cập nhật, thiếu vắng trong các trường công lập. Tuy nhiên, nhóm này cần sự đối xử công bình từ phía nhà nước trong các chính sách giáo dục và đào tạo. Mặt khác, Bộ GD nên quản lý nhóm này theo mặt định hướng và chính sách chứ không xen sâu vào việc quản lý của các trường. Nếu có được môi trường và điều kiện hoạt động tốt, nhóm này sẽ phát triển rất nhanh và đóng vai trò quan trọng trong giáo dục đại học tương lai.
Nhóm E: Ngoài ta các trường ĐH nước ngoài đầu tư vào trong nước là những nhân tố tích cực cho nền giáo dục nước nhà, mô hình  các đại học tiên tiến sẽ giúp các trường trong nước phát huy, nên có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các trường bất vụ lợi, đa ngành, nặng về nghiên cứu và mang tính đầu tư lâu dài. 
Dưới đây là mô hình phát triển nguồn nhân lực trong chu kỳ 20 năm. Con số của năm 2013 theo thống kê, nhưng số của 2033 mang tính giả định. Nhưng đây là mô hình lý tưởng nếu kế hoạch nguồn nhân lực nước ta có thể đạt được trong 20 năm tới, có nền công nghiệp tiên tiến, nhưng đòi hỏi phải tập trung đầu tư.
 
                            Mô Hình Phát Triển Nguồn Nhân Lực (2013 – 2033)
  
Nguồn lao động (tuổi từ 15 – 50+): 52.851.300 người Nguồn lao động (15 – 50+), ước tính 62.500.000 người
Nguồn lao động (tuổi từ 15 – 50+): 52.851.300 người     Nguồn lao động (15 – 50+), ước tính 62.500.000 người

Để tận dụng nguồn nhân lực có chuyên môn cao cho ngành giáo dục, đòi hỏi ít nhất 80% số tiến sĩ, 20% có chuyên môn cao (Bác sĩ, Nha, Dược, Luật..) và 10% số Thạc sĩ của cả nước tham gia vào công tác giảng dạy ĐH và CĐ, tới thời điểm năm 2033.  

PV: Có quan điểm cho rằng, việc phát triển giáo dục đại học không thể không chú trọng tới việc xác định lại cấu trúc các trường ĐH, CĐ để làm thế nào để cụ thể hóa, kết hợp với các trung tâm nghiên cứu làm cho quá trình đào tạo được hiệu quả hơn, ông bình luận gì về ý kiến này?

Ông Trần Đức Cảnh: Cấu trúc mô hình trung tâm nghiên cứu, một số trường ĐH, CĐ chuyên ngành hiện nay, phần lớn vẫn còn theo mô hình cũ. Theo mô hình ĐH các nước tiên tiến thì phải có sự tập hợp, hay liên kết chặc chẽ giữa các trung tâm nghiên cứu và trường ĐH, nếu không thì sẽ phân tán nguồn nhân lực cần thiết cho việc nghiên cứu và giảng dạy hiệu quả, tạo cơ hội cho sinh viên học và nghiên cứu, điều này càng đúng khi nguồn lực nghiên cứu và giảng dạy ở nước ta vừa thiếu vừa yếu. 

Ở Mỹ hầu hết các chương trình, trung tâm đều nằm trong các ĐH nghiên cứu; các giáo sư vừa làm nghiên cứu vừa giảng dạy và hướng dẫn Nghiên cứu sinh. Có rất ít các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng nằm dưới các Bộ, ví dụ: Trung tâm Nguyên tử Los Almos, thuộc Bộ năng lượng, hay Viện Nghiên Cứu Y tế thuộc Bộ Y tế và Xã hội... vì lý do an ninh và tính bảo mật.

Theo tôi không những đưa phần lớn các trung tâm nghiên cứu khoa học và xã hội hiện nay vào các ĐH, mà cũng cần tập hợp một số các ĐH công lại với nhau. ĐH đa ngành UCLA có 11 trường (school hay college), 109 khoa (department) và 125 ngành học (major) cho 42 ngàn sinh viên (cử nhân, Thạc sĩ và tiến sĩ), tương tự ĐH Yale có 13 trường cho 12 ngàn sinh viên. Lợi thế là tập hợp và hiệu quả nguồn lực giảng dạy, nghiên cứu và học tập, cùng với môi trường sống, sinh hoạt linh động và đa dạng cho sinh viên.  

Sinh viên có cơ hội lấy các môn ngoài ngành cùng một trường, với các Giáo sư, Giảng viên chuyên ngành, thay vì chấp vá như một số trường trong nước hiện nay. Các ĐH lớn của Mỹ đều tổ chức theo mô hình đa ngành, vì nó vừa hiệu quả trong quản lý điều hành sử dụng tốt nhân vật lực. Nếu đem so sánh với mô hình này thì các ĐH công cả nước giảm xuống còn khoảng 50 trường, và hai thành phố lớn còn lại chừng 8 trường là đủ. 

Cấu trúc các trường đại học cần xác lập lại theo hướng tinh giảm. Ảnh minh họa Vietnamnet
Cấu trúc các trường đại học cần xác lập lại theo hướng tinh giảm. Ảnh minh họa Vietnamnet

Các ĐH dân lập phần lớn đang phát triển theo hướng đa ngành, tự họ có thể sắp xếp chương trình và kế hoạch nguồn lực để tồn tại và phát triển. Nếu không thì sẽ bị đào thải theo luật vận hành của cơ chế thị trường.

Không lạc quan về môi trường làm việc trong nước

PV: Quá trình đổi mới giáo dục đại học cũng đặt mục tiêu tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Như vậy để phát triển năng lực người học, phát huy tính sáng tạo thì theo ông, chúng ta phải đổi mới quá trình đào tạo theo hướng nào?

Ông Trần Đức Cảnh: Thế giới hiện nay đã bước vào nền kinh tế trí thức, nhưng kinh tế nước ta còn nặng về nông nghiệp thuần túy, khai thác tài nguyên khoáng sản, và lao động gia công. Chỉ có thực thi chính sách và kế hoạch công nghiệp hóa hiệu quả thì mới mong vực dậy nền kinh tế nước ta trong thế kỷ 21. Vai trò của giới trí thức lẽ ra phải rất lớn trong công cuộc công nghiệp hóa đất nước, nhưng số không nhỏ hình như vẫn còn đang đứng bên lề.  

Thú thực tôi không lạc quan lắm trong môi trường làm việc để phát huy sáng tạo của giới trí thức trong nước hiện nay, nhiều người được đào tạo bài bản từ nước ngoài về làm việc, phần lớn đều tha thán về môi trường và điều kiện, và một số đã bỏ đi. Đối với người trí thức, môi trường tự do, thông thoáng, sáng tạo và điều kiện làm việc hợp lý là điều tối cần. 

Theo ước tính, chỉ có khoảng 10.000 (40%) trong số +/-25.000 Tiến sĩ trên cả nước tham gia giảng dạy, phần lớn còn lại làm công tác chuyên môn, quản lý tại các cơ quan nhà nước. Nếu như đa số họ được đào tạo chương trình Tiến sĩ bài bản thì đây hẵn là một nghịch lý và phí phạm lớn, vì mục đích đào tạo Tiến sĩ là để làm nghiên cứu và giảng dạy, chứ không phải làm quản lý. 
 
PV: Hiện nay số lượng các trường ĐH, CĐ đang có tốc độ tăng nhanh chóng ở các địa phương, hầu như tỉnh nào cũng muốn có một trường ĐH để tạo nguồn nhân lực ở địa phương theo tiêu chí, nguồn nhân lực là 1 trong 3 trụ cột xây dựng, phát triển kinh tế (vốn, đất đai, con người) cho mỗi tỉnh, mỗi vùng, cả nước. Là người có nhiều năm kinh nghiệm làm giáo dục ở nước ngoài, theo ông chúng ta có cần thiết phải xây dựng nhiều trường ở địa phương tới mức vậy không?

Ông Trần Đức Cảnh: Theo thống kê thì cả nước hiện có 424 trường ĐH và CĐ, và số sinh viên 2.179.000. Tỷ lệ số trường tăng 108% và số sinh viên tăng 113% trong vòng một thập niên qua, mức tăng kỷ lục này đã tạo ra hiên tượng “growing pains”, ví như một người ở tuổi vị thành niên cao lớn nhanh hay bị đau chân, khớp xương đầu gối, nhưng trong trường hợp này gần như phải dùng nạng mới đi được. 

Việc cho phép thành lập mạng lưới trường cao đẳng ở 60/63 tỉnh, thành phố là phù hợp, nhưng với số lượng trường CĐ tăng nhanh (214 trường), kèm theo sự cho phép nâng cấp các trường CĐ lên ĐH công và mở thêm nhiều trường ĐH ngoài công lập tại các địa phương, trong khi nguồn lực giảng dạy tại chỗ còn quá hạn hẹp. Tình trạng giáo sư “bay”, thỉnh giảng tràn lan, làm mất cân đối cả hệ thống giáo dục, cùng với các vấn đề mang tính hệ thống khiến chất lượng đào tạo sinh viên xuống cấp trầm trọng.  

Lẽ ra thì chỉ cho phép mở trường CĐ ở một số tỉnh, nâng cấp hay cho mở thêm ĐH chỉ khi nào địa phương có nhu cầu và đủ điều kiện nguồn nhân, vật lực. Phần lớn nhu cầu nhân lực tại nhiều tỉnh, địa phương hiện nay chỉ cần đào tạo đến bậc CĐ. Nhu cầu đào tạo ĐH ở cấp vùng là đủ.

Để tập trung hiệu quả nguồn lực giáo dục để phát triển, cũng nên xem xét các trường ĐH, CĐ công nằm rãi rác ở các Bộ ngành, có thể tập trung nằm dưới Bộ GD & ĐT, đặc biệt là CĐ nghề hiện nay dưới sự quản lý của Bộ LĐTB & XH. Thực ra CĐ nghề chỉ là một hệ của trường CĐ như đã đề cập ở phần trên.    
Bình thường thì việc làm kế hoạch phát triển nguồn nhân lực là điều không khó, nhưng để cho có kết quả thiết thực, ẩn số lớn nhất là còn tùy thuộc vào mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, và kết quả phát triển đất nước trong thời gian tới. 
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
Xuân Trung