Chuyên gia phân tích những tổn hại trong tâm lý của trẻ

18/12/2013 09:03
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - "Có những ám ánh thực sự đeo mang suốt đời: nỗi sợ hãi, lo âu có thể trở thành những rối loạn rất sâu sắc, bé khó thích nghi với nhà trường và từ đó đi học không còn là một niềm vui nữa, đi học là một nỗi sợ của trẻ".

Sự việc đau lòng tại Nhà trẻ tư thục Phương Anh, đóng trên địa bàn phường Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức (TP. HCM) khiến những ai có lòng vị tha nhất cũng không thể chấp nhận được, hành vi bạo hành trẻ em dã man cần nhìn nhận ở mức độ nào?

Xung quanh sự việc này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc phỏng vấn với PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn - Trưởng Bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP HCM. Dưới góc độ phân tích tâm lý, chuyên gia tâm lý sẽ mổ xẻ nhiều vấn đề liên quan đến hậu quả mà trẻ có nguy cơ phải gánh chịu sau khi bị bạo hành. 

Trẻ bị ám ảnh có thể dẫn đến rối loạn

PV: Bạo hành trẻ em hiện nay không còn là chuyện hiếm, chủ yếu nhất tập trung ở các trường học tư thục tự phát. Ông có có thể lý giải nguyên nhân vì sao?

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn: Việc bạo hành này xuất phát từ nhiều phía: Bản thân người giữ trẻ không có đạo đức nghề nghiệp (nhưng nhiều người xem đây là việc kiếm tiền, tạm bợ, không cần được đào tạo...), áp lực của nghề này quá lớn, cuộc sống xô bồ và quá nhiều thách thức – cám dỗ, một vài phụ huynh phó mặc cho nhóm lớp mầm non tư thục hay người giữ trẻ. 

Khi đã gửi được con rồi thì rất hạn chế quan tâm tới con mình như thế nào. Vì cầu quá lớn trong khi đó cung (chính thống) lại không đáp ứng đủ, vì vậy dẫn đến chuyện nhà trẻ mở ra một cách tự phát nhiều.

PGS. TS. Huynh Văn Sơn.
PGS. TS. Huynh Văn Sơn.
Vì sao mà trẻ thường hay bị hành hạ? Đó là tính chất giáo dục, truyền thông bài bản chưa có nhiều.

Mỗi một năm lại xảy ra một vài vụ, trong giáo dục thì không xảy ra đều và liên tục. Thêm nữa, hiệu quả giáo dục ở giáo viên mầm non cũng cần phải đánh giá lại, nếu giáo viên đã có bằng cấp mà vẫn để xảy ra những sự việc như thế này cần phải được xem xét lại.

Thưa PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn, như ông biết tâm lí trẻ sau khi bị bạo hành thường sẽ diễn biến theo chiều hướng nào, liệu nỗi ám ảnh đó có theo các em suốt cuộc đời không?

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn: Có những ám ánh thực sự đeo mang suốt đời: nỗi sợ hãi, lo âu có thể trở thành những rối loạn rất sâu sắc, bé khó thích nghi với nhà trường và từ đó đi học không còn là một niềm vui nữa, đi học là một nỗi sợ của trẻ. 

Đó là chưa kể những thương tổn về tâm lý rất sâu sắc và bền bỉ, những căng thẳng tâm lý lâu bền, những tổn hại về thể chất và tinh thần thực sự đeo mang. Về lâu, về dài rất có thể quan điểm sống của trẻ bị lệch lạc như, trẻ dễ dàng bạo lực con cái mình, bạo lực vợ chồng của mình. Cũng có thể trẻ không quan tâm tới cảm xúc người khác. Trẻ trở nên vô cảm, lầm lì ít nói là hoàn toàn có thể xảy ra.

Như vậy, liệu các em có phát triển bình thường như bao trẻ khác không thưa ông?

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn: Trẻ bị bạo hành thường bị ảnh hưởng đến thể chất nên sự hạn chế phát triển là đương nhiên. Đó là chưa kể đến những ảnh hưởng sợ sệt có thể làm trẻ mất tự tin, thiếu sự phát triển những khả năng liên quan đến sự thể hiện vì nhu cầu tự vệ quá lớn.

Trẻ có thể khó hợp tác, quan điểm dễ có vấn đề khi nhìn nhận về cuộc sống, nghề nghiệp. Khi không làm được việc gì hay dẫn đến hành động bạo lực, bản thân trẻ có cái nhìn về nghề nghiệp rất xấu, thậm chí trẻ rất hoảng sợ nếu gặp một người phụ nữ giống với người đã từ hành hạ mình.

Những nghiên cứu về mặt tâm lý cho thấy, những triệu chứng như hung hãn, những rối loạn về hành vi, thậm chí những hành vi biến thái đều có nguy cơ xuất phát từ những rối nhiễu ở hành vi từ trong giai đoạn đứa trẻ còn nhỏ. Ảnh hưởng tới những hành vi đạt chuẩn, thậm chí là những hành vi phạm pháp, biến thái hoàn toàn có nguy cơ là “người bạn” lâu dài của đứa trẻ. 

Nếu vì đồng tiền hãy chọn nghề khác

Ông có thể lí giải hiện tượng tâm lí của các bảo mẫu, vì nguyên nhân nào mà các bảo mẫu thường hành hạ trẻ ở những lứa tuổi nhỏ?

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn: Như đã đề cập, hoạt động của khá nhiều nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ gia đình hiện nay vẫn còn mang tính tự phát, tồn tại nhiều vấn đề cần quan tâm.

Ở góc độ nghề nghiệp, nhiều bảo mẫu làm việc nhưng chưa được đào tạo, chưa được giáo dục về đạo đức và quy chuẩn nghề nghiệp... Những áp lực quá căng thẳng của cuộc sống, của nghề nghiệp, của nhóm trẻ quá đông, của những suy nghĩ tiêu cực... có thể dẫn đến những hành vi thiếu tình người, vi phạm pháp luật...

Bên cạnh đó, không thể không đề cập đến chuyện những cô gái quá trẻ, thiếu kinh nghiệm, thiếu bản lĩnh, thiếu những sự chịu đựng thách thức, thiếu kỹ năng mềm nên sự hành xử rất tệ hại... Cũng cần nhấn mạnh đó là hành vi vi phạm pháp luật...

Tôi quan  niệm rằng, nếu thực sự vì cuộc sống hay vì đồng tiền, thì hãy chọn công việc hướng đến tiền chứ đừng hướng đến con người, dạy người làm người khi mình... thì thiếu hẳn. Hơn nữa, trẻ con quá nhỏ và ngây thơ, dù trẻ có những quấy phá nhưng chưa hẳn trẻ cố tình... Phải nhẫn nại và chịu đựng để điều chỉnh hành vi của trẻ...

Sự việc mới đây nhất là tại trường Tư thục Phương Anh (18 đường Hiệp Bình, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM). Có thể nói ai xem những hình ảnh, clip này cũng đều phẫn nộ trước hành động của bảo mẫu:Để cho trẻ ăn, bảo mẫu dùng mọi cách, thậm chí tát, bóp cổ, dọa nạt để bắt trẻ ăn. Là người có kinh nghiệm trong khoa học tâm lý, ông thấy sự việc này cần xử lý như thế nào?
PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn: Những vi phạm về nghề nghiệp, hãy để quy chuẩn nghề nghiệp xử lý. Chức danh nào, nhiệm vụ và quyền lợi ấy cũng như có trách nhiệm ấy. Còn những vi phạm pháp luật, pháp luật cần trừng phạt...

Nói thế nhưng tôi vẫn đau, đau vì nghề nghiệp này quá dễ dãi nên nhiều người định hướng sai. Đau vì nhiều người được gọi bằng những mỹ từ nhưng ứng xử rất trái ngược...

Xử lý bằng những tiêu chí đánh giá ngay khi xin phép mở nhóm, khi kiểm tra đánh giá nhóm và đặc biệt là cần tuân thủ nghiêm ngặt các chức năng quản lý là điều cần làm ngay lập tức. 

Ông có nghĩ rằng chính những bảo mẫu hành hạ trẻ em đã bị ảnh hưởng từ phía gia đình mình?

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn: Hệ lụy sẽ tồn tại rất lâu dài, như những người thương trẻ con thì mới làm nghề này, nếu trong lòng mình không thương trẻ con thì tôi cũng xin đề nghị đừng xem đây là công việc để kiếm cơm. 

Nếu không có lòng kiên trì, không có sự mềm mại, không có sự tinh tế, khéo léo thì khó có thể trở thành người bảo mẫu tốt. Vấn đề này phải nhìn nhận sâu sắc. Dứt khoát những cá nhân dễ dàng bạo hành người khác thì cá nhân đó, một là đã bị tổn thương tâm lý rất lâu, hai là bản thân người đó có chuyện nội tâm ngay từ trong chính gia đình của họ, nhưng cái này không kết luận được.

Xin cám ơn PGS. 
Xuân Trung (thực hiện)