TQ bắt đầu dùng chiêu khảo cổ, xác tàu yêu sách "chủ quyền" Biển Đông

03/12/2013 07:00
Nguyễn Hường
(GDVN) - Tờ Wall Street Journal hôm 2/12 đưa tin cho biết, Bắc Kinh đã bắt đầu sử dụng một chiêu thức mới nhằm hợp thức hóa các tuyên bố chủ quyền (vô lí) của nước này trên Biển Đông bằng xác thương mại tàu đắm.
Bản sao của tàu Trịnh Hòa khoảng 600 năm tuổi tại bảo tàng Trung Quốc.
Bản sao của tàu Trịnh Hòa khoảng 600 năm tuổi tại bảo tàng Trung Quốc.

Nhóm các nhà khảo cổ học dưới nước của Franck Goddio đã tìm thấy đống đổ nát của một con tàu đắm từ thế kỷ 13 của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Philippines, gần bãi cạn Scarborough tranh chấp với Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi tàu của họ tiếp cận khu vực tàu đắm đã bị máy bay quân sự Trung Quốc ngăn cản với lí do đó là bằng chứng cho tuyên bố chủ quyền của mình khiến chương trình khảo cổ của Goddio bị hủy bỏ.

Ông Goddio, một trong những nhà khảo cổ học biển hàng đầu thế giới người của Pháp, cho biết ông đã từng làm việc trong khu vực này từ những năm 1980 và, từng khai quật được thuyền buồm Trung Hoa thế kỷ 15, những chiếc thuyền buồm Tây Ban Nha thế kỷ 16 và tàu buôn của Anh thế kỷ 18.

Ngoài các chuyến đi năm ngoái, đội của ông đã đến thăm các cụm san hô và bãi cạn Scarborough vào năm 2011. Cả hai cuộc thám hiểm trên là một phần của một dự án nghiên cứu chung với Bảo tàng Quốc gia của Philippines, trong đó hợp tác với các nhà khảo cổ nước ngoài vì thiếu kinh phí nhà nước.
Trong nỗ lực hỗ trợ các tuyên bố bá quyền của mình trên Biển Đông, Trung Quốc đã ra lệnh cho lực lượng bảo vệ bờ biển của mình ngăn chặn các tàu bè của nước khác tiếp cận khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố là bãi khảo cổ học dưới nước của mình và đổ tiền cho các chương trình khảo cổ trên biển.

Các nhà khảo cổ học Trung Quốc đang chuẩn bị tiến hành chuyến khảo sát toàn diện lần đầu tiên các địa điểm dưới đáy biển, bao gồm cả trong các khu vực tranh chấp.

Các quan chức Trung Quốc nói rằng những nỗ lực trên nhằm kiềm chế các hành vi trộm cắp kho tàng dù nó bị vỡ vụn và bị các nhóm săn đồ cổ cướp phá rất nhiều. Lưu Thự Quang, người đứng đầu Trung tâm chính phủ Trung Quốc về Di sản văn hóa dưới được thành lập năm 2009 cho rằng họ muốn tìm kiếm thêm cái gọi là "bằng chứng lịch sử" cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Nhà khảo cổ học người Pháp Franck Goddio.
Nhà khảo cổ học người Pháp Franck Goddio.

Lưu Thự Quang cũng phản đối việc nhóm khảo cổ Pháp tiếp cận xác tàu đắm trong vùng biển của Philippines với lý do "Philippines muốn phá hủy bằng chứng có lợi cho Trung Quốc khẳng định rằng người Trung Quốc là người đầu tiên tìm thấy Scarbourough".

Tuy nhiên, Biển Đông, một trong những tuyến đường thương mại nhộn nhịp nhất thế giới, chứa rất nhiều xác tàu buôn bao gồm cả thuyền buồm Trung Hoa, Ấn Độ và Ả Rập, Hà Lan và Anh và cả tàu chiến Thế chiến II. 
Các nhà khảo cổ Trung Quốc cho biết họ đã thu thập được tọa độ của 70 vụ đắm tàu ​​trong vùng biển này nhưng ước tính có ít nhất 2.000 địa điểm như thế và có còn có nhiều hơn nữa. Họ chưa bắt đầu khai quật tại bãi cạn Scarborough, nhưng đã bắt đầu làm tiếp cận những xác tàu của Trung Quốc xung quanh quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).  

Giới khảo cổ Trung Quốc nói rằng cuộc khảo sát (bất hợp pháp) sẽ bắt đầu trong năm nay hoặc tiếp theo. Trong khi đó, các nhà khảo cổ khác kêu gọi chính phủ tập trung đầu tư cho các chương trình khảo cổ học trên biển bên cạnh tăng cường sức mạnh hải quân. 

Trung Quốc còn đổ tiền cho các nhà nghiên cứu đi tìm tàu Trịnh Hòa mà nước này xem là "bằng chứng" quan trọng cho các tuyên bố của mình trên Biển Đông, đào tạo hơn 100 nhà khảo cổ học trên biển và chi hàng triệu đô la cho các chương trình khám phá trên biển.
"Khảo cổ học trên biển là hành động thể hiện chủ quyền quốc gia", Lệ Tiểu Tiệp, Thứ trưởng Bộ văn hóa Trung Quốc nói.

Tàu Hải Nam 1
Tàu Hải Nam 1

Trong năm 1987, Trung Quốc cũng đã đuổi một nhóm khảo cổ học Anh trên Biển Đông sau khi họ tìm thấy một con tàu buôn 800 tuổi Nam Hải 1 mà tiếp đó được xác định là tàu của Trung Quốc. Kể từ đó, hầu như không có nhóm khảo cổ học nước ngoài nào tham gia vào các sự kiện trên Biển Đông.

Dường như có chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi đang chảy trong các chương trình của Trung Quốc, Jeffrey L. Adams, một nhà nhân chủng học tại Đại học Minnesota, người đã viết về khảo cổ học Trung Quốc nhận định về các động thái trên của Bắc Kinh.
Theo các nhà khảo cổ học, rất nhiều xác tàu buôn Trung Quốc đắm xa đất liền nước này và nằm ở xung quanh các rạn san hô và bãi đá ngoài khơi bờ biển của Malaysia, Brunei, Philippines bởi chúng đã từng sử dụng nơi này để điều hướng và tránh thời tiết xấu.
Một con tàu buôn gặp nạn trong một vùng biển ngày nay có chấp không thể được gọi là "bằng chứng" cho yêu sách chủ quyền, chưa nói đến cái gọi là "bằng chứng lịch sử", một sự đánh tráo khái niệm cố tình của Bắc Kinh.
Xu hướng quốc tế hóa trong những năm gần đây đã xếp các "di sản chung" được phép khai quật chung và chia sẻ thành quả cho những người ở các quốc gia khác nhau.
Không nước ASEAN nào trong các bên có yêu sách ở Biển Đông đã phê chuẩn Công ước bảo vệ di sản văn hóa dưới nước của Unesco. Cho nên, Trung Quốc chỉ có quyền thực thi tuyên bố của mình đối với xác tàu trong khu vực và khai quật chúng, tờ báo nhận định.

Nguyễn Hường