Nhật Bản tăng cường sức mạnh cho tàu khu trục Aegis

03/12/2013 09:39
Việt Dũng
(GDVN) - Nhật Bản muốn tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa, phối hợp với Mỹ chốt giữ ở tuyến đầu, đồng thời tăng cường năng lực phòng vệ đảo hướng tây nam.
Tàu khu trục Aegis thứ năm mang tên Atago bàn giao cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản ngày 15 tháng 3 năm 2007
Tàu khu trục Aegis thứ năm mang tên Atago bàn giao cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản ngày 15 tháng 3 năm 2007

Báo Mỹ: Nhật Bản bắt tay mở rộng đội tàu chiến Aegis

Tân Hoa xã ngày 2 tháng 12 dẫn trang mạng "Strategy Page" Mỹ ngày 28 tháng 11 đưa tin, Nhật Bản có kế hoạch chế tạo thêm 2 tàu khu trục Aegis để mở rộng đội ngũ tàu chiến lắp hệ thống phòng thủ tên lửa của họ.

Theo bài báo, tàu khu trục lớp Kongo của Nhật Bản năm 2010 từng sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis bắn rơi một quả tên lửa ở vùng biển xung quanh Hawaii.

Điều này giúp cho hệ thống phòng thủ tên lửa của tàu khu trục Aegis Nhật Bản đã đạt được thành tích “4 lần bắn, 3 lần thành công”. Nhật Bản đã sở hữu 4 tàu khu trục có thể sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, đồng thời còn có hệ thống Aegis của 2 tàu khu trục sẽ tiến hành nâng cấp để có năng lực phòng thủ tên lửa.

Sau khi 2 tàu khu trục mới được biên chế, Nhật Bản sẽ sở hữu 8 tàu chiến có năng lực phòng thủ tên lửa Aegis. Quá trình nâng cấp chủ yếu bao gồm tối ưu hóa phần mềm của hệ thống điều khiển hỏa lực và radar của hệ thống Aegis, đồng thời dùng tên lửa đánh chặn SM-3 để thay thế một số tên lửa phòng không SM-2. Trong phần kinh phí (gồm cả tên lửa SM-3), chi phí nâng cấp mỗi chiếc tàu chiến khoảng 15 triệu USD.

Tàu khu trục tên lửa Aegis lớp Kongo, Nhật Bản.
Tàu khu trục tên lửa Aegis lớp Kongo, Nhật Bản.

Hải quân Mỹ trong nhiều năm qua luôn tiến hành cải tiến đối với hệ thống điều khiển hỏa lực và radar Aegis sử dụng cho tên lửa đánh chặn SM-3, loại tên lửa có kích cỡ nhỏ hơn một chút so với tên lửa SM-2 và SM-6.

Tên lửa đánh chặn SM-3 có thể tiêu diệt tên lửa đạn đạo và vệ tinh quỹ đạo thấp của Trái đất. Trong các cuộc bắn thử, tỷ lệ thành công bắn rơi tên lửa "địch" của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis là trên 80%.

Tàu chiến Aegis hiện nay đang tiến hành nâng cấp phần mềm phiên bản 4.0, còn bước tiếp theo nâng cấp quy mô lớn (phiên bản 5.0) sẽ đưa năng lực phòng thủ tên lửa trở thành chức năng tiêu chuẩn của phần mềm hệ thống Aegis.

Tàu khu trục được Nhật Bản chế tạo mới sẽ có phần mềm phòng thủ tên lửa Aegis làm trang bị tiêu chuẩn. Trong khi đó, năng lực phòng thủ tên lửa của hệ thống phòng không Aegis ban đầu, ở mức độ rất lớn, sẽ thực hiện bằng phần mềm nâng cấp.

Liên quan đến vấn đề này, đài truyền hình Nhật Bản gần đây cho biết, 2 tàu khu trục mới dự kiến sẽ ký hợp đồng vào năm 2015, 2016 và bắt đầu đi vào hoạt động trước năm 2020, trị giá mỗi chiếc sẽ lên tới gần 200 tỷ yên (khoảng 12,4 tỷ nhân dân tệ).

Tên lửa đánh chặn SM-3 do Mỹ chế tạo, sử dụng cho tàu khu trục Aegis
Tên lửa đánh chặn SM-3 do Mỹ chế tạo, sử dụng cho tàu khu trục Aegis

Tàu Aegis là một loại tàu khu trục kiểu phòng không lắp hệ thống radar Aegis do Mỹ chế tạo – tức là đã lắp thêm hệ thống radar phòng không tiên tiến.

Tàu khu trục Aegis có hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, năng lực phòng thủ vững chắc. Tàu Aegis là một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia và hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực chiến lược của Mỹ. Hiện nay, chỉ có 5 nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Na Uy và Hàn Quốc sở hữu tàu Aegis.

Được biết, Nhật Bản hiện sở hữu 6 tàu Aegis, số lượng chỉ đứng sau Mỹ. Trong đó, có 4 chiếc lắp tên lửa đánh chặn SM-3, ngoài ra, 2 tàu Aegis chưa lắp tên lửa SM-3 cũng đang tiến hành cải tạo, dự kiến có chức năng đánh chặn tên lửa đạn đạo trước năm 2019. Nếu chế tạo thêm 2 chiếc nữa, thì trong tương lai Nhật Bản sẽ sở hữu 8 tàu khu trục Aegis.

Đối phó CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc

Tờ “Yomiuri Shimbun” Nhật Bản gần đây cũng khẳng định, Nhật Bản sẽ chế tạo mới 2 tàu khu trục Aegis để ứng phó tình hình căng thẳng với các nước láng giềng trong tương lai.

Theo bài báo, tàu khu trục loại này có khả năng phòng thủ có hiệu quả tên lửa của đối phương từ mọi hướng, tốc độ phản ứng nhanh, khả năng chống nhiễu mạnh, hỏa lực tác chiến mạnh, có khả năng tiến hành đánh giá tự động các mối đe dọa của “mục tiêu”, từ đó ưu tiên tiêu diệt mục tiêu nguy hiểm nhất.

Tàu khu trục Aegis, số hiệu DDG178 Nhật Bản
Tàu khu trục Aegis, số hiệu DDG178 Nhật Bản

Theo bài báo, Tokyo hy vọng tăng cường lực lượng tàu khu trục Aegis là “do sự phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên đã tạo ra mối đe dọa ‘lửa bén lông mày’ đối với an ninh của Nhật Bản”.

Hơn nữa, mối đe dọa từ Trung Quốc đối với vùng biển phía tây nam của Nhật Bản ngày càng gia tăng… Nếu Nhật Bản triển khai vĩnh viễn một tàu khu trục có hệ thống radar mạnh ở khu vực xung quanh các hòn đảo tây nam thì năng lực phòng thủ và theo dõi của Nhật Bản đối với các máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình của nước láng giềng (Trung Quốc) sẽ được tăng cường.

Ngoài ra, Đài truyền hình NHK Nhật Bản ngày 21 tháng 11 còn cho biết, do Trung Quốc ngày càng tăng cường hoạt động trên biển, trên cơ sở 48 tàu khu trục hiện nay, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch tăng mới 10 tàu khu trục, chủ yếu dùng để ứng phó với tàu ngầm và thủy lôi của “kẻ thù”, kế hoạch này sẽ được viết vào “Đại cương kế hoạch phòng vệ” – đại cương này sắp hoàn thành phương án sửa đổi.

Các nguồn tin cho biết, hiện nay, Trung Quốc đã đơn phương lập ra “Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông”, đè lên Khu nhận biết phòng không của Nhật Bản và các nước láng giềng khác, thậm chí ôm cả không phận đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát.

Điều này đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ Nhật Bản. Quan hệ căng thẳng Trung-Nhật tiếp tục leo thang trong thời gian qua và chưa có dấu hiệu dịu lại.
Biên đội tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Biên đội tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Việt Dũng