Vì thiếu tiền, phải tiêm vắc xin Quemvaxem?

02/12/2013 07:57
Ngọc Quang
(GDVN) - “Chúng ta không có quyền đem sinh mạng của những đứa trẻ sơ sinh ra so sánh với bất kỳ chỉ tiêu nào. Cho dù là con em của ai thì cũng là con em của người Việt chúng ta, những chủ nhân của đất nước trong tương lai. Nếu vì thiếu tiền mà chấp nhận tiêm Quenvaxem thì điều đó là không phù hợp với tính nhân văn của dân tộc Việt Nam”, ĐBQH Huỳnh Ngọc Đáng nhấn mạnh.

ĐBQH Huỳnh Ngọc Đáng (tỉnh Bình Dương) nhận định, nhờ những thông tin phản ánh của báo chí nên Bộ Y tế đã có chuẩn bị cho việc tiêm phòng vắc xin tốt hơn, tuy nhiên những trường hợp bị sốc phản vệ vẫn xảy ra rất nhiều, gần đây có một số trường hợp tử vong.

Nhưng không thể nào đem xem xét chỉ tiêu này, chỉ tiêu nọ, bao nhiêu trường hợp sốc phản vệ, bao nhiêu trường hợp tử vong. Bởi chỉ tiêu ấy không thể được so sánh với sinh mạng của các em bé. Đây là vấn đề rất nhân văn. Cho nên tôi tha thiết đề nghị Chính phủ bổ sung thêm 700 tỷ cho ngành Y tế. Đất nước mình khó khăn thì khó khăn thật, nhưng cần phải thay loại vắc xin khác cho an toàn hơn.

ĐBQH Huỳnh Ngọc Đáng.
ĐBQH Huỳnh Ngọc Đáng.
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng cũng đánh giá, trong thời gian vừa qua chỉ có 2 trường hợp tử vong sau tiêm vác xin, nhìn ở một góc độ nào đó thì đó cũng phải ghi nhận những nỗ lực của ngành y tế. Nhưng điều đáng lo ngại là tiêm vắc xin Quenvaxem vẫn có sốc phẩn vệ, không khéo sẽ có thêm trường hợp tử vong nữa.
“Chúng ta không có quyền đem sinh mạng của những đứa trẻ sơ sinh ra so sánh với bất kỳ chỉ tiêu nào. Cho dù là con em của ai thì cũng là con em của người Việt chúng ta, những chủ nhân của đất nước trong tương lai. Nếu vì thiếu tiền mà chấp nhận tiêm Quenvaxem thì điều đó là không phù hợp với tính nhân văn của dân tộc Việt Nam”, ông Đáng nhấn mạnh.
Có một điểm dễ nhận thấy là sau những vụ việc trẻ tử vong vì có liên quan tới vắc xin Quenvaxem thì Bộ y tế và ngay cả các Sở Y tế địa phương đều cho rằng loại vắc xin này vẫn đang an toàn. Tuy nhiên, những thông tin khẳng định từ ngành y tế vẫn khiến cho hàng triệu bà mẹ lo lắng, bởi trên thực tế vẫn đang có những trẻ tử vong sau khi tiêm loại vắc-xin này.
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng nhận định: “Ngành y tế đã chuẩn bị tốt cho khâu tiêm trong lần này, nhưng nó vẫn xảy ra. Dù ngành y tế đã lập ra hội đồng rồi kết luận không phải do vắc xin nhưng không giải thích được nguyên nhân là do đâu, chưa giải thích được những bức xúc của dư luận xã hội. Tại sao lại tử vong trong khi buổi sáng em bé đang khỏe mạnh, mà sau khi tiêm xong lại tử vong? Cho nên không nên nói do vắc xin hay không do vắc xin mà vấn đề chính là cần thay loại vắc xin khác an toàn hơn, ít sốc phản vệ hơn cho trẻ em Việt Nam”.
Nhiều bà mẹ đang lo lắng vì vắc xin Quemvaxem. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Nhiều bà mẹ đang lo lắng vì vắc xin Quemvaxem. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Còn nhớ tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng đã nhắc tới sự việc đau long là có 9 trẻ sơ sinh chết vì tiêm vác-xin Quinvaxem. Được Hàn Quốc viện trợ một số lượng lớn vác-xin Quinvaxem, ngành y tế đã tổ chức tiêm chủng mở rộng cho cho trẻ em. Vấn đề là Hàn Quốc từ nhiều năm trước đã không sử dụng loại vác-xin này vì e ngại độ không an toàn khi tiêm chủng cho trẻ.
“Chúng ta là nước nghèo, còn nhiều khó khăn và được bạn viện trợ, tiếp nhận đưa vào tiêm chủng mở rộng. Nhưng sự cố đã xảy ra, liên tiếp trong 6 tháng gần đây đã có 9 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm chủng loại vác-xin này, và hàng chục ca nguy hiểm khác. Mãi đến ca tử vong thứ 9, sau khi có nhiều ý kiến của chúng tôi thì ngành y tế mới cho dừng tiêm chủng loại vác-xin này”, ĐB Đáng nói.
Từ sự cố này, ông Huỳnh Ngọc Đáng đặt ra câu hỏi: Dù sao thì sự việc cũng đã qua rồi, gia đình của 9 trẻ không may phần nào cũng đã nguôi ngoai nỗi đau. Vấn đề của chúng ta là ngành y tế và cả các bộ, ngành khác rút ra được điều gì quan trọng để làm tốt hơn nữa việc phục vụ nhân dân?
Và lần này, ĐB Đáng tiếp tục đặt ra vấn đề bất ổn từ vắc xin Quemvaxem, nói thay cho nỗi lòng của các ông bố, bà mẹ: “Loại vắc xin này làm cho các bà mẹ khi mang con đi tiêm có tâm lý bất an, lo lắng, hết lần này đến lần khác. Chúng ta cứ dùng loại vắc xin này rồi giải thích là không có tiền thì không được hợp lòng dân lắm. Hoang mang như vậy, nhưng không ai dám khẳng định ngày mai, ngày mốt nó sẽ hết.
Thật ra ngành y tế giờ đây cũng khó xử, khi sốc phản vệ diễn ra quá nhiều. Do đó, cái mà cần quan tâm nhất chính là làm sao ít sốc nhất, ít tử vong nhất. Hiện ở Hàn Quốc hay ở một số nước cũng đã không dùng loại vắc xin Quenvaxem, có thể do nó có nhiều phản ứng và sốc phản vệ. Chỉ có nước khó khăn như chúng ta thì dùng. Cho nên, theo tôi nên thay loại vắc xin khác”.
Ngọc Quang