"Super Liga" của bầu Kiên - Ý tưởng hay nhưng hoang đường

10/09/2011 10:25
Đỗ Âu
(GDVN) - 'Bầu Kiên' đã vạch ra đúng những mặt hạn chế ở bóng đá Việt, nhưng chỉ trích thì bao giờ cũng dễ hơn đưa ra ý tưởng khắc phục.
Để chứng tỏ cho cái sự bức xúc của mình đã vượt quá mức chịu đựng, bầu Kiên đã tuyên bố có tới 7 đội bóng ở V-League sẽ bỏ giải mà đứng ra tổ chức một giải đấu riêng có tên “Super Liga” (nguyên văn của bầu Kiên).

Không biết đó liệu chỉ là lời nói trong một lúc tức khí hay là một ý tưởng thực sự của chủ tịch HN.ACB, nhưng Super Liga nếu được đề xuất sẽ trở thành một đề tài nóng về tính hợp pháp của nó với Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp và luật quốc tế.

Chưa kể cả những vấn đề quan trọng khác để một giải đấu được vận hành như hệ thống tổ chức và thi đấu, hợp đồng tài trợ, bản quyền truyền hình cùng trăm thứ linh tinh khác, việc giải Super Liga được lập ra sẽ phải trải qua không ít khó khăn nếu bầu Kiên và những ông chủ CLB chán V-League muốn hướng đi mới.

Khó khăn về pháp lý

Theo qui định của FIFA, các giải đấu của các CLB bóng đá chuyên nghiệp được xây dựng dựa trên sự đồng thuận của tất cả các đội bóng tham gia. Nhưng quan trọng hơn, giải đấu đó phải được trình lên LĐBĐ cấp châu lục và FIFA để được thông qua.
Ý tường của bầu Kiên hay nhưng khó khả thi. Ảnh: Quang Minh
Ý tường của bầu Kiên hay nhưng khó khả thi. Ảnh: Quang Minh

Lần lượt LĐBĐ nước sở tại, cấp độ châu lục của quốc gia đó và FIFA sẽ được xem xét dự án giải đấu mới. Nếu dự án chứng tỏ được tính khả thi, FIFA và trong trường hợp Việt Nam là AFC có thể chấp nhận để giải đấu được đi vào hoạt động và hưởng các quy chế quốc tế.

Tuy nhiên việc có tới từ 2 giải đấu trở lên cùng có tính chất bóng đá cấp cao ở một quốc gia sẽ khiến LĐBĐ châu lục phải tính toán lại số lượng đội bóng tham dự các giải đấu quốc tế, hoặc là phải san sẻ quota giữa 2 giải. Trừ khi nền bóng đá đó có sự đặc biệt về tính vùng miền (ví dụ như quốc gia có nhiều đảo, hoặc nhiều nước nhỏ), khả năng FIFA và AFC đồng ý cho một giải đấu “ly khai” được hợp pháp hóa mới cao bởi họ luôn coi trọng việc đưa bóng đá đến mọi vùng của đất nước.

Nếu bầu Kiên và các ông chủ CLB khác vẫn muốn tự lập ra giải đấu bất chấp không có sự cho phép của FIFA hay AFC, họ sẽ gặp nhiều trở ngại. Vì không hợp pháp, nên các đội bóng của giải đấu mới sẽ không được quyền tham dự các giải đấu quốc tế. Cầu thủ của họ cũng vì thế mà mất đi cơ hội khoác áo ĐTQG.

Chưa kể một số yếu tố khác, trong đó có hoạt động chuyển nhượng giữa các CLB. Việc chuyển nhượng sẽ chỉ được công nhận cho các giải chuyên nghiệp và cho cầu thủ có hợp đồng với các đội chuyên nghiệp đó. Ngay cả những người làm công việc đại diện cũng chỉ được hưởng quyền lợi của nghề nghiệp mình nếu họ có thân chủ là cầu thủ chuyên nghiệp của đội bóng được FIFA và AFC cấp giấy phép chứng nhận hoạt động.

Từ những điều trên mà suy, để “Super Liga” được đi vào thực tế như bầu Kiên nói không phải dễ, nó phải được sự chấp thuận từ các tổ chức cấp quốc gia cho tới quốc tế để có thể đi vào hoạt động. Theo quan điểm của FIFA, giải đấu ly khai mới phải có sự mở rộng tầm ảnh hưởng của môn thể thao này ở nước sở tại về mặt địa lý, tức Super Liga sẽ phải thu hút thêm cả những đội bóng vốn chưa từng góp mặt ở V-League trên các vùng hẻo lánh chẳng hạn.

Tiền ở đâu?

Mặt pháp lý đã đành là như vậy, nhưng để giải đấu được vận hành trơn tru thì cũng cần có tiền nữa. Đó không phải là tiền mà các CLB tự bỏ ra, họ sẽ phải kiếm nó từ các giao kèo thương mại như tài trợ.
VFF cần phải nỗ lực để xây dựng lại hình ảnh V-League trong mắt người hâm mộ. Ảnh: Quang Minh
VFF cần phải nỗ lực để xây dựng lại hình ảnh V-League trong mắt người hâm mộ. Ảnh: Quang Minh

Trên thực tế, việc một giải đấu được tài trợ là điều bình thường, thậm chí không có gì quá khó khăn ở đây vì bên tài trợ cũng chẳng thiệt gì nhiều nếu đứng ra đỡ đầu cho Super Liga. Tuy nhiên các nhà tài trợ sẽ cần phải xem xét việc hậu thuẫn cho một giải đấu mà khả năng mở rộng thị phần của nó là không cao (do tính chất pháp lý) liệu có nên hay không.

Nhưng vấn đề đau đầu hơn cả với một giải đấu ly khai là chuyện hợp đồng phát sóng các trận đấu. Premier League của Anh có lẽ sẽ chết yểu nếu không được các nhà đài đồng ý phát sóng, và trường hợp của Super Liga Việt Nam cũng sẽ như thế. Một khi V-League đã được phát trên các kênh sóng thuộc đài truyền hình Việt Nam (VTV) thì đất ở đâu sẽ được dành cho Super Liga?

Ngoài ra, một giải đấu tự phát sẽ có những mặt dễ dẫn đến tình trạng “lạm phát” ngay trong nội bộ của nó. Thói quen vung tiền tấn để trả lương, thưởng và phí chuyển nhượng của các ông chủ CLB sẽ khiến gánh nặng tài chính của các đội tham gia bị đội lên rất cao mà không có bất cứ bàn tay kiểm soát nào can thiệp. Có không ít giải VĐQG đã từng bị giải thể do tình trạng này, đơn cử như giải nhà nghề Mỹ vào cuối thập niên 1980, khi mà các CLB đặt ra mức lương một cách tràn lan.

Nói dễ, làm khó

Ý tưởng Super Liga của bầu Kiên cho dù người ta chưa nói đến tính khả thi của nó nhưng đã được hoan nghênh. Lý do rất đơn giản: V-League đã bộc lộ quá nhiều những hạn chế tiêu cực, và những người yêu bóng đá Việt không muốn chấp nhận nó nữa.
Ông Nguyễn Chí Kiên, GĐĐH CLB TP. Hồ Chí Minh ủng hộ bầu Đức Kiên. Ảnh: Quang Minh
Ông Nguyễn Chí Kiên, GĐĐH CLB TP. Hồ Chí Minh ủng hộ bầu Đức Kiên. Ảnh: Quang Minh

Dư luận hiện nay có nhiều luồng ý kiến, người thì bảo rằng V-League dù gì cũng là giải bóng đá cao nhất của Việt Nam, nếu nó dở thì cần phải được khắc phục những điểm dở. Tuy nhiên số còn lại thì nghiêng hẳn sang việc lập ra giải đấu mới, bởi vì họ không còn tin tưởng vào cung cách tổ chức bát nháo của VFF.

Nhưng cái khó nằm ở chỗ, nếu Super Liga thực sự ra đời, nó có trở thành một môi trường bóng đá lành mạnh đúng như công chúng hy vọng? Đây là câu hỏi không dễ trả lời, vì có thể nó sẽ không được quốc tế công nhận về mặt pháp lý, kéo theo sự khó khăn trong việc đạt được những thỏa thuận thương mại để làm chỗ dựa duy trì giải đấu. Do không hợp pháp, nên nó sẽ khó có điều kiện tiếp cận với người hâm mộ, kể cả về mặt truyền thông đại chúng, khi dân ta vốn coi V-League là giải đấu số 1 Việt Nam (dù tư tưởng đó đã lung lay ít nhiều).

Chưa kể một khi đã không hợp pháp, Super Liga có thể sẽ dính vào vô số rắc rối về luật như chuyển nhượng, hợp đồng chuyên nghiệp… Không có sự quản lý của các cơ quan chức năng, giải đấu có thể bị thả nổi và khi đó nó sẽ trở thành thoái hóa chẳng khác gì V-League.

Một yếu tố nữa cũng quan trọng không kém, đó là nếu Super Liga không thuộc bất kỳ một hệ thống thi đấu nào, nó sẽ trở thành một giải đấu “đóng”, tức sẽ không có lên hạng, xuống hạng. Điều này sẽ làm cản trở những địa phương muốn đưa bóng đá phát triển, họ sẽ tìm tới những giải đấu mà CLB của mình có thể tìm đường lên chơi chuyên nghiệp bằng việc kiếm suất thăng hạng. Super Liga khi đó sẽ trở thành sân chơi riêng của những đội bóng chán ngán V-League chứ không phải một môi trường cạnh tranh mới cho bóng đá nước nhà.

Ý tưởng khả thi?

Bầu Kiên chắc là cũng nghe tới “Super League” của châu Âu, tên một giải đấu giữa các CLB hàng đầu Cựu lục địa do chủ tịch Real Madrid, Florentino Perez đề xướng. Perez nói tới giải vô địch châu Âu “như một đối trọng với UEFA”, bởi nó sẽ giúp các đội bóng không phải phụ thuộc vào UEFA nữa. Super League quy tụ các ông lớn và giải đấu sẽ trở thành thương hiệu toàn cầu thu hút hàng tỷ USD.
Việc con trai ông Chủ tịch HĐTT đoạt “Chiếc còi đồng” là điều vô cùng khó chấp nhận với bóng đá chuyên nghiệp? Ảnh: Quang Minh
Việc con trai ông Chủ tịch HĐTT đoạt “Chiếc còi đồng” là điều vô cùng khó chấp nhận với bóng đá chuyên nghiệp? Ảnh: Quang Minh

Super League của châu Âu có thể khiến UEFA phải nhượng bộ vì những đội bóng tham gia đều là nhân tố mang lại doanh thu kếch xù cho Champions League, tức sức mạnh tài chính khiến các “đại gia” có tiếng nói hơn trong mắt những người đứng đầu tổ chức bóng đá tối cao của châu lục. Hơn nữa, những Barcelona, Real Madrid hay Manchester United, Bayern Munich có cả thế giới là thị phần của họ, tức về mặt bản chất, họ đã trở thành những nhà tư bản độc quyền.

Trở lại Việt Nam, Super Liga nếu có cơ hội trở thành hiện thực thì sẽ là điều tốt vì công chúng đang rất chờ đợi hành động từ ông Kiên và những ông chủ CLB. Tuy nhiên đặc điểm của môi trường bóng đá Việt rất khác, các CLB Việt Nam chỉ có ảnh hưởng bên trong lãnh thổ chứ ít tạo dấu ấn ở đấu trường quốc tế.

Danh tiếng của các CLB Việt không lớn nên lời nói của họ sẽ không có trọng lượng khi nói chuyện với AFC cũng như chính VFF. Super League của châu Âu có thể sống khỏe mà không cần đến UEFA, nhưng Super Liga của Việt Nam thì vẫn sẽ phải phụ thuộc vào các tổ chức bóng đá cấp cao.

Nói như vậy không có nghĩa là Super Liga sẽ chết yểu hoặc không bao giờ trở thành hiện thực. Trong tình hình mà VFF không kiểm soát nổi được V-League nữa, cộng thêm sự ủng hộ của đại đa số quần chúng với sự ra đời của một giải đấu mới, FIFA và AFC tất sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn đối với ý tưởng Super Liga của bầu Nguyễn Đức Kiên.

Vì thế mà, nếu được thành lập, điều đầu tiên Super Liga cần giành được chính là sự ủng hộ của công chúng hâm mộ. Một khi những trận đấu của Super Liga thu hút nhiều người đến sân hơn, được dư luận quan tâm và đánh giá cao hơn, FIFA sẽ bật đèn xanh để Super Liga trở thành giải đấu hàng đầu Việt Nam. Giành được sự ủng hộ của tổ chức này thì giải đấu mới sẽ dễ dàng được đón nhận rộng rãi trong và ngoài nước, và hướng đi mới của bầu Kiên mới trở thành hiện thực.

Đỗ Âu