Trung Quốc sẽ tiếp tục bị bẽ mặt bởi tuyên bố và hành động của Mỹ?

27/11/2013 13:21
Lê Cường
(GDVN) - Nhà quan sát ở Hà Nội cho rằng: Bằng cách công khai thông báo với thế giới việc quân đội Mỹ đã cho 2 máy bay ném bom chiến lược bay quanh quần đảo Senkaku hiện đang do Tokyo kiểm soát, Washington đã truyền đi ba thông điệp:

Tình hình quan hệ ngoại giao, chính trị, quân sự, kinh tế tại khu vực Đông Bắc Á đang có những diễn biến rất phức tạp khi ngày 23/11/2013 Trung Quốc chính thức đơn phương công bố bản đồ và tọa độ "Khu nhận biết phòng không trên biển Hoa Đông"/ADIZ, bao gồm nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát mà Bắc Kinh yêu sách "chủ quyền" với tên gọi Điếu Ngư.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đồng thời công bố các quy tắc mà Bắc Kinh đặt ra cho các máy bay qua lại khu vực này, đồng thời khẳng định quân đội Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp phòng thủ khẩn cấp để đối phó với máy bay nào không hợp tác hoặc từ chối làm theo hướng dẫn khi cơ động trong phạm vi khu nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông.

"Khu nhận biết phòng không trên biển Hoa Đông"/ADIZ, bao gồm nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát
"Khu nhận biết phòng không trên biển Hoa Đông"/ADIZ, bao gồm nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát


Trung Quốc tuyên bố Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông do quân đội nước này quản lý đồng thời khẳng định sẽ bắt đầu thực hiện 6 quy tắc kèm theo bắt đầu từ 10 giờ ngày 23 tháng 11 năm 2013.

Tuyên bố đơn phương của Trung Quốc về Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông ngay lập tức đã bị Mỹ, Nhật Bản lên tiếng phản đối kịch liệt.

Nhật Bản ngay tức thì đã lên tiếng phản đối động thái này của Trung Quốc khi thiết lập cái gọi là "Khu vực nhận biết phòng không ở Hoa Đông", bao trùm cả khu vực nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát.

Giới lãnh đạo cao cấp của Nhật Bản tuyên bố công khai rằng Tokyo hoàn toàn không thể chấp nhận việc thành lập cái gọi là Khu vực nhận biết phòng không của Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản thẳng thừng tuyên bố đáp trả Trung Quốc rằng những gì chính quyền Trung Quốc tuyên bố không có giá trị đối với Nhật Bản.

Ngày 26/11/2013, Nhật Bản cũng đã công khai chỉ đạo các công ty hàng không nước này không phải nộp kế hoạch bay và xin phép Trung Quốc khi đi qua không phận quốc tế ở Hoa Đông, nơi Trung Quốc vừa áp đặt ADIZ.

Riêng đối với Mỹ, cường quốc kinh tế, quân sự đứng đầu thế giới, quốc gia đang tích cực đẩy mạnh chiến lược quay trở lại khu vực, gắn kết các đồng minh tại khu vực Thái Bình Dương cũng đã ngay lập tức phản đối tuyên bố của Trung Quốc về ADIZ tại khu vực Đông Bắc Á.

Về mặt ngoại giao, ngay sau khi chính quyền Trung Quốc chính thức công bố cái gọi là Khu nhận biết phòng không trên biển Hoa Đông, trong ngày 23/11/2013, Văn phòng phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra tuyên bố dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rõ rằng, Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc công bố họ đã xác lập ADIZ.

Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng, hành động leo thang  của Trung Quốc sẽ chỉ gia tăng căng thẳng ở khu vực và tạo ra các nguy cơ xảy ra các sự cố, đồng thời hối thúc Trung Quốc không thi hành lời đe doạ sẽ có hành động đối với máy bay không cung cấp thông tin nhận dạng hoặc không tuân lệnh của Bắc Kinh.

Trên lĩnh vực quân sự, cũng trong ngày 23/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết tuyên bố của Trung Quốc sẽ không làm Mỹ thay đổi cách thực hiện các hoạt động quân sự trong khu vực.

Ông Chuck Hagel đã lập lại quan điểm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và khẳng định rằng: “Mỹ xem sự leo thang này như một nỗ lực gây mất ổn định hòng thay đổi hiện trạng trong khu vực. Hành động đơn phương của Trung Quốc làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm”.

Trong khi đó, Hội đồng An ninh quốc gia thuộc Nhà Trắng cho biết Mỹ đã chuyển mối quan ngại sâu sắc của mình đến Trung Quốc và đang phối hợp và tham vấn chặt chẽ với các đồng minh, đối tác của mình tại khu vực.

Hành động tiếp sau lời nói

Oanh tạc cơ B-52 của Không quân Mỹ đã bay qua khu vực ADIZ, không cần thông báo với Trung Quốc (ảnh AFP)
Oanh tạc cơ B-52 của Không quân Mỹ đã bay qua khu vực ADIZ, không cần thông báo với Trung Quốc (ảnh AFP)

Không chỉ dừng lại ở đó, ngày 26/11/2013, quân đội Mỹ công khai cho biết 2 chiếc oanh tạc cơ chiến lược hạng nặng B-52 của Không quân Mỹ  tối 25/11 (giờ khu vực) đã bay quanh quần đảo tranh chấp Senkaku (đang được Nhật Bản kiểm soát) trên biển Hoa Đông mà không cần thông báo trước cho phía Trung Quốc, bất chấp tuyên bố của Bắc Kinh cho rằng khu vực này nằm trong Khu vực nhật biết phòng không mà Trung Quốc mới thiết lập.

Thực tế Mỹ đang muốn chứng tỏ với khu vực, đặc biệt là với các đồng minh thân cận nhất của mình tại Đông Bắc Á là Hoa Kỳ không nói suông. Đặc biệt là với Trung Quốc, quốc gia có diện tích và tham vọng từ kinh tế cho đến chủ quyền lãnh thổ lớn nhất, không muốn có sự hiện diện của Mỹ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Một nhà quan sát ở Hà Nội nhận định rằng, bằng cách công khai thông báo với thế giới việc quân đội Mỹ cho 2 máy bay ném bom chiến lược bay quanh quần đảo Senkaku hiện đang do Tokyo kiểm soát trên thực tế, Washington đã truyền đi ba thông điệp:

Thứ nhất, Mỹ sẽ giữ cam kết bảo vệ các đồng minh của mình, trong trường hợp này là Nhật Bản trước các nguy cơ bị Trung Quốc gây phiền phức.

Thứ hai, Mỹ phản đối, không để tâm đến tuyên bố ADIZ của Trung Quốc, sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động bay quân sự, (kể cả dân sự nếu có) không cần thông báo cho Bắc Kinh.

Thứ ba, hành động của quân đội Mỹ thể hiện sức mạnh, lợi ích sát sườn của Mỹ tại khu vực, Mỹ đang thực sự hiện diện tại nơi này, Trung Quốc không phải muốn làm gì thì làm.

Một số phân tích khác cho rằng, việc Mỹ cho máy bay ném bom quay qua vùng ADIZ và Trung Quốc mới thiết lập và tuyên bố đã làm bẽ mặt Trung Quốc bởi Mỹ biết rằng Trung Quốc thực sự không dám làm gì hơn ngoài tuyên bố phản đối về mặt ngoại giao hoặc thổi bùng vấn đề này trên truyền thông trong nước để kích thích cái gọi là “lòng yêu nước” của dư luận và cùng lắm là gây áp lực, đe dọa ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa hai nền kinh tế.

Trước một đối thủ mạnh nhất nhì thế giới, luôn sẵn sàng hành động khi lợi ích bị tổn thương, Trung Quốc không thể và không dám hành động liều lĩnh. Trong khi đó, qua những phát ngôn và hành động của Trung Quốc gian đoạn gần đây cũng cho thấy rằng, Bắc Kinh sẵn sàng làm điều cứng rắn đối với các đối thủ nhỏ bé và yếu thế hơn ở khu vực.

Vì sao Trung Quốc thiết lập Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông?

Khu nhận biết phòng không Nhật Bản thiết lập năm 1969, cách bờ biển Trung Quốc gần nhất 130 km.
Khu nhận biết phòng không Nhật Bản thiết lập năm 1969, cách bờ biển Trung Quốc gần nhất 130 km.


Khi tuyên bố thiết lập vùng ADIZ, Bắc Kinh đã viện dẫn rằng “Chính phủ Trung Quốc đã căn cứ vào thông lệ quốc tế để lập ra Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông, bảo vệ trật tự bay trên không” và cho rằng “Đây là biện pháp cần thiết để Trung Quốc thực thi hiệu quả quyền tự vệ, không nhằm vào bất cứ quốc gia và mục tiêu cụ thể nào, không gây ảnh hưởng đến tự do bay ở vùng trời có liên quan”.

Vùng ADIZ gây phản đối ở chỗ nó đã bao trùm cả nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, chồng 1 phần (20 km) lên lãnh thổ Hàn Quốc thuộc phía Tây đảo Jeju, gây quan ngại cả cho đảo Đài Loan và từ ngày 23/11/2013, tất cả các máy bay quân sự của các nước, máy bay dân sự của các hãng hàng không quốc tế qua lại khu vực này đều phải khai báo với Trung Quốc nếu không muốn bị gây khó dễ, thậm chí đe dọa đến an toàn.

Tuy nhiên, mục đích thực sự của Trung Quốc khi tuyên bố vùng ADIZ là gì thì còn gây nhiều hồ nghi. Các phân tích chủ yếu nhấn mạnh đến chiến lược, tham vọng và đòi hỏi lợi ích ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực châu Á Thái Bình Dương nói chung và khu vực biển Hoa Đông nói riêng.

Trong những năm gần đây, Mỹ đẩy mạnh chiến lược hướng Đông, lấy khu vực châu Á – Thái Bình Dương làm trọng tâm để thực hiện những điều chỉnh trong đó có cả ảnh hưởng chính trị lẫn sức mạnh quân sự tại khu vực này.

Chiến lược của Mỹ thực tế đã trái ngược với tham vọng bá chủ của Trung Quốc tại lãnh địa này, chính vì vậy Bắc Kinh thực sự muốn ngáng đường Mỹ, hình thành sân chơi riêng của mình trong khu vực mà người ta vẫn hay ví von là “sân sau” của các cường quốc.

Trước khi Trung Quốc chính thức tuyên bố về vùng ADIZ, truyền thông nước này cũng đã được giật dây, công khai thảo luận và đăng tải những nội dung về vấn đề Khu vực nhận biết phòng không, thúc giục quân đội nước này nhanh chóng thiết lập vùng ADIZ.

Nhiều tờ báo lớn của Trung Quốc cho rằng Trung Quốc cần thiết lập các khu vực nhận biết phòng không, trước hết là trên khu vực hướng biển Hoa Đông, sau đó có thể là khu vực phía Nam ở Biển Đông.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng, sau khi Nhật Bản đầu hàng năm 1945, Mỹ đã xác định "Khu nhận biết phòng không" xung quanh Nhật Bản, do quân Mỹ đóng tại Nhật Bản kiểm soát, mãi đến năm 1969, để thoát khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam, Nixon rút lui chiến lược ở châu Á, hạ lệnh cho quân Mỹ đồn trú tại Nhật chuyển quyền này cho Nhật Bản.

Trên thực tế, Khu vực nhận biết phòng không của Nhật Bản (1969). chỉ yêu cầu các máy bay quân sự, thương mại phải thông báo cho Nhật Bản khi có ý định đi vào không phận trên lãnh thổ của Nhật Bản chứ không ép buộc phương tiện đường không của nước ngoài phải thông báo như tuyên bố ADIZ của Trung Quốc dù chỉ bay qua khu vực này, không hướng vào lãnh thổ Trung Quốc.

Trước khi Trung Quốc thiết lập và tuyên bố vùng ADIZ, Bắc Kinh đã phán đoán được ý định nới rộng khu nhận diện phòng không thiết lập năm 1969 của Nhật Bản và có lẽ Trung Quốc đã quyết định đi trước Nhật Bản một bước để giành ưu thế, ít nhất là về mặt tuyên truyền, dư luận.

Điểm yếu của Trung Quốc tập trung ở hướng Đông

Radar X-band của Mỹ
Radar X-band của Mỹ


Ở góc độ an ninh chiến lược, Trung Quốc tuyên bố vùng ADIZ cũng được xem như một giải pháp để đối phó với khu vực xung yếu nhất trên lãnh thổ to lớn của quốc gia này. Đó chính là hướng Đông nơi tiếp giáp với Biển Hoa Đông và Thái Bình Dương nơi tiềm năng quấn sự hùng hậu của Mỹ có rất nhiều cơ sở quân sự cũng như vũ khí chiến lược có thể hoạt động trên biển cũng như trên không.

Chính giới chuyên gia quân sự của Trung Quốc cũng đã phải thừa nhận rằng, khu vực phía Đông của Trung Quốc gần như đã bị lộ hết trước hoạt động chiến tranh tình báo, gián điệp của Mỹ, Nhật.

Giới quân sự Trung Quốc nói rằng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã xin 12 tỷ yên trong ngân sách năm tài khóa 2014 để thiết lập trạm nghe lén ở đảo Iwo thuộc Tây Thái Bình Dương, cách Tokyo 1.080 km về phía nam. Hành động này nhằm gia tăng mức độ theo dõi đối với hoạt động ngày càng tới tấp của Quân đội Trung Quốc ở vùng biển Thái Bình Dương.

Ngày 19 /9/2013, người đứng đầu Kyodo chính thức cho biết, tiếp nhận việc quân Mỹ triển khai radar X-band tại căn cứ Kyogamisaki của Lực lượng Phòng vệ Trên không, thuộc thành phố Kyōtango, Kyodo. Mục đích thực sự đằng sau hành động này cũng nhằm tăng cường năng lực theo dõi Trung Quốc.

Cự ly dò tim của radar X-band ở Kyoto có thể đạt 3.500 - 6.000 km, việc triển khai loại radar này sẽ làm cho các khu vực Đông Bắc, Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Nam của Trung Quốc, biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông đều nằm trong phạm vi theo dõi, giám sát của Nhật-Mỹ.

Trong hai năm gần đây, Nhật Bản đã tăng cường rất mạnh các hoạt động theo dõi tình báo đối với Trung Quốc. Năm 2012, Nhật Bản đã triển khai radar theo dõi FPS-5 ở căn cứ Shimo-Koshikijima của Lực lượng Phòng vệ Trên không tại tỉnh Kagoshima; mùa hè năm 2013, Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Yonaguni, Okinawa đã ký hợp đồng thuê đất, chuẩn bị triển khai lực lượng theo dõi ven bờ ở Yonaguni, hòn đảo này cách Đài Loan chỉ 110 km.

Global Hawk
Global Hawk
Lê Cường