Không quân Trung Quốc thiếu kinh nghiệm, dễ "anh hùng lỗ mãng"

04/12/2013 13:41
Đông Bình
(GDVN) - Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Đông Á có vai trò cân bằng tinh tế, khẳng định vai trò đồng minh Mỹ-Nhật đối với an ninh châu Á.
Ngày 3 tháng 12 năm 2013, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Ngày 3 tháng 12 năm 2013, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Không quân Trung Quốc thiếu kinh nghiệm, dễ "anh hùng lỗ mãng"

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 3 tháng 12 dẫn tờ "The Japan Times" cho rằng: "Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vào thứ Hai đến Nhật Bản bắt đầu thăm 3 nước Đông Á, nhiệm vụ cấp bách nhất của ông là để Thủ tướng Shinzo Abe yên tâm, Mỹ kiên quyết phản đối Khu vực nhận biết  phòng không do Trung Quốc mới thiết lập".

Theo bài báo, ngày 2 tháng 12, Phó Tổng thống Mỹ Biden đến Nhật Bản, ở lại 34 giờ, sau đó đến thăm Trung Quốc. Hãng tin CNN Mỹ ngày 2 tháng 12 cho rằng, ông Biden thăm Nhật Bản và Trung Quốc đúng vào "lúc tranh đoạt âm ỉ Khu nhận biết phòng không", tình hình bất ổn trên bầu trời biển Hoa Đông đã gây lo ngại, một sự cố ngoài ý muốn sẽ khiến cho tình hình mất kiểm soát.

Đài truyền hình TV Asahi Nhật Bản cho rằng, Khu nhận biết phòng không của Trung Quốc có 3 yếu tố nguy hiểm: Không quân Trung Quốc còn thiếu kinh nghiệm bay, gây ra sự cố ngoài ý muốn; "chủ nghĩa anh hùng" của Không quân Trung Quốc để xảy ra các hành động lỗ mãng; xảy ra xung đột trên bầu trời đảo Senkaku.

Về vấn đề Khu nhận biết phòng không của Trung Quốc, ngày 2 tháng 12, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh, hy vọng "Nhật-Mỹ có các bước đi thống nhất". Đài truyền hình NHK Nhật Bản cùng ngày cho rằng, xoay quanh vấn đề này, ông Shinzo Abe và Joe Biden có quan điểm thống nhất hay không đã trở thành tiêu điểm chú ý của dư luận.

Ngày 23 tháng 11 năm 2013, Trung Quốc đơn phương lập ra Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông, bị các nước láng giềng phản đối quyết liệt.
Ngày 23 tháng 11 năm 2013, Trung Quốc đơn phương lập ra Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông, bị các nước láng giềng phản đối quyết liệt.

Theo tờ "Sankei Shimbun", ông Abe hy vọng thông qua hội đàm yêu cầu Mỹ thể hiện ý chí mạnh mẽ với Trung Quốc, đó là "không thể khoan nhượng đối với hành động dựa vào sức mạnh để làm thay đổi hiện trạng", khẳng định Nhật-Mỹ chia sẻ tin tức tình báo và tăng cường hệ thống cảnh giới và theo dõi. Theo bài báo, chuyến thăm của ông Joe Biden sẽ là thời điểm quan trọng chi phối chiến lược của Nhật Bản đối với Trung Quốc trong tương lai.

Báo Trung Quốc dẫn một số nguồn tin nước ngoài cho biết, ông Joe Biden muốn Trung Quốc làm rõ ý đồ thiết lập Khu nhận biết phòng không, có nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama không muốn xảy ra tranh chấp với Trung Quốc, Mỹ muốn đóng vai trò cân bằng trong tranh chấp đảo Trung-Nhật, muốn làm "hòa giải".

Theo hãng tin Reuters, ông Biden nỗ lực đạt được cân bằng tinh tế (giữa Trung-Nhật). Ông cam kết với Nhật Bản, từ thập niên 1950 trở lại đây, liên minh quân sự Mỹ-Nhật vẫn có hiệu quả. Nhưng, khi thăm Bắc Kinh, ông Biden có khả năng tìm cách làm lặng sóng căng thẳng tranh chấp lãnh thổ này giữa Nhật Bản-Trung Quốc.

Theo học giả Giả Khánh Quốc, Đại học Bắc Kinh, không có nhiều khả năng lập tức có phương án giải quyết đối với Khu nhận biết phòng không. Trung Quốc có thể viện cớ có hơn 20 quốc gia cũng thiết lập Khu nhận biết phòng không để biện hộ cho hành động của họ. Tờ "Kommersant" Nga cho rằng, khi thăm Trung Quốc, ông Biden có thể sẽ bỏ qua những vấn đề gai góc, quan tâm đến thúc đẩy "quan hệ nước lớn kiểu mới Trung-Mỹ".

Sau khi Trung Quốc lập ra Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông, Mỹ đã điều máy bay ném bom chiến lược B-52 đến đó tập trận.
Sau khi Trung Quốc lập ra Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông, Mỹ đã điều máy bay ném bom chiến lược B-52 đến đó tập trận.

Tờ "JoongAng Ilbo" Hàn Quốc cho rằng, sau khi phối hợp với Nhật Bản, nếu tới Trung Quốc ông Biden đưa ra phương án giải quyết điều hòa, thì rất có thể trở thành cơ hội giải quyết vấn đề Khu nhận biết phòng không. Nhưng, nếu Mỹ-Nhật yêu cầu Trung Quốc thay đổi Khu nhận biết phòng không, tăng cường quyền tự vệ tập thể của Nhật Bản, bày tỏ tư thế cứng rắn, thì có thể làm trầm trọng hơn xung đột với Trung Quốc.

Mỹ-Nhật thống nhất ứng phó với vấn đề Khu nhận biết phòng không

Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 3 tháng 12 đưa tin, Phó Tổng thống Mỹ Biden thăm Nhật Bản từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 12 năm 2013. Khi được hỏi về vấn đề Trung Quốc đơn phương lập ra Khu nhận biết phòng không, ông Biden chỉ cho biết, Nhật-Mỹ sẽ nhất trí ứng phó với vấn đề Khu nhận biết phòng không.

Tại Nhật Bản, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có các cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, ông Taro Aso, Tổng thư ký Đảng Tự do Dân chủ (LDP) Shigeru Ishiba, đại diện Đảng Dân chủ Banri Kaieda. Khi được hỏi đến việc vấn đề Khu nhận biết phòng không của Trung Quốc, ông Biden cho rằng: "Không ủng hộ cách làm thay đổi hiện trạng (của Trung Quốc), về vấn đề Khu nhận biết, Mỹ-Nhật sẽ áp dụng hành động thống nhất".

Chiều tối ngày 3 tháng 12, Phó Tổng thống Mỹ Biden cũng có cuộc hội đàm 1 giờ đồng hồ với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ông Shinzo Abe cho biết: "Môi trường an ninh Khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng nghiêm trọng. Phó tổng thống Biden thăm Nhật Bản vào lúc này có ý nghĩa quan trọng. Hy vọng Nhật-Mỹ có thể tận dụng cơ hội này gia tăng quan hệ chặt chẽ đồng minh Nhật-Mỹ".

Trong thời gian qua, Nhật Bản luôn áp dụng thái độ cứng rắn với Trung Quốc ở biển Hoa Đông
Trong thời gian qua, Nhật Bản luôn áp dụng thái độ cứng rắn với Trung Quốc ở biển Hoa Đông

Ông Biden đáp lại: "Cảm ơn Thủ tướng Shinzo Abe đã đóng góp rất nhiều cho phát triển đồng minh Nhật-Mỹ trong thời gian ngắn. Đồng minh Nhật-Mỹ không chỉ là nền tảng bảo đảm an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà còn của hai nước". Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật là nền tảng của an ninh khu vực Thái Bình Dương trong giai đoạn hiện nay cũng như trong 20 năm tới, thậm chí lâu hơn. Ông Biden mong muốn giữ vững mối quan hệ đồng minh chặt chẽ này.

Cuộc họp báo sau hội đàm cũng xoay quanh hợp tác quốc tế Nhật-Mỹ, trong đó có cứu trợ thảm họa, triển khai viện trợ quốc tế, hợp tác bảo đảm an ninh, các vấn đề Trung Đông, Syria, bảo đảm an ninh hàng hải ở Đông Nam Á. Ngoài ra còn có vấn đề hợp tác TPP Nhật-Mỹ và vấn đề di dời căn cứ Futenma của quân Mỹ tại Nhật Bản.

Khi sắp kết thúc cuộc họp báo, nhắc đến Khu nhận biết phòng không, ông Shinzo Abe cho rằng: "Không thể chấp nhận cách làm có ý đồ đơn phương làm thay đổi hiện trạng của Trung Quốc, hy vọng dựa trên đồng minh Nhật-Mỹ, tiến hành hợp tác chặt chẽ trong vấn đề Trung Quốc lập ra Khu nhận biết phòng không". Ông Biden tái khẳng định: "Không cho phép cách làm thay đổi hiện trạng. Về khu nhận biết phòng không, Mỹ-Nhật sẽ thống nhất hành động".

Trả lời phỏng vấn tờ "Asahi Shimbun" Nhật Bản, ông Joe Biden cũng cho biết: "Tôi cảm thấy lo ngại đối với vấn đề Khu nhận biết, hy vọng giữa Nhật-Trung sớm xây dựng cơ chế quản lý khủng hoảng, đồng thời tiến hành hợp tác mới tăng cường lòng tin là rất cần thiết".

Đến ngày 4 tháng 12, ông Joe Biden sẽ rời Nhật Bản sang thăm Trung Quốc, sau đó sẽ đến thăm Hàn Quốc.

Hiện nay, Mỹ đã triển khai 1 tàu tuần duyên chốt giữ eo biển Malacca, Trung Quốc vừa lần đầu tiên điều biên đội tàu sân bay Liêu Ninh xuống Biển Đông thử nghiệm, trong khi Nhật Bản cũng vừa điều tàu sân bay trực thăng Ise lớp Hyuga (trong hình) đến Philippines cứu hộ...
Hiện nay, Mỹ đã triển khai 1 tàu tuần duyên chốt giữ eo biển Malacca, Trung Quốc vừa lần đầu tiên điều biên đội tàu sân bay Liêu Ninh xuống Biển Đông thử nghiệm, trong khi Nhật Bản cũng vừa điều tàu sân bay trực thăng Ise lớp Hyuga (trong hình) đến Philippines cứu hộ...
Đông Bình