Kinh doanh sụt giảm, sẽ có ngân hàng thưởng Tết... tượng trưng

16/11/2013 09:42
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo dự đoán của các chuyên gia tài chính ngân hàng, với kết quả kinh doanh sụt giảm như hiện nay sẽ có ngân hàng thực hiện việc thưởng tết chỉ mang tính chất tượng trưng.
Có thể nói chưa bao giờ các ngân hàng Việt Nam đồng loạt cắt giảm số lượng nhân sự lớn như hiện nay. Cụ thể NH Á Châu (ACB) giảm hơn 700 nhân viên tính đến quý 3/2013, Eximbank cũng gây “sốc” khi có thông tin NH này sẽ cắt giảm hàng ngàn nhân viên mặc dù lãn đạo ngân hàng này đã lên tiếng phủ nhận. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, tại Vietinbank, BIDV, ACB và SHB đã có gần 1.200 nhân viên buộc phải “ra đi” với nhiều lý do khác nhau.
Ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch HĐQT Eximbank, trao đổi với báo giới tối 14-11 xung quanh thông tin về cắt giảm nhân sự, tình hình kinh doanh ngân hàng - Ảnh: T.Đạm
Ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch HĐQT Eximbank, trao đổi với báo giới tối 14-11 xung quanh thông tin về cắt giảm nhân sự, tình hình kinh doanh ngân hàng - Ảnh: T.Đạm
Động thái cắt giảm đồng loạt nhiều nhân sự tại các ngân hàng khiến nhiều nhân viên ngân hàng hoang mang, lo lắng. Theo nhân viên của một số ngân hàng, để buộc thôi việc nhân viên, ngân hàng có rất nhiều cách như áp doanh số quá lớn, bắt lỗi nhỏ để cho nghỉ, thậm chí là việc thuyên chuyển công việc không đúng chuyên môn từ đó khiến nhân viên tự phải xin nghỉ…
Liên quan đến động thái cắt giảm nhân sự tại các ngân hàng, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, các ngân hàng cơ cấu lại vấn đề nhân sự trong lúc này là việc dễ hiểu khi nhìn vào bức tranh chung đầy khó khăn của các ngân hàng Việt Nam trong năm nay. “Trong năm nay, kinh doanh của các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ sụt giảm. Nhiều ngân hàng sẽ không đạt được mục tiêu kinh doanh. Vì vậy việc cắt giảm nhân sự là một động thái tự nhiên khi lợi nhuận của ngân hàng giảm sâu”, vị chuyên gia cho biết. Theo đó, bức tranh khó khăn của ngân hàng lúc này là chung cho các ngân hàng, ngân hàng lớn có khó khăn lớn, ngân hàng nhỏ dễ bị tổn thương nên cũng có khó khăn riêng. Vì vậy khó khăn lúc này là không loại trừ ngân hàng nào. Về các chi phí liên quan đến hoạt động của ngân hàng như nhân công, đầu tư, chi phí hạ tầng cơ sở… theo chuyên gia này chi phí nhân công là dễ cắt giảm nhất. Nói cách khác để giảm chi phí trong lúc kinh doanh gặp khó khăn việc cắt giảm nhân sự là điều các ngân hàng tính đến đầu tiên. Chuyên gia tài chính ngân hàng này phân tích: Có hai nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc cắt giảm nhân sự. Thứ nhất do việc kinh doanh các ngân hàng phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng. Lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng Việt Nam có đến 80% đến từ tín dụng. Trong khi đó tín dụng trong năm nay mới tăng có 7%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra (mục tiêu đề ra 12%). Vì vậy nhiều ngân hàng sẽ không đạt được mức tín dụng này.Thứ hai, việc cắt giảm hoặc tăng nhân sự các ngân hàng liên quan đến vấn đề mở rộng mạng lưới. Vì vậy nếu các ngân hàng muốn mở mạng lưới sẽ chủ động tuyển dụng nhân sự và đạo tạo trước khi mở mạng lưới. Tuy nhiên trong năm nay và những năm tới, việc phát triển mạng lưới sẽ bị siết chặt vì mạng lưới của ta hiện nay quá dày nên các ngân hàng sẽ tự cắt giảm mạng lưới dẫn đến cắt giảm nhân sự. Hầu hết các nhân sự bị cắt giảm tại các ngân hàng đều được lý giải do năng lực kém. Đánh giá điều này, vị chuyên gia cho rằng, đúng là nhân sự trong các ngân hàng Việt Nam hiện nay còn yếu về cả kỹ năng và nhân sự, yếu về cả tuổi đời và tuổi nghề. Từ đó đưa đến hiện tượng thiếu kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề, điều này xuất phát từ vấn đề đào tạo. Về phương diện đầu tư kinh doanh tài chính, việc cắt giảm nhân sự trong lúc này là dộng thái tích cực với các ngân hàng. “Tuy nhiên về mặt xã hội, việc cùng lúc nhiều ngân hàng cắt giảm nhân sự số lượng lớn sẽ gây bức xúc cho cán bộ nhân viên bị sa thải nhất là dịp cuối năm, khi mà trong tình hình khó khăn chung, việc tìm được một công việc mới không phải dễ. Chắc chắn cuộc sống của các nhân viên bị sa thải cũng như gia đình của họ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”, chuyên gia cho biết. Từ trước đến nay, vấn đề lương thưởng của nhân viên ngành ngân hàng luôn được xếp vào mức cao nhất trong các ngành nghề. Tuy nhiên, trước khó khăn của ngành ngân hàng trong năm nay các ngân hàng sẽ khó duy trì mức lương thưởng như mọi năm. Cụ thể với các ngân hàng đang làm ăn có lãi, việc duy trì mức thưởng như mọi năm đã là khó. Đối với các ngân hàng đang gặp khó khăn phải cắt giảm nhân sự thì khó có thể trông chờ mức lương thưởng lớn như những năm trước. “Trong lúc kinh doanh sụt giảm như hiện nay theo tôi sẽ có ngân hàng thực hiện việc thưởng Tết chỉ mang tính chất tượng trưng”, chuyên gia này dự đoán. Tuy nhiên ở khía cạnh khác, việc một lượng lớn nhân viên bất ngờ bị sa thải có thể sẽ tạo tâm lý cố gắng trong công việc nhiều hơn của nhân viên để không bị mất việc. Với các nhân sự đã bị cho nghỉ việc, theo vị chuyên gia tài chính ngân hàng, các ngân hàng nên phối hợp với các cơ quan quản lý tìm việc làm mới cho nhân sự hoặc tái đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho họ sớm tìm được công việc mới và ổn định cuộc sống.
Hoàng Lực