“Đại án” Vifon: Hai Bộ nhất mực từ chối… vai trò bị hại của mình

22/11/2013 08:29
Ngọc Luân
(GDVN) - Ngay ngày đầu tiên của phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm vụ “đại án” tham nhũng tại Công ty Vifon, Hội đồng xét xử đã không nhận được sự hợp tác đáng phải có từ nguyên đơn dân sự - là 2 Bộ chủ quản của công ty này. Trong khi đó, lúc được thẩm vấn, 2 bị cáo có vai trò chủ chốt trong vụ án lại liên tục đỗ lỗi cho nhau, hòng làm giảm nhẹ tội trạng của mình.

Bị hại bất hợp tác

Ngay sau khi phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm vụ “đại án” tham nhũng tại Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon), được khai mạc, một điều hết sức bất ngờ đã diễn ra, khiến cho toàn thể phiên tòa ngày hôm qua không khỏi… chưng hửng! Khi mà phía đại diện bên nguyên đơn dân sự, cũng là các bị hại của vụ án thì lại nhất mực đã từ chối… vai trò bị hại của mình (!?)

Điều này không những là một nghịch lý mà còn là cách hành xử rất khó hiểu của 2 đơn vị quản lý Nhà nước của Công ty Vifon. Bởi, trong khi bản cáo trạng của Viện KSND Tối cáo đã xác định Bộ Tài chính và Bộ Công thương là nguyên đơn dân sự, đồng thời cũng có vai trò là bị hại của vụ án.

Bị cáo Nguyễn Bi (ngoài cùng bên trái) - một trong 2 bị cáo có vai trò chủ chốt của vụ án
Bị cáo Nguyễn Bi (ngoài cùng bên trái) - một trong 2 bị cáo có vai trò chủ chốt của vụ án

Nếu như phía Bộ Tài chính đã không cử đại diện đến tham dự phiên tòa thì phía đại diện Bộ Công thương đến dự xét xử thì lại luôn kiên quyết khẳng định: mình đến dự để… về báo cáo lại cho lãnh đạo rút kinh nghiệm về công tác quản lý (!?)

Cũng chính vì lý do đó, mà vị đại diện của Bộ Công thương đã từ chối vai trò của mình trong vụ án cũng như trong phiên tòa xét xử này.

Luật sư Phan Trung Hoài – bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nguyễn Thanh Huyền – nguyên Phó Tổng Giám độc công ty Vifon, đã vặn lại Hội đồng xét xử, khi ông cho rằng, việc thiếu nguyên đơn dân sự sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét xử. “Nếu không xác định được nguyên đơn dân sự và nguyên đơn dân sự không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại thì làm sao buộc tội các bị cáo?” – luật sư Hoài lập luận.

Trong khi đó, các luật sư khác cũng yêu cầu Hội đồng xét xử phải riệu tập đại diện Bộ Tài chính để có thể đảm bảo cho phiên tòa được khách quan, bảo vệ lợi ích chính đáng của các bị cáo.

Trước tình huống khá bất ngờ vì không nhận được sự hợp tác của 2 đơn vị có trách nhiệm quản lý Nhà nước tại Công ty Vifon, Hội đồng xét xử đã phải cùng nhau hội ý thật lâu. Tuy vậy, sau khi hội ý, chủ tọa phiên tòa – thẩm phán Vũ Phi Long  đã tuyên cho phiên tòa được tiếp tục bởi cơ quan tố tụng đã xác định rõ việc gây ra thiệt hại tài sản Nhà nước của các bị cáo, cũng như đã xác định rõ 2 Bộ chủ quản là Bô Công thương và Bộ Tài chính có vai trò là bị hại của vụ án.

“Hội đồng xét xử quyết định sẽ tiếp tục triệu tập đại diện Bộ Tài chính trong các phiên xử tiếp theo của vụ án này. Qua phần thẩm vấn, Hội đồng xét xử sẽ xác định được nguyên đơn dân sự và cũng là bị hại trong vụ án.” – thẩm phán Vũ Phi Long cho biết.

Thế nhưng, chưa dừng lại ở đó, trong phiên xử vào buổi chiều hôm qua,  khi được Hội đồng xét xử mời lên thẩm vấn chi tiết của vụ án, đại diện Bộ công thương đã từ chối thẳng thừng.  Và khi được Hội đồng xét xử hỏi về việc Vifon đã trích hơn 7,9 tỷ đồng từ lợi nhuận chuyển nhượng vốn liên doanh vào quỹ khen thưởng của công ty đã được sự đồng ý của Bộ Công nghiệp (tiền thân của Bộ Công thương – PV), thì vị đại diện này lại tiếp tục bất hợp tác: “Tôi không có đủ thẩm quyền để trả lời, những điều có liên quan đến vụ án này Bộ Công thương đã có các công văn trả lời cho cơ quan điều tra trước đó rồi.”

Và, cứ thế, rất nhiều lần như vậy, Hội đồng xét xử đặt câu hỏi với vị đại diện của Bộ Công thương, nhưng luôn bị từ chối trả lời, hoặc nhận được câu trả lời không đâu như trên…

5 bị cáo của vụ án trước vành móng ngựa
5 bị cáo của vụ án trước vành móng ngựa

Không bằng lòng với thái độ bất hợp tác với Hội đồng xét xử như vậy của đại diện Bộ Công thương, chủ tọa phiên tòa đã trích dẫn: “…Theo quy định tại Điều 66 Luật Doanh nghiệp Nhà nước (thời điểm vụ án diễn ra - PV), Bộ quản lý ngành là đại diện chủ sở hữu đối với các công ty Nhà nước do Bộ quyết định thành lập. Mọi hoạt động, tài sản của công ty cũng liên quan đến quyền sở hữu này. Đó chính là lý do Hội đồng xét xử triệu tập Bộ Công thương và Bộ Tài chính làm nguyên đơn dân sự của vụ án này.”

Đổ lỗi cho nhau để chối tội

Tại phiên xét xử chiều hôm qua, khi được tòa thẩm vấn, tất cả 5 bị cáo của vụ án đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng của Viện KSND Tối cao đã truy tố.

Tuy nhiên, về phần mình, bị cáo Nguyễn Thanh Huyền - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Vifon một mặt thừa nhận có nhiều lần chỉ đạo rút tiền, nhưng mặt khác lại khai rằng việc rút tiền đó là làm theo sự chỉ đạo của cán bộ cấp trên, chính là bị cáo Nguyễn Bi – nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty Vifon.

“Ông Bi không bao giờ trực tiếp thực hiện việc rút tiền mà luôn chỉ đạo cho tôi làm lệnh rút, sau khi rút tiền ra, tôi đưa hết cho ông Bi…” – bị cáo Nguyễn Thanh Huyền khai trước tòa.

Bị cáo Nguyễn Thanh Huyền: "Nói không nhận tiền, trong lòng anh Bi có thanh thản không?"
Bị cáo Nguyễn Thanh Huyền: "Nói không nhận tiền, trong lòng anh Bi có thanh thản không?"

Theo bị cáo Huyền, tất cả những khoản rút lớn, nhỏ… đều là làm theo lệnh của cấp trên. Và, mặc dù bản thân biết rõ việc rút tiền của Nhà nước như thế là sai trái với quy định quản lý tài chính, nhưng là do lệnh của “sếp” nên không dám không thực hiện.

Trong khi đó, khi đến lượt được tòa thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Bi đã nhất quyết phủ nhận lời khai trước đó của bi cáo Huyền. Bị cáo Bi cho rằng mình không hề chỉ đạo bị cáo Huyền rút tiền cũng như không nhận tiền mà bị cáo Huyền đưa lại sau đó. Bị cáo này chỉ thừa nhận do tin tưởng cấp dưới - là bị cáo Huyền, nên đã ký duyệt chi khống tiền thưởng và các giấy tờ liên quan trái pháp luật.

Theo chủ tọa, mặc dù bị cáo Nguyễn Thanh Huyền không thừa nhận việc chiếm đoạt tiền nhưng cũng không có bằng chứng nào khác để chứng minh bị cáo Nguyễn Bi đã nhận số tiền trên, mà chỉ có căn cứ xác định Nguyễn Bi có hành vi cố ý làm trái khi ký duyệt chi khống. Do vậy, bị cáo Nguyễn Thanh Huyền phải có trách nhiệm đối với các khoản chi sai quy định mà cáo trạng đã nêu.

Bị cáo Nguyễn Bi: "Tôi tin chị Huyền nên mới... ký khống phiếu chi!"
Bị cáo Nguyễn Bi: "Tôi tin chị Huyền nên mới... ký khống phiếu chi!"

Còn đối với 3 bị cáo còn lại là: Đàm Tú Liên – nguyên Kế toán trưởng, Dương Thị Mẫn – nguyên Kế toán thanh toán và Ka Thị Thu Hồng – nguyên Thủ quỹ của Công ty Vifon, khi được thẩm vấn đều thừa nhận mình đã làm sai nguyên tắc tài chính, kế toán.

Cả 3 đều khai: trong tất cả những lần rút tiền sai quy định, họ đều làm theo sự chỉ đạo của cấp trên là bị cáo Huyền, và họ không ý thức được việc làm như vậy là tạo điều kiện để Huyền và Bi tham nhũng tiền của Nhà nước. Nại lý do về trình độ hạn chế, bản thân chưa từng được qua đào tạo nghiệp vụ kế toán… nên không nhận thức được hậu quả của hành vi lập các phiếu chi khống, hoạch toán sai…

Đặc biệt, tại tòa, cả 3 bị cáo nảy đều tiết lộ không ai trong số họ được chia lại nguồn lợi ích gì từ việc tham nhũng của 2 cấp trên.

Hôm nay, ngày 22/11, phiên tòa sẽ được tiếp tục với phần thẩm vấn, làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo.


Ngọc Luân