Vụ Dương Chí Dũng: “Mất cán bộ, mất đảng viên đau lắm nhưng phải làm"

17/12/2013 09:20
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - “Chấp nhận trong sự đau lòng, xót xa vì chúng ta mất cán bộ, mất đảng viên. Nhưng để có tính chất răn đe, để chữa được căn bệnh tham nhũng kinh niên, mãn tính, có nguy cơ uy hiếp đến sự tồn vong của chế độ, của Nhà nước, tôi nghĩ rằng phải chấp nhận”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bùi ngùi nói ngay sau giây phút nghe Tòa tuyên án tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, chiều ngày 16/12, HĐXX TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với các bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Theo đó, việc phạm cả 2 tội danh với vai trò chủ mưu, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã bị tuyên án tử hình. Các bị cáo còn lại, người chịu mức hình phạt thấp nhất là 4 năm tù, cao nhất là 22 năm tù.

Ngoài ra, Tòa cũng tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường khoản thiệt hại 367 tỷ đồng gây ra do thương vụ mua bán ụ nổi 83M. Cụ thể, chia theo tính chất, mức độ hành vi phạm tội, 2 bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc phải bồi thường 110 tỷ đồng/người; Trần Hữu Chiều 39 tỷ 340 triệu đồng; Trần Hải Sơn 42 tỷ đồng; Bùi Thị Bích Loan 6 tỷ đồng; Lê Văn Dương 15 tỷ đồng; Mai Văn Khang 12 tỷ đồng; Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng mỗi người 9 tỷ đồng.

Ngay sau giây phút nghe tin Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị Tòa tuyên án tử hình, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X, cho biết ông rất buồn vì sự việc và hiện giờ trong ông tồn tại hai dòng cảm xúc.

Tướng Thước bùi ngùi chia sẻ: “Với tư cách là một đảng viên, một người công dân, khi nghe tin hai đồng chí nguyên là cán bộ Đảng, Nhà nước bị tuyên án tử hình, lòng tôi đau xót lắm! Tôi nghĩ, chắc không chỉ riêng mình tôi mới có cảm giác đó đâu mà bất kỳ người công dân nào nghe tin cũng đều đau xót.”

Theo ông, chúng ta đau xót vì tính nhân đạo của người Việt mình lớn. Khi tước đi mạng sống của ai là cả một sư đắn đo, không hề đơn giản.   

Cảm xúc thứ hai là khi nhìn nhận về mặt pháp luật, lúc này ông lại có cảm xúc khác. Hai cái đó có tính chất đối lập nhau. Tướng Thước nói: “Cha ông ta nói rằng “thương em anh để trong lòng, việc công anh cứ phép công anh làm”. Anh em, đồng chí thương mến nhau là điều rất quý nhưng trong công việc thì phải rạch ròi, phân minh.

Đây là một trong 8 vụ án trọng điểm của quốc gia mà nhiều năm nay nhân dân rất bức xúc. Đảng cũng nói, Nhà nước cũng nói nhưng chúng ta làm chưa tới. Giờ trước áp lực của dân và nhất là sau Nghị quyết Trung ương 4, xây dựng chỉnh đốn đảng, kiên quyết bài trừ những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng để Đảng ta trong sạch. Đảng trong sạch mục đích để lấy lại niềm tin của nhân dân”.

Tướng Thước nói thêm, bây giờ đi đâu ai cũng nói tham nhũng. Một đất nước xã hội chủ nghĩa mà để nhân dân có tâm trạng như thế thì khó có thể vững vàng, không thể ổn định được. Mà dân không ổn định thì chế độ không yên, Nhà nước không yên, Đảng không yên.

Ông lấy dẫn chứng: “Chúng ta xem lại ở Campuchia, xem lại ở Ai Cập, xem lại ở Ukraina, dân mà đã vùng lên thì khó cưỡng lại được. Do đó phải nghe lòng dân”.

Tướng Thước nhấn mạnh: “Nghị quyết Trung ương 4 là nghe lòng dân để chỉnh đốn cho Đảng”.

Mai Văn Phúc và Dương Chí Dũng đã bị tuyên án tử hình (Ảnh Tuổi Trẻ)
Mai Văn Phúc và Dương Chí Dũng đã bị tuyên án tử hình (Ảnh Tuổi Trẻ)

Nói về tính chất của vụ án và phán quyết nghiêm khắc của HĐXX, tướng Thước cho rằng, đây là một trong 8 vụ án trọng điểm, có tính chất đột phá thì xử lí ở tội danh cao nhất là đúng tầm, đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra.

Ông nói: “Điều này sẽ làm thỏa lòng mong mỏi của nhân dân, loại trừ từng bước tham nhũng. Mất tiền của là mất của dân chứ Nhà nước làm gì có của. Nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước là quản lí, chỉ đạo để nhân dân làm ra của cải, đem lại lợi ích cho nhân dân, cho đất nước”.

Về bản án dành cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc cùng các bị cáo khác, tướng Thước cho rằng hai án tử hình là nặng nề, thể hiện sự nghiêm minh và Đảng, Nhà nước, Tòa án phải chấp nhận.

“Chấp nhận trong sự đau lòng, xót xa vì chúng ta mất cán bộ, mất đảng viên. Nhưng để có tính chất răn đe, để chữa được căn bệnh tham nhũng  kinh niên, mãn tính, có nguy cơ uy hiếp đến sự tồn vong của chế độ, của Nhà nước, tôi nghĩ rằng phải chấp nhận”, tướng Thước bùi ngùi nói.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khẳng định: “Chúng ta đau nhưng vẫn phải làm! Ai có thương tiếc cũng hãy nghĩ, một là luật pháp công minh, hai là để cứu uy tín của Đảng, cứu Nhà nước và để chấn chỉnh hệ thống kinh tế của Việt Nam”.

Qua vụ việc xảy ra tại Vinalines, tướng Thước cho rằng cần phải xem xét lại tổ chức Đảng, tổ chức của cơ quan quản lí cấp trên ở đâu mà để xảy ra việc tham ô, tham nhũng kéo dài hết năm nay qua năm khác.

Theo quan điểm của ông, trong vụ việc này không chỉ tử hình Dũng, Phúc và bỏ tù những người liên quan là xong.

Ông nói: “Tôi là một người Tư lệnh quân khu mà cán bộ cấp dưới của tôi hết năm này qua năm khác ăn cắp, tham ô thì anh đó bị kỷ luật rồi nhưng tôi cũng phải có trách nhiệm. Họ phân công tôi quản lí nhưng tôi làm không đến nơi đến chốn. Trong vụ Vinalines này cần phải làm rõ ai phải chịu trách nhiệm về công tác cán bộ, ai chịu trách nhiệm về công tác Đảng, ai có trách nhiệm quản lí kinh tế về Nhà nước?”

Theo ông, trên “hư hỏng” thì dưới mới “hư hỏng”, còn những người liên quan trong vụ việc này cần phải được làm rõ. Làm được như vậy thì vụ này mới xong xuôi, mới đi đến tận gốc rễ của vấn đề./.

VIẾT CƯỜNG