Thương lái Trung Quốc săn lùng lợn mỡ để làm gì?

03/12/2013 07:48
Theo Đời sống&Pháp luật
Thời gian gần đây, những con lợn to, nhiều mỡ, ít nạc đang được thương lái Trung Quốc ráo riết thu mua. Nhiều nông dân mừng vì loại thực phẩm này đã bán được giá cao.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, chúng ta có quá nhiều bài học thiệt hại về việc thương lái Trung Quốc mua nông sản ở Việt Nam.

Săn lùng lợn mỡ

Những loại lợn (heo) có trọng lượng lớn trên 100kg vốn là loại bị người tiêu dùng chê vì có nhiều mỡ. Thế nhưng trong thời gian gần đây, những con lợn càng to, càng nhiều mỡ, ít nạc thì bán càng bán dễ. Các thương lái Trung Quốc về tận vùng miền Đông và miền Tây Nam bộ để thu mua và săn lùng những chú lợn đầy mỡ với giá cao. Hiện loại lợn này đã tăng thêm từ 2.000- 3.000 đồng/kg.

Cụ thể, lợn mỡ tăng lên mức từ 44.000 – 45.000 đồng/kg tại chuồng. Trong khi đó, giá lợn loại 1, dáng đẹp, thịt săn chắc… cũng đã lên mức 46.000 – 47.000 đồng/kg. Nhiều hộ chăn nuôi đã và đang tìm cách vỗ béo lợn để bán cho các thương lái Trung Quốc.

Lợn nhiều mỡ được mua với giá cao.
Lợn nhiều mỡ được mua với giá cao.

Hiện nay, giá thành các loại thức ăn chăn nuôi đều tăng cao khiến người nông dân nuôi lợn không có lãi, thậm chí lỗ. Sau một thời gian giá thịt lợn bị giảm, giờ đây, thương lái Trung Quốc thu mua với giá cao khiến cho nhiều người nông dân mừng thầm vì đàn lợn đã có lãi. Tuy nhiên, việc buôn bán này đang tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ.

Một chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi cho hay, vào tháng 4 năm nay, khi thương lái Trung Quốc ồ ạt mua lợn rồi đột ngột dừng khiến giá lợn hơi tại khu vực Đông Nam bộ đã giảm mạnh xuống chỉ còn 34.000-37.000/kg. Nay những thương lái nước này lại quay lại mua.

Dù hiện nay giá mua của họ có cao hơn so với mặt bằng chung, nhưng so với mức giá cũ thì các thương lái Trung Quốc vẫn được lợi. Sau đợt này, nếu các thương lái Trung Quốc ngừng thu mua một cách đột ngột thì giá lợn hơi tại Đông Nam bộ lại đứng trước nguy cơ giảm mạnh. Đồng thời, lợn mỡ vốn không được chuộng và khó tiêu thụ tại thị trường Việt Nam có thể khiến người nuôi khốn đốn vì không tìm được đầu ra. Trong khi đó, lợn nạc lại không đủ để đáp ứng  nhu cầu trong nước.

Trước đó, thương lái Trung Quốc cũng đã thu mua nhiều loại nông sản dị biệt. Có những lúc họ mua một sản phẩm với giá rất cao rồi đột nhiên không mua khiến sản phẩm rớt giá thảm hại. Tình trạng này không phải bây giờ mới diễn ra, năm ngoái tình trạng thương lái thu mua dừa khô với giá cao đã xảy ra. Đỉnh điểm có lúc giá lên tới 100.000 đồng/chục trái dừa khô nhưng chỉ khoảng 2 – 3 ngày sau đó giá dừa khô rớt thảm hại chỉ còn 15.000 đồng/chục.

Vào thời điểm cuối năm 2012, một cơn sốt bắt đỉa bán cho thương lái Trung Quốc diễn ra. Lúc cao điểm, mức giá thu mua lên tới cả triệu đồng 1 kg khiến nhiều người dân đổ xô đi bắt đỉa. Không ai biết thương lái Trung Quốc mua đỉa làm gì, có người bảo để làm giấy, có người bảo làm thuốc thậm chí là làm… xúc xích. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thương lái Trung Quốc bỗng nhiên bỏ đi khiến hàng trăm cân đỉa trở nên vô giá trị và người dân không biết xử lý thế nào đành vứt xuống ao hồ, biển. Nhiều hồ sau đó đen đặc đỉa.

Cũng vào thời điểm cuối năm 2012, các thương lái Trung Quốc đến mua lá điều khô. Giá được thương lái đưa ra là 500 đồng/kg có lúc lên 1.000 đồng/kg. Loại lá bỏ đi này bỗng có giá trên trời nên nhiều nhà đem hái lá hoặc phun thuốc để lá rụng hàng loạt để phơi khô rồi bán. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến năng suất cây điều năm sau. Nhiều sản phẩm dị biệt khác như: ốc bươu vàng, rễ cây sim, chân con trâu… cũng được thương lái Trung Quốc thu mua. Và cuối cùng người chịu thiệt thòi vẫn là nông dân và những người mang hết tài sản của mình đi thu gom nông sản cho thương lái Trung Quốc.

Không nên vội mừng

TS. Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, bà con nông dân không nên thấy thương lái Trung Quốc thu mua với giá cao mà vội mừng. Bởi từ thực tế cho thấy chúng ta đã có nhiều vụ việc phải trả giá quá đắt. Họ có thể mua lợn mỡ ào ào với giá cao rồi không mua nữa thì người nông dân phải bán những con lợn hàng trăm kg như vậy với giá bèo bọt. Chúng ta đã có những bài học trước đó rồi, nên cần phải rút kinh nghiệm một cách sâu sắc.

Hiện nay có một số thông tin cho hay, thấy giá lợn mỡ cao, một số người nông dân đang chuyển sang nuôi một giống lợn mới, giống lợn nhiều mỡ hơn. Thậm chí có việc thương lái Trung Quốc mang lợn giống và thức ăn từ Trung Quốc sang Việt Nam để cho ra đời những giống lợn mỡ phát triển nhanh và trọng lượng lớn.

Trước thông tin này TS. Thịnh cho rằng cần phải điều tra xem có tình trạng trên không. Nếu có thì quả là điều đáng lo ngại. Bởi nếu một hộ gia đình nuôi giống lợn mới nhiều mỡ thì không sao nhưng nếu mang tính phong trào, rộng rãi thì rất nguy hiểm, cần cảnh giác. Bởi nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đàn lợn Việt Nam. Nếu một loại lợn nào đó được chọn làm giống thì đó phải là giống quốc gia, phát triển tốt… còn không thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vật nuôi này. Nếu có tình trạng con giống không tốt được ngấm ngầm tuồn vào Việt Nam thì cơ quan chăn nuôi của các địa phương phải tăng cường giám sát và thực hiện đúng theo quy định về kiểm dịch động vật. Địa phương nào phát hiện mà không ngăn chặn là sai trái và vi phạm pháp luật.

“Chúng ta đã có nhiều bài học đau xót về việc đưa giống về mà không kiểm dịch như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, chuột túi, cá dọn bể… Tất cả những trường hợp này không qua kiểm dịch. Những con vật này khi vào nước ta đã ảnh hưởng rất xấu đến việc phát triển đàn gia súc, gia cầm, ngành chăn nuôi và môi trường sống của chúng ta”, TS. Thịnh cho hay.

Ông Thịnh cũng chia sẻ: “Chúng ta có quá nhiều bài học về việc thương lái Trung Quốc mua nông sản ở Việt Nam. Tất cả những điều đó đều làm sai lạc sản xuất nông sản của nước ta. Về phía chính quyền, theo tôi, không nên thấy đây là một cái lợi, điều đó là liều lĩnh, chưa có định hướng. Ví như bán đỉa, đỉa không có giá trị gì sao lại thu mua. Nếu có một bản kí hợp đồng chính tắc thì người dân mới nên yên tâm”. Vị tiến sỹ chuyên ngành công nghệ sinh học và thực phẩm cũng cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần định hướng cho người dân để tránh bị thiệt hại về mặt kinh tế.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Lâu nay, việc thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua hàng hoá rồi lại đột ngột dừng lại, đẩy nông dân vào tình trạng khóc dở mếu dở đã không còn là lạ. Các cơ quan quản lý cần nhìn nhận rõ bản chất của các hoạt động này. Chúng ta phải cảnh tỉnh đến người dân những mặt được mất để họ có tinh thần cảnh giác”.

Nguy cơ thiếu thực phẩm dịp tết

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng bày tỏ lo ngại, dịp Tết Nguyên đán sắp tới thị trường trong nước cần một lượng thịt lợn tương đối lớn. Nếu Trung Quốc thu mua quá nhiều có thể gây khan hiếm và xáo trộn thị trường. Lúc đó nhà nước lại phải đưa ra các chính sách hỗ trợ để giải quyết tình trạng khan hiếm hàng hoá.

Mù mờ phỏng đoán


Nhiều người không thể lý giải vì sao người Trung Quốc lại thích mua lợn mỡ. Theo thông tin từ một số người chở hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc, có thể người Trung Quốc đang có nhu cầu lớn thịt lợn. Những con lợn lớn xẻ thịt bán lời cao hơn lợn nhỏ. Một số thông tin thì cho rằng người Trung Quốc thích ăn thịt lợn béo. Một số thì cho rằng người Trung Quốc sợ sản phẩm chất tạo nạc…



Theo Đời sống&Pháp luật