"Mạnh như nước Mỹ, Thượng nghị sỹ cũng xuất thân từ quân đội"

26/11/2013 08:41
Hoàng Lực
(GDVN) - Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cho biết “Không phải tôi là một sĩ quân quân đội mà tôi nói tốt cho quân đội, nhưng môi trường quân đội là nơi người ta có thể học được tính kỉ luật, tính tự giác, lòng yêu thương con người, biết gác tình riêng vì cái chung".
Vấn đề “thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định” đang là vấn đề nóng tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được dư luận rất quan tâm.

Ngay khi đưa ra thảo luận tại tổ các Đại biểu đã có nhiều ý kiến khác nhau. Đưa ra việc thực hiện một nghĩa vụ thay thế có thể tạo ra sự thiếu công bằng vì nghĩa vụ thay thế đó là gì? Có ý kiến cho rằng thực hiện nghĩa vụ thay thế có thể là nộp một khoản tiền thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Đồng tình với việc nộp tiền thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, ông Trần Đình Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hiệu quả và được nhân dân ủng hộ.

Bên cạnh đó theo ông Nhã việc thực hiện nghĩa vụ thay thế cho nghĩa vụ quân sự còn bao gồm các hình thức: Nghĩa vụ có thời hạn trong công an nhân dân, dân quân tự vệ, nghĩa vụ khác hoặc đóng góp bằng tiền, bằng sức.

Người thân tiễn tân binh lên đường làm nghĩa vụ quân sự (trong lễ giao nhận quân tỉnh Lào Cai)
Người thân tiễn tân binh lên đường làm nghĩa vụ quân sự (trong lễ giao nhận quân tỉnh Lào Cai)

Liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thay thế trong đó có thể sử dụng hình thức đóng góp bằng tiền để được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục Trưởng Tổng cục chính trị và Chuẩn Đô đốc, Thiếu tướng Lê Kế Lâm – Nguyên Giám đốc Học viện Hải quân đều tỏ ra ngạc nhiên và không đồng tình trước ý kiến có thể đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự.

Là người thường xuyên quan tâm đến những vấn đề nóng của xã hội, khi phóng viên đề cập vấn đề thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự trong đó có thể đóng một khoản tiền Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương cho rằng, người đưa ra ý kiến đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự là yếu kém, không hiểu hết ý nghĩa việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với vấn đề quốc phòng an ninh.

Theo Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương vấn đề nghĩa vụ quân sự hay áp dụng nghĩa vụ quân sự với nam thanh niên đến tuổi trưởng thành hết sức quan trọng với nhiều ý nghĩa.

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc

Thứ nhất về quốc phòng an ninh chúng ta đã và đang chuẩn bị một lực lượng quân dự bị, lực lượng sẵn sàng chiến đầu khi đất nước có chiến tranh. 

Thứ hai nhằm giáo dục kiến thức quốc phòng an ninh, kiến thức sử dụng khí tài quân sự đề khi đất nước có chiến tranh có thể vận dụng kiến thức đó tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc. 

Thứ ba nghệ thuật chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc vì thế giáo dục kiến thực quốc phòng an ninh, giáo dục kiến thức quân sự người này truyền người kia để khi đất nước có chiến tranh  sẽ có một lực lượng toàn dân tham gia chiến đấu.

Tôi quá bất ngờ về thông tin đóng tiền để thay nghĩa vụ quân sự

"Tôi quá bất ngờ về thông tin đóng tiền để thay nghĩa vụ quân sự"

Đóng tiền thay nghĩa vụ quân sự là thương mại hóa trách nhiệm công dân

Đóng tiền thay nghĩa vụ quân sự là thương mại hóa trách nhiệm công dân

Ai cũng đóng tiền thay nghĩa vụ thì còn ai phục vụ quân đội?

Ai cũng đóng tiền thay nghĩa vụ thì còn ai phục vụ quân đội?

“Mặt khác việc thực hiện nghĩa vụ quân sự không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm tự hào, vinh dự với mỗi thanh niên. Thay vì đưa ra vấn đề nộp tiền được miễn nghĩa vụ quân sự chúng ta phải cổ vũ tinh thần, khuyến khích thanh niên đến tuổi trưởng thành tham gia nghĩa vụ quân sự với đúng” Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương cho biết thêm.

Đồng tính với Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng nghĩa vụ quân sự đối với một công dân là nghĩa vụ thiêng liêng để bảo vệ tổ quốc, dù hiện nay chúng ta đang hòa bình nhưng không thể nói rằng đất nước ta không còn họa ngoại xâm. Do đó việc bảo vệ tổ quốc chống lại sự xâm lăng của kẻ thù là trách nhiệm chung của toàn dân.

Theo Thiếu tướng Lê Kế Lâm ở nhiều nước nghĩa vụ quân sự được áp dụng không chỉ cho nam mà con cho cả nữ giới. “Ví dụ ở Israel 100% công dân nam nữ đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, khi rời quân ngũ họ trở thành những doanh nhân, kỹ sư, trí thức.

Tôi từng đọc cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp” lý giải về việc tại sao đất nước Israel một đất nước nhỏ, dân số ít nhưng lại phát triển mạnh như vậy điều này xuất phát từ việc kết hợp giữa sáng tạo trong quân đội đưa về trong cuộc sống đời thường.

Hoặc lớn mạnh như nước Mỹ cũng quy định tất cả các Thượng nghị sĩ đều phải qua quân đội, ở những binh chủng đặc biệt như Hải quân và Không quân” Chuẩn Đô đốc Lê Kê Lâm cho biết .

“Do đó với Việt Nam một đất nước có truyền thống toàn dân đánh giặc khi có quốc gia hữu sự. Vì vậy dù thời bình nhưng đặt vấn đề mọi công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự là chính xác. Cái đấy có thể nói là điều thiêng liêng” Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm nói.

Từ đó nếu đặt vấn đề cho đóng tiền để miễn nghĩa vụ quân sự Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng, đây là điều cần xem xét thật kỹ, tiền rất quan trọng nhưng không thể cái gì cũng đưa tiền ra để trao đổi.

“Đặt việc đóng tiền thay nghĩa vụ quân sự thì ai sẽ thực hiện, ai sẽ tán thành tôi nghĩ chỉ tầng lớp giàu có, họ muốn cho con em mình được tự do thỏa mái ngoài cuộc với nghĩa vụ tổ quốc. Vì vậy việc đóng tiền thay cho nghĩa vụ quân sự tôi không nhất trí” Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm bày tỏ ý kiến.

Việc tham gia nghĩa vụ quân sự theo Chuẩn Đô đốc Lê Kê Lâm sẽ mang lại cho thanh niên Việt Nam nhiều ý nghĩa. Bởi lẽ từ lâu ta nói quân đội là một trường đại học lớn, với thanh niên được rèn luyện qua môi trường quân đội trước tiên họ học được tính kỷ luật.

“Trong quân đội có kỷ luật, nề nếp của lực lượng vũ trang do đó rèn cho mỗi người thoi quen làm việc có kế hoạch từ trong sinh hoạt, học tập, lao động hàng ngày. Tất cả những người trải qua môi trường quân đội đều rèn được tính tổ chức, tính kỷ luật do vậy khi ra đời nếu biết vận dụng điều đó trong cuộc sống là rất có lợi. Rộng hơn nữa sẽ làm cho xã hội ta nâng cao tính tự giác, tính tập thể” Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm phân tích.

Cũng thừa nhận đâu đó trong các đơn vị quân đội vấn đề quản lý không nghiêm, lỏng lẻo trong quản lý. Rồi có chuyện bộ đội ngoài giờ hành chính, công tác tụ tập nhậu nhẹt say xỉn nhưng theo Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cái đó là cái xấu tuy nhiên nó không phổ biến. 

Chuẩn Đô đốc, Thiếu tướng Lê Kế Lâm – Nguyên Giám đốc Học viện Hải quân
Chuẩn Đô đốc, Thiếu tướng Lê Kế Lâm – Nguyên Giám đốc Học viện Hải quân 

“Không phải tôi là một sĩ quân quân đội mà tôi nói tốt nhưng môi trường quân đội là nơi người ta có thể học được tính kỉ luật, tính tự giác, lòng yêu thương con người, biết gác tình riêng vì cái chung. Nói như cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc còn sống thường nhắc lại lời dạy của Bác Hồ “dĩ công vi thượng” tức là lấy việc công là quan trọng nhất là cái phải đưa lên hàng đầu. Còn việc tư phải giải quyết nhưng theo kế hoạch và giải quyết sau việc công” Thiếu tướng Lê Kế Lâm cho biết.

Việc nhiều gia đình sợ con đi nghĩa vụ quân sự sẽ vất vả, Thiếu tướng Lê Kế Lâm cho rằng vào quân đội tất nhiên phải khổ, nhưng khổ đó là môi trường rèn luyện, thử thách đào luyện mỗi con người trở nên hữu ích với tổ quốc, dân tộc. 

Bên cạnh vấn đề ngại khó ngại khổ, điều khiến nhiều gia đình không muốn con tham gia nghĩa vụ quân sự đó sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự là vấn đề tìm việc làm sau xuất ngũ.

Về vấn đề này Thiếu tướng Lê Kế Lâm cho rằng đây không phải do đi nghĩa vụ quân sự trách nhiệm ở đây là của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị phải giải quyết vấn đề này. Việc tạo việc làm cho quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đặc biệt với quân nhân phục vụ tại vùng đặc thù như biên giới hải đảo là hết sức cần thiết phải đặt lên trọng tâm hàng đầu. 

“Phải ưu tiên để thanh niên sau khi xuất ngũ được học nghề nhưng không phải học nghề xong để đó, để tự người đó phải lo bươn trải xin việc mà phải bố trí việc làm, giới thiệu việc làm cho họ. Chứ không thể để sau khi đi bộ đội trở về thì lại coi như vật “thừa” của xã hội được” Thiếu tướng Lê Kế Lâm nhấn mạnh.
Hoàng Lực