Bị bủa vây trong muôn vàn khó khăn, hàng Việt thua trên "sân nhà"?

16/11/2013 13:14
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo TS Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương, hiện nay doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bị bủa vây muôn vàn khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa.
Đánh giá về thị trường tiêu thụ nội địa, tại hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (ngày 15/11), TS Lê Việt Nga - Phó Vụ trường Vụ Thị trường trong nước, cho rằng Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông (90 triệu dân) trong đó 70% dân số độ tuổi dưới 35 – độ tuổi có mức chi tiêu dùng cao nhất.

Mỗi năm tổng mức bán lẻ tăng khoảng 20% (không loại trừ các yếu tố tăng giá) cùng với đó thị trường nông thôn có tỷ lệ tiêu dùng liên tục tăng. Tuy thị trường trong nước lớn nhưng hàng hóa thuần Việt chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Hiện nay tại các siêu thị hàng Việt chủ yếu là của các Tập đoàn đa quốc gia liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Còn thực tế hàng thuần Việt của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước rất khó để chen chân vào các siêu thị.

TS Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - Bộ Công thương
TS Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - Bộ Công thương

Lý giải điều này, theo TS Lê Việt Nga hiện nay doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bị bủa vây muôn vàn khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Thứ nhất do chưa mở rộng được hệ thống phân phối hoặc hệ thống phân phối không bền vững. Kênh phân phối của hàng thuần Việt thường là các đại lý nhỏ, chợ truyền thống. Nhưng ngay tại kênh phân phối này doanh nghiệp trong nước chưa có sự kết nối với nhau, chưa đầu tư cho quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

“Cái khó doanh nghiệp vừa và nhỏ là mỏng vốn nên làm gì trước hết họ phải nghĩ đến doanh thu, đây là hạn chế của doanh nghiệp. Cùng với đó doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng khó tiếp cận nguồn vốn vay, nói cách khác gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay chưa đến được tay doanh nghiệp cần", TS Nga cho biết thêm.

Khó khăn tiếp theo của doanh nghiệp Việt là việc đưa hàng về nông thôn, thực tế thị trường nông thôn rộng lớn tuy nhiên do điều kiện địa lý và tiềm lực của doanh nghiệp còn hạn chế việc đưa hàng Việt về nông thông không dễ. 

Trong khi đó với kênh phân phối siêu thị, hàng Việt nội địa khó có thể đặt kệ hàng do chi phí cao, chiết khấu cho nhân viên nhiều. “Bên cạnh đó, hàng thuần Việt nếu muốn vào siêu thị còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí về chất lượng sản phẩm, chế độ khuyến mại, chương trình quảng bá… Những yếu cầu này không dễ gì mà doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đáp ứng được”, TS Nga nhận định.

Thêm vào đó dự kiến đến năm 2015 thị trường trong nước sẽ mở cửa rộng rãi cho sản phẩm, hàng hóa các nước ASEAN vào Việt Nam. TS Lê Việt Nga cho rằng đây là thách thức không nhỏ với hàng hóa thuần Việt của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi hầu hết các sản phẩm hàng hóa các nước trong khu vực tương đồng với sản phẩm đang sản xuất trong nước. Chất lượng cũng tương đương nhưng giá thành thậm chí còn rẻ hơn.

Từ những khó khăn đó, theo TS Nga lúc này doanh nghiệp Việt cần có chiến lược nghiên cứu thị trường trong nước, liên kết các doanh nghiệp cùng ngành để tăng sức cạnh tranh với doanh nghiệp và hàng hóa từ các nước. Đứng về phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Nga cho biết hiện nay Đề án “ Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030” với trọng tâm thực hiện Chương trình quốc gia “Tự hào hàng Việt Nam” đang hướng đến mục tiêu tăng 70% thị phần hàng Việt có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống.

“Đến năm 2018  tỷ lệ hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam được tiếp cận  dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu chiếm từ 25% - 30% và năm 2020 đạt trên 50%”, TS Nga cho biết thêm.
Hoàng Lực