Đảm bảo an toàn lao động trong các ngành có nguy tai nạn cao

10/08/2013 04:03
Theo Quỳnh Nga/VEN
(GDVN) - Ngành xây dựng, khai thác khoáng sản, hóa chất, điện… được coi là những ngành có nguy cơ cao về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chiếm trên 60% tổng số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng. Trước tình hình này, Việt Nam đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện các dự án nhằm đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) trong các ngành có nguy cơ cao.
“Mổ xẻ” nguyên nhân

Mặc dù thời gian gần đây, tần suất TNLĐ trong các ngành có nguy cơ cao đang có chiều hướng giảm dần, trong đó lĩnh vực xây dựng giảm 8,89%, khai khoáng giảm 5,54% và sử dụng điện giảm 6,84%... Tuy nhiên, số vụ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp trong các ngành này vẫn chiếm tỷ lệ tương đối cao trong tổng số các vụ TNLĐ (trên 60%). Trong năm 2013, đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc như vụ sập giàn giáo tại công trình Cầu Sông Tranh (Ninh Giang, Hải Dương) đã làm 3 người chết; sạt lở mỏ đá ở Lèn Rỏi (Tân Kỳ, Nghệ An) làm 2 người chết…

Để giảm thiểu TNLĐ, quan trọng nhất vẫn là tính tự chủ của các đơn vị, cá nhân
Để giảm thiểu TNLĐ, quan trọng nhất vẫn là tính tự chủ của các đơn vị, cá nhân

Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục ATLĐ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nguyên nhân dẫn đến các vụ TNLĐ trong các ngành này luôn chiếm tỷ lệ cao ngoài yếu tố khách quan như điều kiện thời tiết khắc nghiệt: mưa, bão, nắng nóng, ngập lụt, nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa quan tâm đúng mức đối với công tác ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ, người lao động chưa có ý thức tự bảo vệ mình tránh khỏi những rủi ro, tai nạn.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện cả nước có 120 thanh tra về ATVSLĐ, trong khi đó số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hơn 500.000, do đó số doanh nghiệp được thanh tra hàng năm là rất ít (khoảng 3%), không đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất. Việc xử lý các vi phạm pháp luật về ATVSLĐ chưa nghiêm, không đủ sức răn đe dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về ATVSLĐ còn rất phổ biến.

Các tổ chức quốc tế vào cuộc

Trước tình hình trên, Việt Nam đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện các dự án nhằm tăng cường việc đảm bảo ATLĐ trong các ngành có nguy cơ cao. Tiêu biểu là việc ký kết thực hiện dự án “ATVSLĐ trong các ngành có nguy cơ cao tại Việt Nam”, giữa Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) với sự hỗ trợ 720.000 USD của Chính phủ Nhật Bản.

Dự án triển khai từ 2012-2014, tập trung vào hai mục tiêu cụ thể, nâng cao việc thực thi các tiêu chuẩn về ATVSLĐ trong những ngành có nguy cơ cao; hạn chế, phòng ngừa những mối nguy cơ và độc hại do amiăng và các hóa chất khác gây ra đối với sức khỏe của người lao động trên cơ sở phối hợp vớí Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới. Đối tượng thụ hưởng của dự án sẽ là những người làm công tác ATVSLĐ, người lao động, người sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực kinh tế phi chính thức và nông thôn tại 5 tỉnh (Bắc Kạn, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Đồng Nai).

Hay “Dự án hợp tác đào tạo nâng cao năng lực sản xuất than” do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) tài trợ cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Dự án nhằm nâng cao năng lực sản xuất và quản lý an toàn cho các mỏ than Việt Nam thông qua tuyển chọn các cán bộ Việt Nam gửi sang đào tạo tại Nhật Bản. Đồng thời, cử các chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam khảo sát, điều tra thực tế tại các mỏ hầm lò; tổ chức các khóa đào tạo tại chỗ nhằm góp phần nâng cao năng lực xử lý và quản lý sản xuất cho các cán bộ kỹ thuật và công nhân Việt Nam.

Ông Karashima Hiroshi, Hiệp hội Phòng chống TNLĐ ngành mỏ Nhật Bản (Japan Mining Safety and Health Association) cho rằng, quy chế nhà nước chỉ đưa ra ở mức tối thiểu cần thiết, quan trọng nhất vẫn là tính tự chủ của các đơn vị, cá nhân. Đặc biệt, trong ngành mỏ, thay vì chỉ tuân thủ những điều đã được quy định trong luật và thực hiện đào tạo an toàn để làm sao không vi phạm, sẽ hiệu quả hơn nếu người chủ mỏ có phương pháp “quản lý rủi ro” nhằm loại bỏ tận gốc rễ tai nạn mỏ. Cụ thể là, chủ động điều tra hiện trạng của mỏ, tìm hiểu những nguy cơ mất an toàn và đưa ra biện pháp đối ứng nếu nguy cơ đó xảy ra…/.
Theo Quỳnh Nga/VEN