ĐBQH Dương Trung Quốc: "Tôi sẽ đi đến cùng một số vụ án..."

22/11/2013 07:59
Ngọc Quang
(GDVN) - "Tôi rất tiếc ngay cả trong báo cáo kỳ này của Chánh án TANDTC cũng không nhắc đến những vụ án mà ai cũng biết cả, những vụ án gây bức xúc. Thí dụ như vụ án 3 em vị thành niên liên quan đến vụ hiếp dâm ở Hà Đông (Hà Nội), việc đó kéo dài mà không giải quyết được".

Bên lề kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13, ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) chia sẻ với báo giới về công tác xét xử vi phạm pháp luật, quá trình tố tụng vi phạm đến quyền của người dân. Theo ông Quốc, những tồn tại, bất cập hiện nay rõ ràng là hệ quả của nhiều vấn đề, liên quan đến quá trình điều tra, chất lượng xét xử, chất lượng cán bộ tham gia điều tra...

PV: Theo ông công tác điều tra xét xử có những vấn đề gì bất cập?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Trước hết là nhiều vụ việc vi phạm pháp luật như quá trình tố tụng, dẫn tới vi phạm quyền của người dân, và điều này thì là hệ quả của rất nhiều vấn đề: điều tra, lượng án xét xử, chất lượng cán bộ… đương nhiên không thể giải quyết ngay một lúc được, nhưng phải đảm bảo đúng luật.

Thí dụ như anh chưa điều tra ra thì phải thả người ta về, đó là chưa kể vì áp lực mà dẫn tới án oan sai, như vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Tức là để sớm kết thúc thì anh lại ép cung người ta. Nó là chuyện của cả hệ thống.

ĐBQH Dương Trung Quốc. Ảnh: Ngọc Quang.
ĐBQH Dương Trung Quốc. Ảnh: Ngọc Quang.

PV: Thưa ông, có những vụ án mà có tới 8 lần hoãn phiên xử thì có bất thường không?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Đấy là vi phạm luật pháp, vì thời gian giam giữ quá dài. Thứ hai là trình độ xét xử đến mức độ, một bên thì bảo đưa ra xét, rồi một bên thì lại cho hoãn. Và đặc biệt thế này, cũng là hệ thống tòa án thôi, nhưng cứ tòa sơ thẩm xong thì tòa phúc thẩm đảo lại, mà đảo lại 100%, cho nên người ta có quyền nghĩ rằng đó có thể là rào cản nảy sinh tiêu cực.

PV: Thưa ông, tình trạng hủy án trước đây diễn ra khá nhiều và vấn đề này đã được đặt trong cải cách tư pháp. Qua giám sát, ông có thấy tình trạng này đã giảm?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Tôi chẳng thấy giảm gì cả. Tôi rất tiếc ngay cả trong báo cáo kỳ này của Chánh án TANDTC cũng không nhắc đến những vụ án mà ai cũng biết cả, những vụ án gây bức xúc. Thí dụ như vụ án 3 em vị thành niên liên quan đến vụ hiếp dâm ở Hà Đông (Hà Nội), việc đó kéo dài mà không giải quyết được.

Tôi cũng thấy rằng, hiện nay áp lực của hệ thống xét xử quá lớn, nhưng trong cái quá lớn ấy có những cái do anh tự tạo ra, nó thể hiện ở chỗ xét xử đi xử lại quá nhiều lần mà bản thân việc này là không đúng yêu cầu pháp luật.

PV: Thưa ông, việc xử đi xử lại quá nhiều lần như vậy không chỉ gây phiền hà cho người dân, mà còn gây thiệt hại cho nhà nước. Ông nghĩ gì về điều này?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Có nhiều cái thiệt hại lắm, mà nguy hiểm nhất là tạo ra kẽ hở cho tiêu cực, khi thay đổi bản án mà không có đủ cơ sở. Đôi khi chính vì cái đó mà người ta thà chấp nhận cái sai còn hơn để thất thoát ngân sách nhà nước. Áp lực ấy làm cho người ta coi đó là tiểu tiết, nhưng tiểu tiết ở đây lại là số phận con người, Mâu thuẫn là ở chỗ ấy.

PV: Trước thực trạng này, ông sẽ góp ý gì cho ngành tư pháp?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Không nên đánh đố các vị Bộ trưởng và trưởng ngành, họ không thể biết hết tất cả mọi chuyện được, nói gì thì mình cũng đặt mình vào vị trí của người ta. Sai sót là khó tránh, quan trọng là anh giải quyết sai sót đó như thế nào. Ai cũng nói đến cán cân công lý, nhưng cán cân công lý được trao vào những con người rất cụ thể.

Với những vụ án mà tôi theo dõi thì tôi sẽ đi đến cùng, đi đến cùng ở đây là ở khía cạnh giám sát, còn xem xét xử lý thế nào vẫn là việc của các cơ quan chuyên môn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang