PGS Văn Như Cương:

Chúng ta phải phân biệt có tiêu cực trong dạy, học thêm hay không

05/12/2013 14:38
Xuân Trung
(GDVN) - Lại nói về chuyện dạy thêm, học thêm, câu chuyện này đã làm nhức đầu những người làm quản lý ngành giáo dục. Thực hiện Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thì câu chuyện này sẽ được giải quyết ra sao?
Về bản chất dạy thêm, học thêm không có gì là xấu, nhưng một khi đi quá giới hạn khả năng chịu đựng của nhiều gia đình, nhiều học sinh thì đó là tiêu cực, đáng lên án. Trong buổi Tọa đàm trực tuyến về đột phá trong thi cử và khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm mới đây, PGS. Văn Như Cương khẳng định, dạy thêm, học thêm là không xấu, quan trọng chúng ta có phân biệt được tiêu cực trong nó hay không?
“Ngày trước học thêm rất trong sáng, giáo viên phụ đạo cho học sinh kém hay như bồi dưỡng học sinh khá, đó cũng là dạy thêm nhưng không lấy tiền, chúng ta phải tiến tới điều đó chứ không phải là cấm dạy thêm, học thêm một cách tràn lan”. PGS. Văn Như Cương nêu quan điểm.

PGS. Văn Như Cương tại buổi Tọa đàm. Ảnh Xuân Trung
PGS. Văn Như Cương tại buổi Tọa đàm. Ảnh Xuân Trung

Còn PGS.TS Đinh Xuân Khoa, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Vinh – một trong những cái nôi đào tạo giáo viên lớn của cả nước cho biết, trong dạy thêm và học thêm cũng có những tích cực, nhưng dạy thêm, học thêm tràn lan là tiêu cực. Ông dẫn chứng tại TP. Vinh (Nghệ An), ngoài các yếu tố khác thì chương trình đang nặng trong khi đó học sinh chỉ học một buổi/ngày, do chương trình không dạy hết nên phải học thêm là tất yếu. Thêm nữa, thi cử lại theo ứng thí, đi học thầy phải dạy đọc cho học sinh chép, sau đó tái hiện lại. 

PGS. TS. Đinh Xuân Khoa cũng nhận định, dạy thêm, học thêm cũng là một yếu tố tâm lý của  phụ huynh, một buổi các em đến trường, mặc dù được nhà trường quản lí rất chặt chẽ, nhưng buổi còn lại học sinh ở nhà và nhiều phụ huynh muốn gửi con cho các thầy quản lý trong thời gian bố mẹ đi làm, giải pháp mà PGS Khoa đưa ra là phải dạy hai buổi/ngày để hy vọng khắc phục được tình trạng này.

Lãnh đạo trường ĐH Vinh cũng đồng quan điểm khi cho rằng, nên duy trì dạy thêm, học thêm theo hướng tích cực, trong trường cá thể hóa học sinh yếu kém để bồi dưỡng. Những học sinh trung bình chỉ hướng dẫn trên cơ sở tự nguyện của các em, tránh tình trạng đưa phần kiến thức lẽ ra dạy trong phần chính khóa lại mang về dạy thêm. 

Để xem được động cơ dạy thêm, học thêm, theo PGS. Văn Như Cương chúng ta cần có một cuộc điều tra xã hội học, điều tra theo hướng trường nào học sinh nhiều tiền mà đi học thêm và nhiều tiền nhưng lại không đi học thêm. Mục đích để thấy yêu cầu học thêm nằm ở bộ phận nhân dân nào.

“Nói chung phải thầy dạy giỏi, học sinh tiếp thu nhanh sẽ không cần học thêm, điều đó là tất nhiên. Nguyên lý vì thiếu nên mới phải thêm, ăn không đủ no thì phải ăn thêm. Nếu trong trường hợp cung cấp đầy đủ kiến thức cho học sinh thỏa mãn rồi thì tự sẽ không cần đi học thêm” PGS. Văn Như Cương nhấn mạnh tới công tác chương trình và SGK.

Hàng năm, cứ đến các kỳ thi lại xuất hiện nhiều lớp học thêm được mở ra, mặc dù đã có nhiều văn bản ban hành liên qua tới dạy thêm, học thêm. Nhiều nhà chuyên môn cho biết có cung thì sẽ có cầu, nói như  PGS. Văn Như Cương thì nhiều em muốn được vào trường ông phải đi luyện những bài toán khó hóc búa, thế nhưng đến lúc thi lại không trúng tủ. Do đó, không phải ai đi học thêm cũng là giỏi, cũng là khá.
PGS.TS Đinh Xuân Khoa, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Vinh đồng ý quan điểm nên có một môi trường dạy thêm, học thêm trong sạch. Ảnh Xuân Trung
PGS.TS Đinh Xuân Khoa, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Vinh đồng ý quan điểm nên có một môi trường dạy thêm, học thêm trong sạch. Ảnh Xuân Trung

PGS. TS Đinh Xuân Khoa thông tin thêm, trong nhiều năm qua Trường ĐH Sư phạm Vinh đón nhiều em thủ khoa điểm cao, điều đặc biệt là các em này đều ở nông thôn, kinh tế khó khăn không có điều kiện đi học thêm nhưng vẫn đạt được thành tích cao. 

“Nếu muốn chấm dứt phải có quá trình lâu dài, tôi đồng ý các ra đề mở làm sao phát huy năng lực học sinh, cũng có thể chống được dạy thêm, học thêm” PGS. Khoa nói thêm.

Nhận định về thực trạng này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, hiện nay dạy thêm, học thêm vẫn đang là gánh nặng với nhiều gia đình. Không chỉ nguyên nhân là chương trình hay SGK mà còn do quản lý. 

“Tôi khuyên các phụ huynh hãy kỳ vọng vào con mình vừa phải mà hãy kỳ công cho con mình nhiều hơn”. Thứ trưởng Hiển lưu ý.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết, trong Nghị quyết về đổi mới giáo dục đã ghi rõ; nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục sẽ được hưởng mức lương cao nhất và phụ cấp nghề nghiệp, để có đời sống tối thiểu tránh tình trạng dạy thêm, học thêm. 

Bên cạnh đó, giải pháp nữa là cần coi trọng việc đánh giá chất lượng, hiệu quả cống hiến, cũng như tạo điều kiện cho nhà giáo trẻ làm việc. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói tiếp, trong những năm qua việc thi, kiểm tra đánh giá đã tập trung vào kiến thức cơ bản, theo yêu cầu. Nhiều em ở nông thôn với điều kiện kinh tế khó khăn không được đi học thêm nhưng điểm vẫn rất cao, ngành giáo dục và đào tạo đang cố gắng thực hiện thay đổi đánh giá học sinh chứ không chờ sau năm 2015.
Xuân Trung