Đừng để tai nạn lao động trở thành gánh nặng xã hội!

20/07/2013 05:29
Theo Thế Phương / Hà Nội Mới
(GDVN) - Tại Hội thảo "Vai trò của thanh tra lao động đối với việc thúc đẩy phòng ngừa và hợp tác với các đối tác xã hội" được tổ chức giữa tháng 7, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đưa ra một con số thống kê rất đáng suy nghĩ: Hằng năm, có khoảng 500-550 người chết do tai nạn lao động.
Còn theo kết quả kiểm tra của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc thực hiện luật pháp và công tác quản lý bảo hộ lao động ở các doanh nghiệp còn rất nhiều vấn đề. Tình trạng làm thêm giờ khá phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người lao động. Trong khi đó, điều kiện làm việc ở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, rất khắc nghiệt, nguy hiểm. 

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là người sử dụng lao động không thực hiện đúng các quy định, quy trình về an toàn lao động và cả những yếu tố được gọi là… bất khả kháng (?). Trong khi đó, không ít doanh nghiệp tư nhân sử dụng nhà xưởng, công nghệ, thiết bị lạc hậu, không an toàn, không quan tâm đến công tác bảo hộ lao động.

Thậm chí, có doanh nghiệp còn tìm mọi cách che đậy thông tin cũng như những hành vi vi phạm dẫn đến tai nạn lao động. Một vấn đề nữa, việc xử lý vi phạm về an toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) hiện nay chủ yếu trông cậy vào đội ngũ thanh tra viên làm nhiệm vụ thanh tra nhà nước về AT-VSLĐ nhưng lực lượng này chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu thanh tra, kiểm soát doanh nghiệp, chưa kể nguồn ngân sách cho hoạt động khá eo hẹp. 
Những vấn đề nêu trên không mới nhưng nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn xảy ra và cướp đi sinh mạng của nhiều người? Trước hết, có thể nói rằng: Quy định của pháp luật về AT-VSLĐ tương đối đầy đủ và cụ thể song nhiều doanh nghiệp đã phớt lờ việc xây dựng nội quy vận hành an toàn cho từng loại máy móc, thiết bị. Việc huấn luyện định kỳ về AT-VSLĐ sơ sài, mang tính đối phó... Còn người lao động có thể do thiếu hiểu biết hoặc "nhắm mắt" cho cuộc mưu sinh nên bất chấp nguy hiểm. Vấn đề cần đặt ra là phải nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người sử dụng lao động, người lao động và đẩy mạnh xử lý vi phạm.
Trong khi cả người sử dụng lao động và người lao động chưa tự giác chấp hành các quy định về AT-VSLĐ thì những biện pháp, chế tài đủ mạnh là hết sức cần thiết. Bên cạnh việc nâng mức xử phạt hành chính trong vi phạm lĩnh vực AT-VSLĐ, cần có chế tài xử lý nghiêm những chủ lao động chạy theo lợi nhuận mà vô trách nhiệm với tính mạng, sức khỏe của người lao động. Việc thanh tra, kiểm soát AT-VSLĐ trong các doanh nghiệp cũng cần được tăng cường với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Chúng ta đã nhận được những bài học đau đớn sau nhiều vụ sập mỏ đá, hầm khai thác vàng… và điều đó không thể tái diễn. 
"An toàn là bạn, tai nạn là thù", tai nạn lao động là nỗi đau lớn nhất của người lao động. Chịu hậu quả trước hết chính là người lao động và gia đình, nhưng tai nạn lao động cũng để lại những gánh nặng không thể lường hết cho xã hội. Không thể viện vào các điều kiện khách quan để ngụy biện cho những yếu kém trong quản lý. Bộ LĐ-TB&XH, các ngành chức năng và cả cộng đồng cần có những hành động cụ thể để đẩy lùi vấn nạn này./.
Theo Thế Phương / Hà Nội Mới