Tản mạn ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

20/11/2013 19:55
Liên Hương
(GDVN) - “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất sắc biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng” – William Warrd


Năm nay ngày 20/11 lại tới trong bầu không khí ảm đạm của đất trời – Hà Nội se lạnh, không có tia nắng ấm áp nào. Trên truyền hình các Bộ trưởng đang phải trả lời các vấn đề do cử tri chất vấn: y đức, án oan, xả lũ, tràn bùn… Việt Nam đang phải đối mặt với biết bao vấn đề do chính con người đời này gây ra mà việc trả giá đã hiện hữu ngay trước mắt, chưa kể biết bao hệ lụy đến đời con cháu vẫn còn phải gánh tiếp.

Giáo dục thì lại càng nhiều chuyện, bởi nó liên quan tới mọi gia đình và trẻ con. Còn chuyện gì mà không xảy ra?

Tuy nhiên, giáo dục không phải chỉ có tiêu cực!

Thời bố mẹ tôi còn trẻ, con cái tư sản, nhà giàu.. chỉ được vào sư phạm thôi, Chính sách này vô hình chung đã cung cấp một đội ngũ hùng hậu các nhà giáo có trình độ, tâm huyết cho ngành giáo dục VN. 

Khóa sư phạm đầu tiên của bố tôi ngày đó có 50 người thì hiện giờ cũng đã mất 32 người rồi, trong đó có nhiều người đã nổi tiếng trong lĩnh vực giáo dục như Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Lân Dũng, Nghiêm Chưởng Châu, Nguyễn Đình Tứ, Ma Văn Kháng, Tương Lai, Hoàng Tụy, Nguyễn Quốc Hùng… Nhưng cũng phải nói thêm là họ đã được học những người thầy xuất sắc như: Nguyễn lân, Ngụy Như Kon Tum, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Xiển, Hoàng Như Mai… Và học sinh Việt Nam cả một thời gian dài đã được nhờ bởi chính sách này.

Đến thời anh chị chúng tôi đi học, dưới thời Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, các học sinh thi xuất sắc được ông gọi lên cho chọn nước đi du học: anh rể tôi thời đó bị gọi là "bôn sê vích" xin đi học ở Trung Quốc, chị tiếp theo chọn đi Cu Ba - vì Cu ba ủng hộ Việt Nam nhiều, chị sát kề đã thức thời hơn chọn đi Hungary…vì chị ấy đạt điểm thí ĐH vượt khung, chứ nhẽ ra mỗi gia đình chỉ được một hoặc hai người đi du học thôi. Cũng nhờ chính sách khuyến khích tài năng này mà các trường ĐH và học viện VN đã có những người tài được đào tạo cơ bản ở nước ngoài về giảng dạy và nghiên cứu...

Đến đời tôi đi học đại học, khi cô Bình (Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - PV) làm Bộ trưởng Bộ Đại học (nay là Bộ GD&ĐT - PV), Bà đã ra một quyết sách rất “cách mạng” để nâng cao chất lượng cho nghành Sư phạm: đưa các HS giỏi đã đỗ vào các trường ĐH khác như Ngoại giao, ngoại thương, Bách Khoa… chuyển sang học nghành sư phạm để làm nhà giáo!

Cũng nhờ vậy mà đã bổ sung cho nghành sư phạm rất nhiều người có khả năng. Tuy nhiên, mong ước là vậy, nhưng khi ra trường, những HS tốt nghiệp loại khá giỏi đều bị rơi vào tầm ngắm của Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng và một số bộ khác hết.

Bởi  vậy khóa chúng tôi cho đến nay khi ra trường, còn rất ít người đi dạy. Vậy là những cố gắng của cô Bình ngày ấy cũng khó thành hiện thực được.!

Nhưng rồi, vòng đời vần xoay tôi vẫn cứ làm nghề giáo dục thôi. Vào năm 1994, sau khi đi du học ở Úc về tôi đầu quân phụ trách mảng giáo dục của Chính phủ Úc, lựa chọn các HS giỏi của Việt Nam sang Úc học tập. Rồi sau đó tôi chuyển hẳn sang giúp đỡ các học sinh Việt Nam sang Úc và nước ngoài học tập.

Gần 20 năm trời làm việc trong lĩnh vực này, biết bao kỷ niệm với HS mà niềm hạnh phúc được làm việc trong lĩnh vực giáo dục là vô tận… Những kỷ niệm đầy vơi ẩn hiện sau số mệnh từng học trò.

Ngày đó, tôi nhận một bộ hồ sơ rất đẹp của một cậu học trò ở Nghệ An, cậu thi gì cũng được giải nhất hết: thi tỉnh, thi quốc gia, quốc tế… tôi đưa cậu vào danh sách hàng đầu để xét tuyển cấp học bổng. Nhưng than ôi, trong kỳ thi tiếng Anh, cậu đã không đạt điểm yêu cầu, chỉ cần 4.5 IELTS, vậy mà cậu chỉ được có 4. Chẳng có cách nào cả.

Đợt đó, trong số HS đi sang Úc nhận học bổng, có một cậu bé cũng ở Nghệ An đến chào tôi cùng bố mẹ trước khi đi. Tôi vô tình hỏi thăm cậu bé tài giỏi kia. Tôi bủn rủn cả người khi nghe tin cậu đang ở trong trại tâm thần vì quá sốc khi nghe tin mình không được học bổng đi Úc học. Tôi xin phép viết một lá thư nhờ bố mẹ của cậu bạn mang về cho cậu học trò mình chưa hề biết mặt đó.

Trong vòng khoảng 20 phút, tôi viết xong lá thư dài hai trang nêu các khả năng lựa chọn cho cuộc đời cậu bé. Chủ yếu cảnh tỉnh cho cậu bé biết rằng, cuộc đời chưa hề chấm dứt mà mới chỉ bắt đầu, nếu cậu đi đúng hướng và cố gắng còn rất nhiều cơ hội đang đợi cậu và cậu có khả năng sẽ đi nhanh hơn bạn bè vì chuyên môn cao. Tôi cho cậu 3, 4 lựa chọn để học tập, chứ không phải đi Úc là lựa chọn duy nhất.

Bức thư gửi đi, rồi tôi cũng ngập đầu vào công việc và quên đi. Sau đó chỉ khoảng một tuần, một gia đình tới xin được gặp tôi. Không thể tả hết nỗi vui mừng của người cha và người mẹ. Họ khóc và bày tỏ niềm hạnh phúc bất ngờ. Khi nhận được lá thư của tôi, cậu bé đọc xong và tự nhiên bừng tỉnh, cậu nói với bố mẹ làm thủ tục ra khỏi trại để đi học tiếp. Cậu quên hẳn những nỗi mặc cảm thương đau và tủi hờn, cậu đã thấy con đường phía trước.

Lên Hà Nội, quay trở lại học ở trường ĐH Bách Khoa, cậu và bố mẹ lập tức đến gặp tôi, tôi cũng vô cùng vui mừng được gặp cậu bé và bắt cậu tập trung vào việc tự học tiếng Anh, vì tôi biết với khả năng của mình chỉ cần tự học, cậu có thể đạt trình độ tiếng Anh khá. Chúng tôi còn gặp nhau vài lần nữa, lúc thì cậu đến khoe lập ra một hội hỗ trợ những SV mới vào trường, lúc thì lập ra hội gia sư đi phụ đạo cho HS yếu…

Cuộc đời trôi đi, tôi đã chuyển nhà và không gặp lại cậu bé năm xưa nữa, nhưng tôi tin cậu sẽ thành công vì vượt qua được những giây phút nao lòng nhất của cuộc đời.

Trong ngày hôm nay, tôi cũng nhận được lời chúc của nhiều trò nữa, mà câu chuyện về họ chắc còn giật gân hơn cậu bé kia.

Hồi đó tôi có một cậu học trò học sau ĐH  tại Sydney, cậu rất sáng sủa, thông minh, tuy nhiên cuộc đời đôi khi lại chơi người ta những cú khăm không ngờ tới, nhất là khi ở nơi đất khách quê người.

Tôi nhận được tin bất ngờ: cậu và một người bạn bị cảnh sát bắt vì lừa đảo và đang bị nhốt vào tù. Tôi vội bay sang tìm hiểu ? Bỏ qua những mặc cảm và lo ngại. Tôi vào gặp cậu trong tù. Mặc dù ở trong tù tại Úc cũng không phải là quá khổ, nhưng, cái khổ về tinh thần thì không gì sánh nổi. Các cậu này bị kẻ lừa đảo vu oan giá họa theo đúng nghĩa rồi đưa vào tù để hòng xù nợ. Cậu ta kêu: chị là người duy nhất có thể cứu bọn em ra. Hãy cứu bọn em ra thì em mời có thể minh oan cho mình được. May là tôi đã quyết định chi một khoản tiền thế chân để cho hai cậu tại ngoại, chỉ mong sao hai cậu có thể chứng minh sự vô tội của mình.

Sau 3 năm điều tra không có kết quả, cảnh sát đã tuyên bố hai cậu vô tội! Tôi cũng mừng vui hết mức vì đã tin tưởng vào hai cậu bé đó. Tiền có thể tiêu đi bằng nhiều cách nhưng tiền để cứu người là những đồng tiền mang lại cho mình hạnh phúc nhất.

Sau này, cậu đó về Việt Nam, rất thành công trong cuộc sống. Chúng tôi đã trở nên thân thiết như chị em.

Đối với HS nam, tôi luôn bị khổ vì chạy theo lo vì muôn hình vạn trạng của tai nạn luôn rình rập lũ trai trẻ hiếu thắng. Có những HS, vì giữ uy tín với nhà trường, tôi phải trả tiền học cho HS khi đột nhiên, gia đình không trả được nữa vì phá sản mà HS thì đang dở dang khóa học. Thôi thì mình bớt giàu đi một chút để giúp người…

Có trò tôi gặp lại sau hàng chục năm khi đưa đoàn PV truyên hình sang quay phim tìm hiểu đời sống của HS Việt Nam, tôi đã gặp lại những nhóm học sinh tôi đưa đi cách đây hơn chục năm, khi nghe các trò kể ngày trước, tôi đã cưu mang, giúp đỡ họ nhiều đến như vậy, các bạn bên truyền hình bỗng tự nhiên nhìn tôi khác hẳn. Tôi hiểu tình người đôi khi nó có sức mạnh khó tả.

Trò nữ luôn mang lại cho tôi những tình cảm nhẹ nhàng, đáng yêu. Hôm nay, cô học trò Ly Ly gửi lời chúc mừng tôi, Cô nhắc lại chuyện tôi đã quyết tâm đấu cho cô bé để có một diễn viên múa được đi học, trong khi nghành múa không nằm trong nhóm nghành ưu tiên. Nếu tôi cứ bình thản mà làm thì giờ đây đã không có một biên đạo múa đầy tài năng, và một giáo viên đã đào tạo ra lớp diễn viên trẻ hiện nay.

Biết bao tấm lòng ấm áp của những người làm nghề giáo đã truyền cảm hứng cho học trò của mình? Mong rằng những trái tim nhiệt huyết của các thầy cô sẽ mãi đập cùng niềm vui cũng như nỗi buồn của trò. Để chúng thăng hoa, tạo nên những nhân cách cao cả cho cuộc đời.

20/11/2013

Liên Hương