"Trong 5 tháng, Trưởng khoa Nhi làm chết hai cháu bé tại phòng khám"

23/11/2013 07:15
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Sau khi tiêm mũi thuốc giá 150.000 đồng tại một phòng khám tư, cháu trai 16 tháng tuổi bị sùi bọt mép, trợn mắt rồi lịm dần đi...

Như Báo Giáo dục Việt Nam đã thông tin, ngày 20/11, cháu Nguyễn Đình Quân, 16 tháng tuổi, trú tại thôn Quế, xã Liên Phương, huyện Thường Tín, Hà Nội đã tử vong sau khi tiêm một mũi điều trị bệnh viêm phổi.

Gia đình an tang cháu Quân ngay trong đêm

Theo gia đình cháu Quân cho biết, do cháu bị ho, ngày 19/11, gia đình đã đưa cháu đến phòng khám Hương Sơn (tại phố Tía, xã Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội ) để khám và điều trị. Được biết, phòng khám này do bác sĩ Phạm Anh Sơn - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thường Tín làm chủ và vị bác sĩ này cũng chính là người trực tiếp khám cho cháu. 

Phòng khám Hương Sơn của bác sĩ Phạm Anh Sơn - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thường Tín. (Ảnh ĐSPL)
Phòng khám Hương Sơn của bác sĩ Phạm Anh Sơn - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thường Tín. (Ảnh ĐSPL)

Sau khi nhận định, bác sĩ Sơn cho rằng cháu Quân bị viêm phổi nên phải tiêm. Ngày 19/11, bác sĩ Sơn có tiêm cho cháu bé mũi kháng sinh trị viêm phổi và bán cho hai hộp thuốc trị ho và một vỉ thuốc khác. Đồng thời bác sĩ Sơn hẹn gia đình hôm sau đến để tiêm tiếp mũi thứ hai.

Đến 17h 30 ngày 20/11, theo lịch hẹn, chị Mỹ bế bé Quân ra phòng khám của bác sĩ Sơn để tiêm thêm mũi nữa. Mũi tiêm thứ hai này bác sĩ Sơn không thử phản vệ.

Khi bà Quất (bà ngoại cháu Quân) thắc mắc sao không thử thì bác sĩ Sơn bảo, "thử hôm qua rồi, nay không phải thử". Tiêm xong, mẹ và bà ngoại bế bé Quân về. Vừa ra đến cửa phòng khám, bà Quất thấy cháu ngoại toàn thân tím tái, bọt mép sùi ra nên hỏi bác sĩ Sơn. Bác sĩ Sơn trấn an người nhà "không lo". Sau đó, bác sĩ tiếp tục tiêm hai mũi vào đùi cháu bé. Gia đình không biết loại thuốc đã tiêm là loại gì.

Thấy tình hình xấu đi, gia đình đã xin bác sĩ cho đi cấp cứu, nhưng vị bác sĩ này vẫn tiếp tục cho cháu Quân thở oxy và truyền nước. Đến khi mạch cháu Quân yếu hẳn, truyền nước không nhận và ngất lịm đi. Khi đó, bác sĩ mới gọi xe đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nông Nghiệp.

Tại Bệnh viện Nông nghiệp, các bác sĩ ở đây kết luận cháu Quân đã tử vong trước khi đưa đến Bệnh viện và thông báo sự việc cho cơ quan chức năng.

Ngay sau khi được thông báo, cơ quan Công an huyện Thường Tín đã có mặt để tiến hành lập biên bản, giám định pháp y nạn nhân rồi bàn giao thi thể cháu Quân cho gia đình. Quá đau xót, ngay trong đêm 20/11, gia đình đã tiến hành an táng cho cháu Quân.

24 năm kinh nghiệm, nửa năm hai cháu bé chết tại phòng khám

Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, một cán bộ của Bệnh viện Đa khoa Thường Tín cho biết, thời gian bác sĩ Sơn điều trị cho cháu bé là lúc 17h30, đã ngoài giờ làm việc tại Bệnh viện.

“Do đó Bệnh viện không quản lý, đấy là quyền tự do của người ta”, vị cán bộ này nói.

Bệnh viện Đa khoa Thường Tín nơi bác sĩ Sơn công tác
Bệnh viện Đa khoa Thường Tín nơi bác sĩ Sơn công tác

Ông này cũng cho biết thêm, sau khi xảy ra sự việc, phía gia đình cháu Quân giữ được bình tĩnh, không có hành động nào đáng tiếc xảy ra. Về phía Bệnh viện cũng như Sở Y tế đã phối hợp với công an đang điều tra, xác minh sự việc.

Vị này thông tin thêm, bác sỹ Sơn đã công tác tại Bệnh viện đa khoa Thường Tín từ năm 1989.

Như vậy, vị bác sỹ này đã có trên 20 năm hành nghề. Tuy nhiên không hiểu vì lí do gì mà như báo chí thông tin, trong vòng 5 tháng qua, tại phòng khám của bác sĩ Sơn đã có hai cháu bé tử vong.

Người dân tại địa phương cho hay, tháng 6/2013, tại phòng khám Hương Sơn cũng có một cháu bé 2 tuổi ở xã Lê Lợi tử vong. Tuy nhiên vụ việc sau đó đã được gia đình, công an và bác sỹ Sơn hòa giải xong.

Thông tin từ Phòng y tế huyện Thường Tín cho biết, ông Phạm Anh Sơn là Trưởng Khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Thường Tín. Ông Sơn đã mở phòng khám tại nhà riêng gần 20 năm nay nhưng cho đến giờ vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động.

Trong khi đó tháng 6/2013, UBND huyện Thường Tín đã có văn bản xử phạt hành chính đối với phòng khám của ông Phạm Anh Sơn vì đã hành nghề khám chữa bệnh chưa có giấy phép theo quy định.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh về diễn biến của vụ việc này...

VIẾT CƯỜNG