Hỗ trợ việc làm cho người sau cai nghiện ma túy

17/09/2013 09:28
Theo Thanh Thúy/Báo Hải Phòng
(GDVN) - Hỗ trợ tâm lý, hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý là yêu cầu cấp bách giúp họ có cuộc sống ổn định, lương thiện, tránh tái nghiện. Nhưng để thực hiện chương trình này có hiệu quả không dễ…
Việc làm cho người sau cai: vẫn khó

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cái khó này trong đó phải kể đến đặc điểm tâm lý của người sau cai, sự kỳ thị phân biệt đối xử và cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp khi sử dụng lao động là người từng có quá khứ nghiện ma túy.

Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hải Phòng Nguyễn Đức Phan cho biết: “Người sau cai dù tạm thời không dùng ma tuý nhưng để duy trì những hành vi, nếp sống hàng ngày như ăn, ngủ, sinh hoạt như người bình thường rất khó khăn, sức khoẻ suy giảm, không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Mặc khác, việc đào tạo nghề, rèn luyện kỹ năng lao động cũng như ý thức kỷ luật là điều kiện cần ở người lao động thì với người sau cai nghiện ma túy khó đáp ứng yêu cầu này. Bên cạnh đó, phần lớn người nghiện có trình độ văn hoá, tay nghề thấp, hoặc từng có hành vi trộm cắp, khiến chủ sử dụng lao động băn khoăn, nghi ngại. Do đó, tạo việc làm cho người sau cai là vấn đề rất khó”. Hằng năm, Hải Phòng có khoảng 1500 - 1600 người cai nghiện tại cộng đồng, tại các trung tâm hồi gia không tìm được việc làm.

Tạo việc làm cho người sau cai nghiện là một trong những giải pháp hữu hiệu chống tái nghiện. Trong ảnh: Học viên Trung tâm Giáo dục-Lao động số 2 trong giờ lao động, sản xuất.
Tạo việc làm cho người sau cai nghiện là một trong những giải pháp hữu hiệu chống tái nghiện. Trong ảnh: Học viên Trung tâm Giáo dục-Lao động số 2 trong giờ lao động, sản xuất.

Giúp người sau cai nghiện tiếp cận việc làm, trong quá trình cắt cơn, chữa bệnh, một số trung tâm cai nghiện tập trung trên địa bàn thành phố như Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội Hải Phòng, Trung tâm Giáo dục Lao động số 2 tổ chức dạy nghề cho học viên theo hình thức vừa học vừa làm, kết hợp lao động trị liệu. Theo đó, học viên được học nghề khâu bóng, làm vàng mã, thêu, may công nghiệp, làm gốm…

Nhưng số học viên hồi gia tìm được việc làm không nhiều. Theo ông Nguyễn Đức Phan, hiện, trên địa bàn thành phố có một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền phong, Công ty TNHH một thành viên Cảng Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Điện lực, Công ty đúc Tân Long, Công ty TNHH Đức Việt Anh nhận một số học viên của Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội Hải Phòng về làm việc. Đối với những học viên sau cai nghiện được doanh nghiệp tiếp nhận, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hải Phòng tư vấn cho doanh nghiệp giám sát tổ chức cai nghiện, phân công cán bộ công đoàn, y tế thường xuyên giúp đỡ, động viên họ yên tâm làm việc.

Sớm có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp

Mặc dù có doanh nghiệp tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc song số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận người sau cai nghiện, cần có cơ chế khuyến khích cụ thể. Chính phủ ban hành Quyết định số 212/2006 về tín dụng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai nghiện ma tuý qua Ngân hàng chính sách xã hội.

Theo đó, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất cho vay hộ nghèo. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng quy định miễn thuế thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp dành riêng cho người lao động là người tàn tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV. Tuy nhiên, sau 7 năm quyết định có hiệu lực, Chính phủ chưa quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện xác định việc giảm thuế, tiêu chí xác định doanh nghiệp dành riêng cho người lao động là người nhiễm HIV và người sau cai nghiện khiến doanh nghiệp chưa “mặn mà” với việc nhận người sau cai nghiện vào làm việc.

Nhằm hạn chế tỷ lệ người sau cai tái nghiện, bên cạnh việc có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người sau nghiện ma túy vào làm việc, hỗ trợ vốn giúp họ phát triển kinh tế gia đình cũng là giải pháp khả thi. Theo Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đỗ Văn Bình, người sau cai nghiện ma túy có thể làm việc trong khu vực phi chính thức với những công việc tại gia đình hoặc tổ, nhóm làm nghề thủ công như may, mây tre, đan lát, thêu tranh hoặc kinh doanh nhỏ (sửa chữa điện thoại, in, phô tô, tạp hóa…).

Hiện, Hải Phòng đang thực hiện dự án hỗ trợ hòa nhập, phát triển kinh tế cho người nhiễm HIV, trong đó có người sau cai nghiện do Trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển-Viện Khoa học Lao động Xã hội-Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tài trợ. Dự án được triển khai từ tháng 12-2012 đến tháng 12-2014. Bước đầu, 27 hộ gia đình có người nghiện, nhiễm HIV ở xã  Quốc Tuấn (huyện An Lão), một số thành viên nhóm Sóng biển ở quận Đồ Sơn được vay vốn phát triển kinh tế, trong đó nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ước tính trong số 240 nghìn người nhiễm HIV ở Việt Nam có 42 nghìn người chưa có việc làm. Chương trình tạo việc làm hiện tại mới giúp đỡ được 9% trong số này. Tỷ lệ người sau cai có việc làm là 5 - 25%.

Theo Thanh Thúy/Báo Hải Phòng