Mỹ sẽ tạo điều kiện nhiều hơn để tranh thầu với TQ ở Thổ Nhĩ Kỳ

16/11/2013 09:11
Việt Dũng
(GDVN) - Nhà cung cấp và Chính phủ Mỹ đang thảo luận cung cấp điều kiện ưu đãi hơn, cho phép hợp tác sản xuất tên lửa với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tên lửa phòng không HQ-9 Trung Quốc
Tên lửa phòng không HQ-9 Trung Quốc

Có 2 nguồn tin tin cậy ngày 12 tháng 11 tiết lộ, các nhà sản xuất vũ khí Mỹ gồm Công ty Raytheon và Công ty Lockheed Martin đang cân nhắc cung cấp điều kiện ưu đãi hơn để tranh lấy hợp đồng tên lửa phòng không Thổ Nhĩ Kỳ với các doanh nghiệp của Trung Quốc và châu Âu.

Một nguồn tin nói với phóng viên hãng Reuters rằng, hai doanh nghiệp này đang thảo luận sơ bộ với Chính phủ Mỹ về việc làm thế nào để sửa đổi điều kiện tranh thầu, từ đó tăng cường sức cạnh tranh của Mỹ. Một nguồn tin khác xác nhận, các cuộc thảo luận nội bộ đang được tiến hành.

Hai nguồn tin nay cho biết, phương án đang xem xét của hãng Raytheon và Lockheed Martin sẽ toàn diện hơn, có thể tăng cường năng lực cho Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn. Phương án này gồm có hai bên hợp tác sản xuất. Ngoài ra, phía Mỹ cân nhắc phải chăng đổi tên lửa sử dụng hệ thống Patriot. Phía Mỹ còn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo
Tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo

Công ty Raytheon và Lockheed Martin lấy hệ thống Patriot để tranh hợp đồng hệ thống tên lửa phòng không Thổ Nhĩ Kỳ với các doanh nghiệp của Trung Quốc, châu Âu và Nga. Hệ thống tên lửa phòng không FD-2000 (phiên bản xuất khẩu của HQ-9) Trung Quốc đã được Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố trúng thầu vào tháng 9 năm 2013. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, điều kiện tranh thầu của Trung Quốc có sức cạnh tranh nhất.

Nhưng cuối tháng 10 năm 2013, Cục công nghiệp quốc phòng của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định kéo dài hoạt động đấu thầu mua hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và xa đến ngày 31 tháng 1 năm 2014.

Hành động này có nghĩa là cơ quan này của Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi bỏ quyết định mua hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc đưa ra vào ngày 26 tháng 9 năm 2013, đồng thời hoạt động đấu thầu sẽ được tổ chức lại.

Theo bài báo, Cục công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ chính thức gửi thư cho 3 doanh nghiệp tham gia tranh thầu, tuyên bố sẽ kéo dài thời hạn đấu thầu để các bên có thể đưa ra phương án đấu thầu mới. Tên lửa HQ-9 của Công ty xuất nhập khẩu cơ khí chính xác Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai cuộc cạnh tranh quyết liệt với tên lửa Patriot của Mỹ và Aster 30 của châu Âu. Trong khi đó, phía Nga sẽ không còn tiếp tục tham gia đấu thầu lần này.

Tên lửa phòng không Aster 30 châu Âu
Tên lửa phòng không Aster 30 châu Âu

Chính phủ Mỹ đã nhiều lần gây sức ép, buộc Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra quyết định lại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tháng trước cho rằng, "Chính phủ Trung Quốc luôn có thái độ thận trọng, có trách nhiệm". Việc xuất khẩu vũ khí của họ tuân thủ nguyên tắc không gây tổn hại đến hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và thế giới, không can thiệp công việc nội bộ của nước tiếp nhận, tuân thủ chặt chẽ nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc.

Theo bài báo, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hãng Reuters bình luận, Mỹ coi Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác quan trọng ở khu vực Trung Đông, hai nước có lợi ích chung trong các lĩnh vực như an ninh năng lượng, chống khủng bố. Nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ muốn tìm kiếm vị thế độc lập hơn trong các vấn đề toàn cầu, không muốn Mỹ bảo gì nghe nấy.

Tên lửa phòng không S-300VM Nga sẽ không còn tiếp tục tranh thầu ở Thổ Nhĩ Kỳ
Tên lửa phòng không S-300VM Nga sẽ không còn tiếp tục tranh thầu ở Thổ Nhĩ Kỳ
Việt Dũng