Đến năm 2015, 100% cơ quan nhà nước dùng hàng Việt

15/11/2013 13:56
Hồng Minh
(GDVN) - Theo ông Trần Bá Trình - Phó Chủ tịch T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến năm 2015 sẽ có 100% cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước ưu tiên mua sắm hàng Việt. 90% cơ sở kinh doanh thương mại bán hàng niêm yết giá, nguồn gốc, 90% địa bàn nông thôn, miền núi có cửa hàng bán hàng thuần Việt…
Sáng nay 15/11, tại Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Thứ trưởng Trần Đức Lai đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương trong công tác tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam"
Toàn cảnh Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam"

Nêu bật ý nghĩa Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Đức Lai cho biết việc đưa ra cuộc vận động không phải là chủ trương bảo hộ mậu dịch trong nước mà đây là biện pháp kích cầu tiêu dùng nhằm ra tăng sức mạnh cho nền kinh tế đất nước. Bằng cách tổ chức cho nhân dân tự động tự giác thay đổi nhận thức, xây dựng thái độ tiêu dùng của mình.

“Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” là biện pháp nhằm tái cấu trúc nền kinh tế giảm bớt tính hường ngoại và làm cho doanh nhân, doanh nghiệp có động lực trong sản xuất phân phối hàng Việt trong nước. Cuộc vận động cũng nhằm xóa đi quan niệm hàng tốt chỉ dành cho xuất khẩu, hàng xấu, hàng loại 2 bán trong nước”, Thứ trưởng Trần Đức Lai nhấn mạnh.

Với ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, theo Thứ trưởng Trần Đức Lai trong hơn 3 năm qua các cơ quan báo đài trung ương và địa phương đã thực hiện đúng nội dung chỉ thị của Thủ tướng trong việc xây dựng chương trình, quảng bá hàng hóa Việt Nam, phản ánh kịp thời khách quan tình hình cuộc vận động.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trần Đức Lai nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền cuộc vận động "Người Việt nam dùng hàng Việt Nam"
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trần Đức Lai nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền cuộc vận động "Người Việt nam dùng hàng Việt Nam"

Đánh giá thành công trong công tác tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” của các cơ quan báo chí, Thứ trưởng Lai cho rằng, thứ nhất các cơ quan báo đài đã vào cuộc nhanh thực hiện tuyên truyền cuộc vận động tốt giúp thay đổi nhận thức của người dân. Thứ hai cơ quan báo chí đã thực hiện tuyên truyền các nhân tố mới trong sản xuất trong lưu thông tạo bài học giao dục tốt.  

Cũng lưu ý về những tồn tại chung của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền cuộc vận động, Thứ trưởng Lai cho biết, nhiều báo đài đã đưa tin sai sự thật, thể hiện trong việc quảng cáo không đúng sự thật, không đúng chất lượng sản phẩm hàng hóa. Thứ hai nhiều cơ quan báo đài đưa tin phê phán sai phạm của doanh nghiệp một cách chì chiết, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp. Thứ ba đưa thông tin không xác định rõ nguồn tin gây hoang mang người tiêu dùng…

Cũng tại hội nghị, ông Trần Bá Trình - Trưởng ban thường trực Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, Phó Chủ tịch Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã báo cáo tổng quan công tác chỉ đạo cuộc vận động và kết quả sau 3 năm thực hiện cuộc vận động.

Theo đó sau 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, đã có 71% người tiêu dùng trong nước tin vào hàng Việt, năm 2011 Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cũng đưa ra thống kê cho biết hiện có đến 90% người tiêu dùng tại TP.HCM được hỏi cho biết sẽ lựa chọn hàng Việt, con số đó ở Hà Nội là 83%. Có đến 59% người Việt cho rằng họ hài lòng với chất lượng sản phẩm của hàng Việt.

Đưa ra mục tiêu đến năm 2015, ông Trần Bá Trình cho biết Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” hướng đến việc sẽ có 100% cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước ưu tiên mua sắm hàng Việt. 90% cơ sở kinh doanh thương mại bán hàng niêm yết giá, nguồn gốc, 90% địa bàn nông thôn, miền núi có cửa hàng bán hàng thuần Việt…

Trong khi đó đại diện Bộ Công thương bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh các doanh nghiệp trong nước cần chú trọng hơn nữa thị trường nội địa, chiếm lĩnh thị trường nội địa trước sự xâm nhập ồ ạt của hàng hóa nước ngoài trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay.
Hồng Minh