Mỹ "oanh tạc" đảo Guam bằng 2.000 con chuột chết

06/12/2013 15:05
Nguyễn Hường
(GDVN) - Ước tính có khoảng hơn 2 triệu con rắn cây màu nâu sống trên đảo Guam. Trong khi các phương pháp tiêu diệt rắn khác đã chứng minh rằng không hiệu quả, thì các quan chức Mỹ hiện đang kỳ vọng rằng chuột sẽ giúp họ giải quyết được vấn nạn này.

Lực lượng Mỹ hôm Chủ nhật tuần trước đã phải rải 2.000 con chuột chết lên đảo Guam, nơi có căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ, trong nỗ lực thu hút và tiêu diệt loài rắn cây đang đe dọa xâm lấn lãnh thổ của con người.

Những con chuột chết được rải khắp cánh rừng gần căn cứ Không quân Anderson, để những con rắn cây màu nâu có thể tìm thấy chúng dễ dàng. 

Rắn cây nâu đe dọa căn cứ ở Guam của lực lượng Mỹ.
Rắn cây nâu đe dọa căn cứ ở Guam của lực lượng Mỹ.

Những con chuột chết đều được tiêm acetaminophen có thể giết chết những con rắn chỉ với một liều nhỏ, nhưng sẽ không gây hại cho các động vật khác trừ phi một con trong số chúng ăn tới hơn 500 con chuột trên. Những con rắn ăn phải chuột được tiêm thuốc độc sẽ chết trong vòng 72 giờ. 
Rắn cây nâu được đưa lên đảo từ những năm 1950. Trước đó, chúng không hề gây ra mối nguy hiểm cho con người, nhưng những rắc rối bắt đầu xuất hiện khi căn cứ Không quân của Mỹ được thành lập trên Guam. 
Theo RT, những con rắn này đã đe dọa hoặc xóa sổ gần như tất cả các loài chim bản địa trên đảo, gián tiếp ảnh hưởng tới cây bản địa được các loài chim phát tán hạt.
Ngoài tác hại về môi trường, theo NBC News, những con rắn cây nâu còn gây ra khoảng 80 vụ cúp điện mỗi năm do trúng leo vào trạm biến áp. Chi phí sửa chữa các sự cố như thế này lên tới 4 triệu USD/năm. Các vụ rắn cây nâu cắn người cũng gia tăng, mặc dù nọc độc của chúng không gây tử vong.
Ước tính có khoảng hơn 2 triệu con rắn cây màu nâu sống trên đảo Guam. Trong khi các phương pháp tiêu diệt rắn khác đã chứng minh rằng không hiệu quả, thì các quan chức Mỹ hiện đang kỳ vọng rằng chuột sẽ giúp họ giải quyết được vấn nạn này.
Dẫu vậy, kế hoạch "bom chuột" của quân đội Mỹ đã khuấy động các nhà hoạt động bảo vệ động vật hoang dã. Một số nhà hoạt động đã lên án động thái trên vì cho rằng cách thức này vô đạo đức./.
Nguyễn Hường