TQ lo mua tên lửa S-400 Nga không đối phó được máy bay Mỹ

15/11/2013 09:56
Đông Bình
(GDVN) - Bài báo lộ rõ sơ hở về năng lực phòng không của Trung Quốc khi đối phó với các chiến đấu cơ tàng hình Mỹ, nhưng nghi ngờ năng lực của tê lửa S-400 Nga.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22A Raptor Mỹ tiếp dầu trên không
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22A Raptor Mỹ tiếp dầu trên không

Hiện nay, có phương tiện truyền thông Nga cho rằng, dưới sự dẫn dắt của chiến lược "quay trở lại châu Á", quân Mỹ dồn dập triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-22A ở các căn cứ như Okinawa, Guam, hệ thống phòng không hiện có của Trung Quốc không thể tiến hành đánh chặn, vì vậy Trung Quốc có ý định mua tên lửa phòng không S-400.

Tên lửa phòng không S-400
Tên lửa phòng không S-400


Nhưng, báo Hoàn Cầu của TQ đã đặt câu hỏi: Sự thực rốt cuộc như thế nào? Trung Quốc có thực sự cần đến tên lửa S-400 không? Mấy năm gần đây, chủ đề mua bán vũ khí giữa Trung-Nga luôn được truyền thông và dư luận quan tâm theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là khi liên quan đến việc Trung Quốc có mua sắm vũ khí mới của Nga hay không.

Trước đây, về vấn đề này, dư luận đã sôi nổi bàn đến khả năng Trung Quốc nhập khẩu máy bay ném bom Tu-22, động cơ 117S, thì nay dư luận cũng bàn luận đến chủ đề này thông qua khả năng Trung Quốc mua tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Hiện nay, dư luận phổ biến cho rằng, hệ thống tên lửa S-400 đã có năng lực tác chiến chống tàng hình, nhưng thực chất, điều mà dư luận đề cập đến chính là hệ thống radar thụ động được trang bị song song với hệ thống vũ khí S-400.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Nga
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Nga

Căn cứ vào các tài liệu công khai, độ phản xạ hiệu dụng RCS của máy bay chiến đấu F-22A Mỹ ở mức 0,001 m2, điều này có nghĩa là radar chỉ có khoảng cách dò tìm 30-40 km đối với máy bay chiến đấu F-22A, trong khi đối với máy bay thông thường thì khoảng cách này có thể đạt 300 km. Trên thực tế, khoảng cách này đã không có giá trị tác chiến gì.

Thiết bị cảm biến cốt lõi của hệ thống phòng không hiện đại có nền tảng là radar, trong khi công nghệ radar lại không có sự nhảy vọt mang tính bản chất. Vì vậy, trong điều kiện không có loại thiết bị cảm biến khác có tính năng tốt hơn, năng lực chống tàng hình của hệ thống phòng không vẫn là vấn đề nan giải thường gặp của các nước trên thế giới, Mỹ và Nga cũng không ngoại lệ.

Như vậy, Trung Quốc có thực sự cần đến tên lửa S-400? Trước hết, S-400 thực chất chỉ là phiên bản nâng cấp của S-300, dư luận nghi ngờ, tính năng của bản thân tên lửa S-400 đã bị "thổi phồng".

Thứ hai, thực lực quốc phòng của Trung Quốc đã khác trước đây, đã tích lũy được kinh nghiệm nhất định trên phương diện nghiên cứu chế tạo tên lửa phòng không, trước khi Nga đưa ra quyết định cuối cùng có cung cấp tên lửa S-400 cho Trung Quốc hay không, Trung Quốc cũng có thể sẽ tìm được sự lựa chọn tốt hơn khác.

Bài báo nhắc lại: Cuối cùng, so với tên lửa S-300, năng lực chống tàng hình của tên lửa S-400 hoàn toàn không được tăng cường rõ rệt. Vì vậy, Trung Quốc có thực sự cần tên lửa S-400 không?

Tên lửa phòng không S-300PMU1, Trung Quốc mua của Nga
Tên lửa phòng không S-300PMU1, Trung Quốc mua của Nga
Đông Bình