Hôn nhân đồng tính vẫn là chuyện nhạy cảm

27/11/2013 07:47
Ngọc Quang
(GDVN) - Tại phiên thảo luận về Luật Hôn nhân gia đình (sửa đổi) ngày 26/11, vấn đề kết hôn của người đồng tính một lần nữa được đưa ra “mổ xẻ”. Nhiều ĐB ủng hộ việc không cấm kết hôn của người đồng tính nhưng cũng không thừa nhận, đồng thời có những chế tài xử lý về mặt pháp luật nếu có phát sinh tranh chấp trong quá trình sống chung. Tuy nhiên, một số ĐB khác lại cho rằng điều này không phù hợp thuần phong mỹ tục, cho nên vẫn phải cấm kết hôn đồng tính.

Hôn nhân đồng tính vẫn là chuyện nhạy cảm

ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định, người đồng giới tính sống với nhau, coi nhau như vợ chồng đang là vấn đề thực tế ở Việt Nam. Cộng đồng người đồng giới tính dưới nhiều hình thức khác nhau cũng đã thể hiện sự mong muốn được nhà nước công nhận và công nhận quyền được sống theo dạng giới và khuynh hướng tính dục của mình.

ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết.
ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết.

“Việc kết hôn giữa những người đồng giới tính nhưng việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới này vẫn diễn ra, thậm chí có những trường hợp gia đình và người đồng giới đã tổ chức công khai lễ cưới và các cơ quan nhà nước cũng phải áp dụng các biện pháp khác nhau để xử lý nhưng vẫn không giải quyết được thực trạng này.

Hôn nhân giữa những người cùng giới tính là vấn đề có tính nhạy cảm xã hội cao. Việc thừa nhận hôn nhân của họ cũng cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau với lộ trình và những bước đi phù hợp. Cho nên trong điều kiện nước ta thì nhà nước quy định không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, nhưng cũng không can thiệp bằng những biện pháp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới và khuynh hướng tính dục của họ. Quy định như vậy theo tôi là phù hợp”, ĐB Tuyết bày tỏ.

Cũng theo ĐB Nguyễn Văn Tuyết, trên thế giới hiện nay có 16 quốc gia công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Đa số các quốc gia khác không cấm việc kết hôn những người cùng giới tính, nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân của họ.

Trong khi đó ĐB Lê Văn Hoàng (TP Đà Nẵng) thì cho rằng, cần phải xác định xem tỷ lệ nam, nữ của chúng ta chiếm bao nhiêu để họ kết hôn, giải quyết được những vấn đề gì, người cùng giới tính chiếm tỷ lệ không lớn, họ được cảm thông và chia sẻ của cộng đồng. Tuy nhiên, những người này thường mặc cảm, giấu giếm về thân phận nên chúng ta ít biết, còn một số người rất bình thường, do suy nghĩ lệch lạc họ vì mục đích tư lợi gì đó tự hóa thân mình thành người đồng tính để gây ảnh hưởng và trật tự xã hội hoặc cũng không ít vụ án do những người này gây ra.

ĐBQH Lê Văn Hoàng. Ảnh: VGP.
ĐBQH Lê Văn Hoàng. Ảnh: VGP.

“Theo tôi, chúng ta nên công nhận người đồng tính được chuyển đổi giới tính theo nguyện vọng và đúng giới của họ, xác định về mặt hành chính như thay đổi tên, giới tính nam, nữ theo yêu cầu của họ sau khi được Hội đồng y khoa xác định về giới tính. Vì hiện nay Bộ luật dân sự năm 2005 chỉ mới được xác định lại giới tính chứ chưa cho chuyển đổi giới tính. Vì vậy, tôi đề nghị giữ nguyên như quy định của luật hiện hành”, ĐB Hoàng nói.

Vào cuối tháng 7/2013, tại một buổi họp báo tại Bộ Tư pháp, ông Dương Đăng Huệ cho biết, Bộ Tư pháp đề xuất với Chính phủ bãi bỏ quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính được quy định tại khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình, mà thay vào đó là “không thừa nhận” việc kết hôn. Nhà nước không thừa nhận việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng quy định việc giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa người cùng giới tính thì được áp dụng các quy định về giải quyết hậu quả việc nam, nữ sống chung như vợ, chồng.

Bàn về khía cạnh này, ĐB Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) ủng hộ bỏ quy định: Cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, đồng thời khẳng định: Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính, nhưng có quy định giải quyết hậu quả của cuộc sống chung của người cùng giới tính.

“Tôi cho rằng đây là lộ trình phù hợp trước khi thừa nhận người đồng tính có quyền kết hôn ở Việt Nam và hầu hết các quốc gia thừa nhận hôn nhân đồng giới đều có quy định quá độ trong luật, từ việc thừa nhận quyền của người đồng giới và việc chung sống như vợ chồng của người đồng giới rồi mới có quy định về thừa nhận hôn nhân đồng giới như Đan Mạch có lộ trình 22 năm”, ĐB Thủy cho hay.

Không thừa nhận hôn nhân thì không thừa nhận qua hệ tài sản?

ĐBQH Vũ Xuân Trường (đoàn Nam Định) nhận định,  không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là phù hợp với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội của người Việt Nam.

ĐBQH Vũ Xuân Trường.
ĐBQH Vũ Xuân Trường.

“Tôi thấy cần xem xét lại vấn đề không công nhận về quan hệ này nhưng lại thừa nhận các quan hệ về tài sản chung phát sinh trong quá trình chung sống giữa những người đồng giới bởi vì nếu đã không công nhận quan hệ về hôn nhân sẽ đồng nghĩa với việc không có xác lập việc đăng ký, thời điểm hôn nhân dẫn tới rất khó xác định thời điểm xác lập phát sinh và chấm dứt các quan hệ về tài sản. Vì thế nếu cho tranh chấp xảy ra thì việc giải quyết sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo tôi nếu đã không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người đồng tính thì cũng không thừa nhận các quan hệ về tài sản và giải quyết tranh chấp về tài sản theo luật này, nếu có xảy ra những vấn đề tranh chấp nói trên thì nên giải quyết chung vấn đề tài sản theo Luật dân sự”, ĐB Trường nói.

Cá biệt có những ĐB bày tỏ thẳng quan điểm cần tiếp tục cấm hôn  nhân đồng giới. ĐBQH Nông Thị Lâm (đoàn Lạng Sơn) cho rằng: “Kết hôn là xác lập quan hệ vợ, chồng giữa nam và nữ và việc chung sống như vợ, chồng giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với đạo đức xã hội thuần phong mỹ tục và truyền thống của gia đình Việt Nam và không đảm bảo chức năng của gia đình về vấn đề duy trì nòi giống. Đồng thời chúng ta cũng phải xem xét và có một báo cáo khảo sát về số liệu hiện nay ở nước ta tỷ lệ người cùng giới tính sống chung chiếm bao nhiêu phần trăm, để họ kết hôn thì vấn đề đó giải quyết như thế nào?

Đây là vấn đề tôi cho rằng Ban soạn thảo cần nghiên cứu, cá nhân tôi không đồng tình đưa vấn đề này vào trong luật, chúng ta hết sức thông cảm, chia sẻ với những người cùng giới tính nhưng chúng ta cũng cần cẩn thận, cân nhắc khi đưa những vấn đề này vào trong luật”.

Ngọc Quang