TQ sẵn sàng chi để đầu tư phát triển sức mạnh, tham vọng quân sự

25/12/2013 10:29
Việt Dũng
(GDVN) - Trung Quốc được cho là đã đầu tư vốn lớn cho mua sắm, phát triển vũ khí trang bị và đạt được nhiều kết quả.
Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc

Trang mạng tạp chí Wedge Nhật Bản ngày 22 cho rằng, về sự tăng trưởng mạnh mẽ sức mạnh quân sự của Trung Quốc, có mấy mệnh đề quan trọng sau: Tàu sân bay mới do Trung Quốc tự chế tạo sẽ khi nào xuất hiện? Lực lượng hộ tống tàu sân bay của Trung Quốc lúc nào đạt tới hoàn thiện? Lực lượng tác chiến trên không lúc nào thực sự hình thành?

Đối với rất nhiều quốc gia, tàu sân bay là "đồ chơi đắt tiền", Trung Quốc đang bí mật đẩy nhanh chế tạo tàu sân bay, nhưng Trung Quốc rõ ràng hoàn toàn không đơn thuần lấy chế tạo tàu sân bay làm mục tiêu duy nhất. Ứng dụng thực tế công nghệ phóng điện từ máy bay chiến đấu trên tàu sân bay đang được tập trung nghiên cứu thúc đẩy.

Trung Quốc còn bất chấp mọi giá phải trả để xây dựng đội phi công át chủ bài của họ. Những nỗ lực này đã tăng cường điểm yếu vốn có trong xây dựng quân sự của Trung Quốc, tạo thành cốt lõi của tham vọng quân sự Trung Quốc.

Máy bay trực thăng quân sự mới nhất Trung Quóc bay thử lần đầu tiên
Máy bay trực thăng quân sự mới nhất Trung Quóc bay thử lần đầu tiên

Những tiến bộ về khoa học công nghệ quân sự của Trung Quốc không chỉ ở tàu sân bay. Ngày 23 tháng 12 còn có tin Trung Quốc đã cho bay thử máy bay trực thăng Z-20. Được biết, máy bay này sẽ trở thành chủ lực của trang bị trực thăng thông dụng trong tương lai của nước này, từ đó giúp cho Lục quân Trung Quốc "mọc thêm cánh".

Hãng tin “Jiji Press” Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc đang đẩy nhanh nhập khẩu có lựa chọn động cơ máy bay chiến đấu, hệ thống điện tử và công nghệ tàu thuyền từ các cường quốc quân sự truyền thống châu Âu. Trên cơ sở tiếp thu công nghệ của nước ngoài, Trung Quốc đang tập trung vào phát triển công nghệ vũ khí thông thường của họ, tập trung nâng cao trình độ trang bị cho lực lượng trên không-trên biển.

Tờ "Nguyệt san Đại Tây Dương" (phiên bản Pháp) kỳ 12 đăng đối thoại của học giả cho rằng, Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao, những công trình bằng gỗ lớn đã có thể đi ra nước ngoài ký các hợp đồng phức tạp, thiết bị thông tin trong vài năm đã chiếm 25% thị trường châu Âu.

Máy bay vũ trang không người lái Dực Long, Trung Quốc
Máy bay vũ trang không người lái Dực Long, Trung Quốc

Theo bài báo, Pháp không thể đơn giản đổ lỗi tiến bộ khoa học công nghệ của người khác cho "ăn cắp", mà cần nhìn thấy sự đầu tư khổng lồ của Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học.

Bài báo cho rằng, trong một số lĩnh vực mũi nhọn, Trung Quốc còn có khoảng cách rất xa so với Pháp, nhưng tốc độ theo đuổi khoảng cách này của người Trung Quốc e rằng nhanh hơn tưởng tượng. Trung Quốc đến nay đã thoát khỏi mô phỏng và theo đuổi trong một số lĩnh vực, tiến hành phát triển độc lập.

Tên lửa không đối không dòng PL Trung Quốc
Tên lửa không đối không dòng PL Trung Quốc
Việt Dũng