Vụ tranh chấp kho cà phê: NH và Trường Ngân đã vi phạm pháp luật

16/12/2013 07:40
Minh Hồng (Tổng hợp)
(GDVN) - Cơ quan CSĐT - Công an TP HCM vừa nhận hồ sơ vụ “7 ngân hàng tranh chấp 1 kho cà phê” từ TAND quận 4, TP HCM chuyển đến để thụ lý điều tra theo thẩm quyền, vì vụ án có dấu hiệu hình sự.
Ngày 15/12, tờ Lao Động dẫn nguồn tin riêng của tờ báo này cho hay, Cơ quan CSĐT - Công an TP.HCM đã nhận hồ sơ vụ “7 ngân hàng tranh chấp 1 kho cà phê” từ TAND quận 4, TP.HCM chuyển đến để thụ lý điều tra theo thẩm quyền, vì vụ án có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Việc Cơ quan CSĐT – Công an TP HCM thực hiện thụ lý điều tra là hướng giải quyết mới nhằm tránh những tranh chấp trên mức dân sự của 7 ngân hàng về khối lượng cà phê trong kho hàng được Công ty TNHH Trường Ngân (tại thị xã Dĩ An , Bình Dương) dùng làm tài sản thế chấp vay hơn 600 tỉ đồng từ các ngân hàng này.

Rất nhiều bao tải cà phê trong kho của Công ty Trường Ngân là rác và đá sỏi (ảnh Thanh Niên)
Rất nhiều bao tải cà phê trong kho của Công ty Trường Ngân là rác và đá sỏi (ảnh Thanh Niên)

Cho đến thời điểm hiện tại, không ai biết chính xác số cà phê nhân xô trong kho hàng của Công ty Trường Ngân còn lại là bao nhiêu. Theo hồ sơ vào thời điểm năm 2009 khi Trường Ngân “gõ cửa” 7 ngân hàng vay số tiền hơn 600 tỉ đồng  thì số cà phê nhân xô trong kho là 20.000 tấn với giá cà phê thời điểm năm 2009 là 30 triệu đồng/tấn.

Tuy nhiên sau đó số lượng cà phê này lại chỉ còn 3.360 tấn, đến giữa năm 2013 lại chỉ còn 2.800 tấn…Thậm chí theo một số người “canh gác” tại kho này, trong kho ước còn 600 tấn?

7 ngân hàng tranh chấp kho cà phê: Ai chịu trách nhiệm nợ xấu?

7 ngân hàng tranh chấp kho cà phê: Ai chịu trách nhiệm nợ xấu?

Vụ tranh chấp kho cà phê: 7 ngân hàng làm trái quy định như thế nào?

Vụ tranh chấp kho cà phê: 7 ngân hàng làm trái quy định như thế nào?

Theo ghi nhận của phóng viên đi cùng Chi cục Thi hành án thị xã Dĩ An (Bình Dương) tiến hành cưỡng chế kho hàng của Công ty Trường Ngân hôm 4/12 thì rất nhiều bao tải tưởng chừng là cà phê nhân nhưng thực chất chỉ là bao tải trấu, rác, phế thải..?

Tờ Thanh Niên cho biết, theo một cán bộ thi hành án, đến cuối giờ chiều ngày 11/12, cơ quan chức năng đã kê biên, vận chuyển về kho của thi hành án tổng cộng được khoảng 1.500 tấn, bao gồm cả cà phê rác và cà phê hạt. Trong đó, số bao cà phê hạt khá ít, chỉ khoảng 700 tấn; còn lại là các bao vỏ cà phê, rác được trộn với cát, sỏi đá…

Việc mập mờ số lượng cà phê nhân xô thực còn lại và nguyên nhân giảm số lượng cà phê vốn được xem là tài sản thế chấp đã được đích thân ông Nguyễn Đăng Sơn - Giám đốc Cty TNHH Trường Ngân thú nhận trước mặt đại diện 7 ngân hàng. Vị CEO này thừa nhận đã mang một lượng hàng là tài sản thế chấp đi tẩu tán nên thực chất số lượng cà phê tồn kho bao nhiêu vẫn chưa được làm rõ.

Có thể thấy việc Công ty Trường Ngân cùng lúc sử dụng kho hàng thế chấp vay vốn tại 7 ngân hàng, trong số đó không ít ngân hàng đã cho vay dựa trên hàng tồn kho luân chuyển, là không đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ở đây có 2 khả năng xảy ra: Thứ nhất, với một kho hàng, doanh nghiệp đã làm hồ sơ, chứng từ giả sau đó đem thế chấp cho nhiều ngân hàng. Trường hợp này doanh nghiệp có dấu hiệu của tội "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".

Trường hợp thứ 2, khi thế chấp lượng cà phê trong kho hàng thế chấp đầy đủ nhưng khi thua lỗ làm ăn doanh nghiệp lén lút bán tài sản thế chấp. 

Trong cả hai trường hợp trên, doanh nghiệp đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên nếu trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, thẩm định tài sản thế chấp của doanh nghiệp mà cán bộ ngân hàng trực tiếp thực hiện tắc trách, hoặc cố tình “phớt lờ” sai phạm của doanh nghiệp. Như vậy trách nhiệm thuộc về các cán bộ ngân hàng đã câu kết với doanh nghiệp gây thiệt hại, cần quy trách nhiệm cá nhân để xử lý, đền bù thiệt hại.

Mặt khác, qua vụ việc cho thấy lỗ hổng trong việc ngân hàng cho vay thế chấp hàng hóa cũng được bộc lộ bao gồm khâu quản lý các rủi ro trong quá trình kiểm tra, giám sát cũng nhận bảo đảm hàng hóa tránh rủi ro, thất thoát, trùng hàng… Trong đó quan trọng nhất là lỗ hổng trong việc kiểm tra số lượng, chất lượng hàng định kỳ để bảo đảm rủi ro mất vốn, mất tài sản cho ngân hàng.

Đến thời điểm này, chưa thể kết luận có hay không sự móc nối của cán bộ ngân hàng trong việc xem xét tài sản thế chấp của Trường Ngân trước khi làm thủ tục cho vay nhưng rõ ràng đây là câu chuyện mà lỗi ở chính các ngân hàng.

Với việc chuyển hồ sơ vụ việc lên Cơ quan CSĐT – Công an TP.HCM chắc chắn sau một thời gian nữa sẽ có nhiều sai phạm của các ngân hàng trong quy trình thủ tục cho vay cũng như sai phạm của Công ty Trường Ngân.
Minh Hồng (Tổng hợp)